Nhận diện “nguy cơ” từ Tân Hiệp

Nhận diện nguy cơ, thách thức để chủ động thích ứng, có định hướng và giải pháp phù hợp là yêu cầu quan trọng đối với sự phát triển KT-XH tại xã đảo Tân Hiệp hiện nay.

Qua 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XI, nhiệm kỳ 2010-2015, đến nay, các ngành kinh tế của xã Tân Hiệp tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 2 lần; đời sống của nhân dân được nâng lên, số hộ khá giàu tăng đáng kể. Bên cạnh đó, văn hóa xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng khởi sắc; các công trình phúc lợi xã hội đã và đang được đầu tư ngày càng phát huy tác dụng tích cực. ANCT-TTATXH được giữ vững; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; mối quan hệ giữa Đảng với dân, dân với Đảng ngày càng gắn bó mật thiết hơn.  

Kết quả đó có sự tác động mạnh mẽ của những bước phát triển cả về chất lẫn lượng từ ngành kinh tế Dịch vụ – Du lịch – Thương mại, chiếm tỉ trọng hơn 50% trong cơ cấu kinh tế toàn xã. Cù Lao Chàm thực sự là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; lượng khách đến tham quan tăng gần gấp 5 lần trong 5 năm qua.

Giữ nét hoang sơ riêng có của Cù lao Chàm- Ảnh: Quốc Hải

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, nhiều vấn đề nảy sinh đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống xã hội tại Cù lao Chàm. Tại cuộc làm việc mới đây với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Sự – Chủ tịch HĐND thành phố đã nêu ra những nguy cơ mà Cù Lao Chàm đang phải đối diện:“Chúng ta không tỉnh táo bây giờ thì một thời gian gần, khi điện ra rồi thì họa sẽ đến Cù Lao Chàm lớn hơn ngoài cái phúc là được điện. Chưa phát triển du lịch thì dân khó khăn, nhưng đến khi phát triển du lịch xong rồi thì dẫn đến hệ quả là môi trường thay đổi, nếp sống người dân trong chừng mực nào đó đang bị xáo trộn bởi kinh kinh doanh, buôn bán chụp giựt, kể cả xe ôm. Sự hiền hòa, chơn chất, thiệt thà của một bộ phận người dân Cù Lao Chàm bây giờ bắt đầu bị sự hỗn mang của thị trường thâm nhập vào. Đó là nguy cơ thực tế. Cái họa thứ hai vềmặt tự nhiên, môi trường thay đổi, ô nhiễm nhiều hơn, rác thải nhiều hơn”.

Thực tế cho thấy, môi trường trên đảo đang bị ô nhiễm bởi số lượng du khách đến tham quan ngày càng đông. Sinh sống trên đảo nhưng có đến gần 80% người dân được hỏi đều chưa biết về Khu dự trữ sinh quyển thế giới này. Hậu quả là môi trường sinh thái bị ô nhiễm, nguồn lợi trên rừng, dưới biển bị xâm hại.

Trong thời gian tới, khi Cù Lao Chàm có điện lưới quốc gia, mọi lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội sẽ có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu mua đất trên đảo của nhiều doanh nghiệp trong nước, một số người dân ở Bãi Hương, Bãi Làng đã sẵn sàng bán đất. Như vậy, tác động từ quá trình đô thị hóa thực sự là một nguy cơ có thể xảy ra trên vùng đảo hoang sơ này. Hiện một số doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị đầu tư các dự án du lịch mới trên đảo ngay sau khi có điện. Để dự lường nguy cơ phát triển ồ ạt các dự án xây dựng, tác động tiêu cực đến cảnh quan sinh thái tự nhiên, chủ trương của thành phố là không khuyến khích đầu tư các dự án phát triển du lịch lớn, tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho cộng đồng cư dân địa phương hưởng lợi trực tiếp.

Mới đây, để hạn chế sự “quá tải”, thành phố cũng đã quy định cụ thể số lượng khách tham quan Cù Lao Chàm không được vượt quá 3.000 người trong khoảng thời gian từ 7h00 đến 14h00 hằng ngày. Thế nhưng, thời gian tới, khi cầu Cửa Đại hoàn thành, việc kiểm soát số lượng du khách ra Cù Lao Chàm không chỉ nằm ở Cửa Đại mà còn diễn ra tại Duy Duyên, Thăng Bình. Khi du khách ra đảo từ Cửa Đại thì thành phố có thể kiểm soát được, tuy nhiên, Duy Xuyên, Thăng Bình cũng có quyền lập tuyến và cho xuất bến tại địa phương, Hội An không thể can thiệp được. Như vậy, khách ra Cù Lao Chàm ngày càng đông nhưng sự “quá tải” là một nguy cơ thực sự.

Phát triển du lịch tạo nhiều áp lực lên tự nhiên và xã hội- Ảnh: Quốc Hải

Đề cập đến một nguy cơ khác tồn tại ngay trong đội ngũ cán bộ địa phương, ông Nguyễn Sự – Chủ Tịch HĐND thành phố cảnh báo: “Sự phát triển nào cũng phải trả giá, nhưng tôi đề nghị với các đồng chí, kể cả thành phố phải lường hết được cái giá phải trả quá đắt trong tương lai để ngăn ngừa. Bây giờ xuất hiện tình trạng chủ quan, bằng lòng, buông lỏng trong công tác kiểm tra, quản lý và tư tưởng ỷ lại đối với cán bộ, kể cả nhân dân nữa. Đã xuất hiện tư tưởng tự tôn, một chút tự cao, tự đại trong cán bộ. Mà chính đó sẽ dẫn đến sự bế tắt, Cù Lao Chàm sẽ nát. Tôi đề nghị các đồng chí địa phương phải thấy được cái đó, thấy được nguy cơ chứ không chỉ thấy thuận lợi để cảnh giác mình, cảnh giác người dân mình”.

Ngay trong báo cáo chính trị tại Đại Hội Đảng bộ xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua cũng đã đánh giá: “Nếp sống văn hóa đặc trưng hồn hậu, chân chất của cư dân Cù Lao Chàm có biểu hiện phai nhạt do sự tác động của Dịch vụ – Thương mại”.    

Chính vì thế, thời gian tới, toàn Đảng bộ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị sinh quyển. Trong đó, tập trung khơi dậy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo “sức đề kháng” cần thiết để phát triển bền vững trong sự tác động nhiều chiều của đời sống xã hội và kinh tế thị trường./.

Quốc Hải