Lịch sử đã từng ghi nhận, Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế. Và Hội An cũng là điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Sau 16 năm được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (kể từ tháng 12/1999), Hội An còn trở thành minh chứng sống động cho sự gắn kết giữa khu di sản với cộng đồng địa phương, đồng thời giới thiệu những thành công nổi bật trong bảo tồn di sản. Những thành tựu đạt được của Hội An càng có ý nghĩa hơn nữa khi nhìn nhận và đánh giá trong bối cảnh hàng loạt những thách thức mà khu di sản này đang phải đối mặt, như vị trí dễ tổn thương tại vùng hạ lưu sông Thu Bồn thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ và tác động của biến đối khí hậu. Cấu trúc của khu di sản lại chủ yếu gồm các công trình kiến trúc cổ bằng gỗ hàng trăm năm tuổi tồn tại đan xen cùng cộng đồng dân cư với hàng loạt những nhu cầu nảy sinh từ quá trình phát triển đô thị hóa đang tiếp diễn.
Bối cảnh tự nhiên và xã hội ngày càng thách thức hơn, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và thực chất hơn của các bên liên quan, đặc biệt giữa nhà nước – doanh nghiệp – cộng đồng để đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững. Trong đó, văn hóa đóng vai trò nền tảng trong việc tạo động lực cho phát triển kinh tế, bồi đắp lòng tự tôn và sự bền vững về mặt xã hội. Chính vì vậy, sự ủng hộ rộng rãi và tham gia tích cực của các doanh nghiệp cũng như các cá nhân tâm huyết và giàu tình yêu với di sản trong cuộc thi “Đồng hành cùng di sản thế giới Hội An”, năm 2015 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác công tư trong việc quảng bá và phát huy giá trị của di sản. TS.Dương Bích Hạnh – đại diện UNESCO tại Hà Nội, một trong các đơn vị hỗ trợ cho cuộc thi đã phát biểu: “Chúng tôi vui mừng biết rằng, các cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến thành phố đều quan tâm đặc biệt tới cuộc thi này và cẩn trọng nghiền ngẫm, tâm đắc với những ý tưởng bảo tồn, quảng bá di sản do chính doanh nghiệp và các cá nhân trong cộng đồng cùng hiến kế. Chúng tôi cũng cảm thấy được khích lệ hơn khi các cơ quan quản lý chia sẻ kế hoạch biến các ý tưởng thành hiện thực ngay trong tương lai gần và tiếp tục duy trì các hoạt động truyền thông xã hội tương tự nuôi dưỡng cảm hứng và tình yêu đối với di sản Hội An”.
Trao cờ và quà lưu niệm cho các đơn vị dự thi “Đồng hành cùng Di sản thế giới Hội An”, 2015- Ảnh: Đỗ Huấn
Phát huy kết quả đạt được của cuộc thi, trân trọng những sản phẩm của các tổ chức, cá nhân tham gia, UBND thành phố Hội An đã có chủ trương và chuẩn bị kế hoạch tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới trong việc bán vé và mua vé tham quan đô thị cổ Hội An. Những ý tưởng, nội dung có liên quan, mang tính khả thi, dễ áp dụng được chú ý để triển khai thực hiện. Chẳng hạn, vé tham quan phải được chăm chút về mặt mỹ thuật và nội dung, phải có những “tín hiệu” đặc trưng của phố cổ vì đây là giấy thông hành mở ngõ vào đô thị cổ; sớm nghiên cứu áp dụng việc phát hành vé tham quan phố cổ Hội An bằng hình thức “Thẻ từ” , “Vé điện tử”, ứng dụng vé tham quan trên điện thoại di động thông minh và máy tính bảng, khai thác dịch vụ SMS marketing khi khách du lịch vào đến bán kính 10km tính từ trung tâm đô thị cổ sẽ nhận được tin nhắn khuyến khích khách mua vé tham quan cũng như những lợi ích mà họ được hưởng khi mua vé; lập kênh bán hàng online, mở rộng kênh bán hàng offline qua công ty du lịch lữ hành, thông qua các khách sạn nhà hàng và thông qua các công ty vận tải taxi; lắp đặt camera giám sát tất cả các lối vào trong khu phố cổ để kiểm soát và hỗ trợ an ninh cho du khách; có kế hoạch chỉ đạo phổ biến nhân rộng các sản phẩm hay, các ý tưởng tốt đến toàn bộ các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá về việc bán vé tham quan góp phần trùng tu di sản, tổ chức phối hợp cung cấp thông tin về phố cổ như: bản đồ tham quan phố cổ, các di tích, các điểm tham quan, các quầy bán vé…, xây dựng các nội dung, phương thức tuyên truyền, các slogan, các thông điệp trong việc bán và mua vé tham quan phố cổ để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ. “Tôi cũng mong rằng sự quan tâm, đóng góp của các bạn không chỉ dừng lại ở cuộc thi, khi cuộc thi kết thúc mà sẽ được tiếp tục duy trì phát huy trong quá trình phát triển du lịch bền vững lâu dài của thành phố”, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố nói thêm.
Với Hội An, đặc biệt kể từ khi khu phố cổ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vai trò chủ đạo và thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Tốc độ tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ trọng gần 65% so với cơ cấu kinh tế hiện tại. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản khu phố cổ luôn mang ý nghĩa quyết định, có tính sống còn đối với cộng đồng cư dân địa phương. Cùng hợp tác tham gia bảo vệ, phát huy “vẻ đẹp không trùng lắp” của quần thể kiến trúc khu phố cổ cũng chính là trọng trách của các nhà quản lý, kinh doanh và nhân dân đối với giá trị văn hóa của nhân loại. Ông Võ Văn Vân – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Trưởng thường trực Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Có doanh nghiệp dự thi một sản phẩm mới lạ, thân thiện, dễ tiếp cận. Có doanh nghiệp đăng ký 2 nội dung dự thi. Có một số sản phẩm, cả mô hình, ý tưởng đã áp dụng vào hoạt động thực tế tại đơn vị. Đặc biệt trong phần nhóm ý tưởng, nhiều cá nhân, doanh nghiệp dự thi còn đưa ra nhiều ý tưởng đề xuất về phương pháp phát hành vé như: đại lý tại các doanh nghiệp kết hợp dấu nhận biết thay kiểm soát viên, kết hợp các voucher tặng vé tham quan cho khách tại các doanh nghiệp, trang trí hình thức vui nhộn, bắt mắt tại các quầy vé… Qua đó đã thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội và tính liên kết cùng phát triển bền vững giữa 3 nhà: nhà nước – nhà doanh nghiệp và nhà dân”.
Đỗ Huấn