Thiếu liên kết trong du lịch Hội An

Liên kết, hợp tác luôn yêu cầu quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch địa phương.

Mới đây, Trung Tâm Văn hóa – Thể thao Hội An đã chính thức giới thiệu và đưa vào hoạt động một sản phẩm văn hóa du lịch mới phục vụ người dân và du khách, đó là múa rối nước. Tuy nhiên, trong 21 doanh nghiệp du lịch được mời thì chỉ có 5 doanh nghiệp đến dự, còn lại chủ yếu là đại diện các cơ quan ban ngành của thành phố và báo chí.

Từ sự việc này, ông Nguyễn Sự – Chủ tịch HĐND thành phố nói:“Chúng ta cứ kêu Hội An thiếu sản phẩm mới, khách không có chỗ chơi thì khi giới thiệu múa rối nước, một loại hình văn hóa,… lại rất ít doanh nghiệp hưởng ứng. Như vậy, chúng ta đang tách rời với nhau, không nương tựa vào nhau và mỗi người làm mỗi kiểu. Đó là nguy cơ, nguy cơ từ chính nội bộ mình. Khi giải quyết được cái này thì khó khăn bao nhiêu cũng vượt qua.”

Trên thực tế, vấn đề liên kết để phát triển bền vững trong du lịch đã được chính quyền thành phố đặt ra ngay từ những ngày đầu xây dựng và phát triển “ngành công nghiệp không khói” này.

Thành phố xác định, để đạt mục tiêu phát triển du lịch, liên kết là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả. Bởi du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, sự phát triển du lịch không chỉ nằm trong một vùng riêng mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi hành chính địa phương.

Quảng bá điểm đến Hội An- Trách nhiệm không của riêng ai- Ảnh: Quốc Hải

Việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch sẽ thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng, qua đó phát huy những tiềm năng, lợi thế, khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, hợp lý, đồng thời tạo mối liên kết trong việc xây dựng tour, tuyến du lịch thu hút du khách. Hợp tác tạo sản phẩm du lịch mới có sức cạnh tranh cao, đó cũng là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư, đóng góp một phần không nhỏ cho phát triển kinh tế.

Trong khi việc liên kết là xu thế phát triển tất yếu trong giai đoạn hiện nay và bất kỳ ai cũng biết, trong bài toán kinh tế, tính liên kết tạo ra lợi ích, tạo ra sức mạnh, thế nhưng, các doanh nghiệp du lịch Hội An hiện đang trong tình trạng “mỗi người làm theo mỗi kiểu, mạnh ai nấy làm”.

Đơn cử như công tác quảng bá cho điểm đến Hội An bấy lâu nay lúc nào cũng ở trong trạng thái “lơi lỏng”. Mỗi lần Hiệp Hội Du lịch Quảng Nam vận động tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm trong nước và quốc tế thì chỉ có một vài doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp khác tự mình giới thiệu và “bán” phần trách nhiệm quảng bá chung điểm đến Hội An cho chính quyền và các ngành chức năng.

Khi được hỏi về vấn đề chính quyền các địa phương có chủ động liên kết, bắt tay nhau trong phát triển du lịch hay không thì lãnh đạo ngành du lịch Hội An lắc đầu cho biết: “Các địa phương liên kết hiện tại cũng chỉ dừng ở vấn đề về quảng bá, xúc tiến mà thôi”. Mấy năm qua, chương trình liên kết  giữa 3 địa phương Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam là một ví dụ.

Có một thực tế tại Hội An là mỗi lần đề cập đến sự liên kết, đại diện các doanh nghiệp thường né tránh. Các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền, doanh nghiệp với doanh nghiệp khác lĩnh vực và doanh nghiệp với cộng đồng có lẽ là  “việc riêng” của mỗi doanh nghiệp.

Tại một “điểm đến” hàng đầu cả nước như Hội An, du khách từ các hãng lữ hành truyền thống đang có xu hướng giảm dần, hàng loạt khách sạn, khu resort mới ra đời với nhiều thương hiệu mới nổi tiếng đã khiến cho sự cạnh tranh thị trường ngày càng diễn ra gay gắt. Ứng phó tình hình đó, bắt buộc các doanh nghiệp đều phải có chiến lược riêng, đặc biệt là đầu tư cho công tác phân tích thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh và yêu cầu không thể thiếu là phải liên kết với các đối tác.

Tuy nhiên, hợp tác, liên kết dường như vẫn là “bài toán khó” trong tình hình hiện nay. Chính vì vậy, ông Huỳnh Thanh Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty Forcus, chủ đầu tư Khách sạn Almaniti Hội An đã nói một cách hình tượng như sau:“Nếu mình có sản phẩm tuyệt vời nhưng đến bán tại chợ rất vắng khách thì rõ ràng không thể bán đắt giá mà thậm chí ế hàng. Như vậy, vấn đề là tạo ra một cái chợ tốt thì kiểu gì chúng ta cũng bán được hàng và giá cao. Đấy là văn hóa. Điều đấy là văn hóa kinh doanh hợp tác với nhau và chúng ta có thể làm được.”

Rõ ràng, một cái chợ tốt là ở đó, mỗi người bán hàng phải bán sản phẩm tốt, liên kết phối hợp cùng tạo uy tín, thương hiệu riêng thì mới có thể thỏa mãn được nhu cầu của người đi chợ. Hy vọng, du lịch Hội An sẽ có bước phát triển bền vững khi cộng đồng doanh nghiệp địa phương xem việc liên kết cùng phát triển như là nhu cầu tự thân, tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay./.

Quốc Hải