Từ tháng 2 năm 1961 đến nay, đã 60 năm kết nghĩa giữa hai thành phố Thanh Hóa và thành phố Hội An. Phát huy truyền thống gắn bó keo sơn từ trong chiến tranh, cán bộ và Nhân dân hai thành phố tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ cùng nhau xây dựng quê hương.

Ngay trong những ngày đầu năm mới Tân Sửu, hàng chục công nhân đã tiếp tục thi công các hạng mục của trường Mẫu giáo Tân An tại khu vực Cồn Thu, phường Tân An, thành phố Hội An. Ngôi trường có diện tích hơn 2.000 mét vuông được cán bộ và Nhân dân thành phố Thanh Hóa kết nghĩa hỗ trợ kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng.
“Công trình đang thi công và mai đây là một ngôi trường khang trang, bề thế. Chúng tôi rất vinh dự được Nhân dân thành phố Thanh Hóa ủng hộ, tài trợ. Đây không chỉ là tình gắn bó, đoàn kết giữa hai thành phố mà còn là động lực cho ngành Giáo dục Hội An nói chung và Trường mẫu Giáo Tân An nói riêng ngày một phát triển hơn” – Cô Cao Thị Huệ – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân An, nói.
Không chỉ ngôi trường này, tại Hội An có nhiều công trình ý nghĩa đã được xây dựng bằng sự hỗ trợ nghĩa tình của cán bộ và Nhân dân thành phố Thanh Hóa. Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu nằm trên đường Phan Châu Trinh, có quy mô 2 tầng với 5 dãy phòng học và 9 phòng chức năng, tổng kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng. Một công trình ý nghĩa khác là Thư viện Thanh Hóa nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ, Thư viện được xây dựng trên tổng diện tích hơn 6.000 mét vuông với nhiều hạng mục khác nhau, kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, với khẩu hiệu “Miền Nam gọi – Miền Bắc trả lời, Hội An cần – Thanh Hóa có”, biết bao người con Thanh Hóa đã lên đường “Nam tiến” hòa cùng Nhân dân Hội An đánh giặc, bảo vệ quê hương. Thời kỳ này, Thanh Hóa đã phát động các phong trào “tay búa tay súng”, “tay cày, tay súng”, “đảm bảo giao thông thông suốt”, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nhưng “Những bức thư sâu nặng nghĩa tình”, từ Thanh Hóa gửi vào, mỗi kỷ vật chiến tranh từ Hội An gửi ra là niềm tin, nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ để Đảng bộ, quân và dân hai địa phương ra sức lao động, học tập, chiến đấu và chiến thắng quân thù.
Những vùng đất của Thanh Hóa như Hàm Rồng, Phú Sơn, Nam Ngạn, Đông Hương, Đông Thọ,… luôn kề vai sát cánh cùng Cẩm Thanh, Cẩm An, Cẩm Hà, Cẩm Hải, Cẩm Châu, Cẩm Kim, Cẩm Nam…nhiều trận làm khiếp vía quân thù. Nhiều công trình ý nghĩa mang tên Hội An đã được xây dựng tại Thanh Hóa ngay trong những năm tháng chiến tranh như rạp chiếu phim, công viên, thư viện,…
Với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam, vì Hội An ruột thịt” các phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu giỏi được đẩy mạnh tiêu biểu như các hợp tác xã: Cơ khí Nam Kỳ 40, Thành Công, Minh Thành, Phương Nam, thủy tinh Thống Nhất, xí nghiệp mộc xẻ Bến Cốc, Nhà máy điện, Đồn công an vũ trang Hàm Rồng…Đáp lại tình cảm của Đảng bộ và Nhân dân thị xã Thanh Hóa, quân dân Hội An đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm lập nhiều chiến công xuất sắc, giải phóng Hội An ngày 28/3/1975.

Chiến tranh qua đi, Bắc – Nam sum họp, mối thân tình lịch sử Thanh Hóa – Hội An ngày càng keo sơn, gắn bó, Đảng bộ, nhân dân hai thành phố tiếp tục đồng cam cộng khổ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khôi phục sản xuất, xây dựng quê hương. Thanh Hóa tiếp tục giúp Hội An chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều cơ sở thủ công mỹ nghệ, chi viện nhiều cán bộ, giáo viên, tặng sách cho thư viện Hội An để góp phần tạo nguồn tri thức, cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Nguyễn Hưng – Nguyên Bí thư thành ủy Hội An, nói: “Người Thanh Hóa quá sâu sắc, trong thời chiến tranh, Thanh Hóa đem con người, đem xương máu vào giúp Hội An chiến đấu, giải phóng quê hương; khi hòa bình lại tặng sách, trao gửi nguồn tri thức để giúp ta phát triển bền vững. Đó là điều quá sâu sắc !”.
Trong thời kỳ hội nhập, đổi mới và phát triển, lãnh đạo hai thành phố đã thường xuyên thăm hỏi, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; hỗ trợ, động viên, thăm hỏi nhân dân mỗi khi gặp thiên tai, dịch bệnh; thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình người có công với cách mạng. TP.Thanh Hóa đã tổ chức hàng nghìn lượt cán bộ vào Hội An học tập, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng, quản lý đô thị, phát triển văn hóa, du lịch để xây dựng thành phố Thanh Hóa “Đô thị văn minh, công dân thân thiện”.
Một số công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa Thanh Hóa – Hội An được hai thành phố dày công xây dựng, trở thành những dấu ấn sinh động thể hiện tình cảm keo sơn gắn bó, son sắt thủy chung giữa hai miền đất nước. Tại thành phố Thanh Hóa có một công viên rộng lớn mang tên Hội An. Nơi đây, cán bộ và Nhân dân Hội An đã xây tặng quê hương kết nghĩa nhiều công trình như Chùa Cầu, nhà lưu niệm, trụ biểu,…
“Phát huy nghĩa tình son sắc thủy chung, cùng hướng đến tương lai, cả hệ thống chính trị của hai thành phố cùng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, đảm bảo hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Về kinh tế, sẽ phối hợp phát huy thế mạnh của từng nơi, trước hết là hợp tác phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật để lan tỏa các giá trị văn hóa của từng địa phương. Qua đó, Nhân dân hai thành phố hiểu nhau và ngày càng gần gũi với nhau hơn” – Đồng chí Trần Ánh – Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND TP. Hội An, nói.

Đến nay, hai thành phố vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Thành phố Thanh Hóa đã phát triển thành đô thị loại I, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa. Thành phố Hội An được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, khu phố cổ Hội An và Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Phát huy truyền thống kết nghĩa 60 năm qua, cán bộ và Nhân dân hai thành phố tiếp tục chung tay xây dựng “hai quê” ngày càng phát triển.
Quốc Hải