Nhiều người cho rằng, Hội An không chỉ có cảnh quan đặc biệt là khu Phố cổ và khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm hay rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh mà còn có một “Cù Lao xanh”, nằm giữa mênh mông sông nước, tạo thêm chất thơ cho đô thị cổ. Đó là phường Cẩm Nam – vùng đất được ví như một “con tàu, neo giữa lòng sông Thu”. Song, để phát huy vị trí đặc biệt này, hiện tại, Cẩm Nam vẫn đang rất cần nhiều nguồn lực hỗ trợ…
Từ đường Hoàng Diệu, chỉ cần qua cầu khoảng 100 mét, mọi người đã đặt chân lên vùng đất bên kia sông Thu Bồn. Nơi đó là phường Cẩm Nam. Những năm gần đây, vùng đất này đang được “đánh thức” bởi nhiều yếu tố, trong đó có các hoạt động du lịch, dịch vụ.
Nằm sát phố cổ nhưng Cẩm Nam chưa được khai thác tốt lợi thế để phát triển du lịch- Ảnh: Lê Hiền
“Tiếng lành đồn xa”, hương vị những món ăn dân giã, lạ miệng như Hến trộn, bánh Đập và Bắp nếp đã trở thành đặc sản mời gọi du khách ghé đến Cẩm Nam. Vì vậy, dọc đường về khối Xuyên Trung, những quán bánh đập, hến trộn mọc lên san sát, 4 mùa liên tục mở cửa đón tiếp và phục vụ du khách. Lượng khách về đây ngày càng nhiều, nhất là vào những ngày lễ, tết. Vì vậy, cơ bản, hoạt động kinh doanh, buôn bán của các hộ cũng diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
Thêm vào đó, thời gian qua, một bộ phận người dân Cẩm Nam cũng đã tận dụng cồn bãi bến sông để nuôi bò, trồng bắp. Không phụ lòng người, cây bắp cũng có cơ hội “đổi đời”, không chỉ tạo thương hiệu riêng cho vùng đất Hội An mà vài năm nay, thông qua ngày hội Bắp Nếp, bạn bè du khách gần xa càng ưa chuộng và tiêu thụ nhiều hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Tuy các món ngon đặc trưng của Cẩm Nam được ưa thích là thế nhưng hiện nay, dãy hàng quán đặc sản Bánh đập, hến trộn, bắp xào cũng chỉ phân bố chủ ở khối Xuyên Trung, với khoảng chục hộ kinh doanh “có tên tuổi” mà thôi. Đoạn đường dài dẫn về cuối phường hầu như không còn hộ bán hàng này, có chăng cũng chỉ một vài quán bún, mỳ điểm tâm sáng.
Không kinh doanh buôn bán, nhà nào việc nấy, bà con làm đủ nghề để kiếm kế sinh nhai. Người đi biển, nhà làm nông, người thì buôn bán cá, rau ở các vùng phụ cận Đại Lộc, Đà Nẵng. Riêng làng nghề cào hến nhộn nhịp khi xưa giờ cũng đã có nhiều người “lên bờ”, chuyển nghề. Cũng chính vì vậy, nghề cào hến ở Cẩm Nam đang dần có dấu hiệu mai một. Toàn phường hiện chỉ còn trên dưới chục hộ làm nghề.
Bắp nếp, hến trộn và bánh đập – 3 món ăn tiêu biểu làm nên thương hiệu ẩm thực của Cẩm Nam và tạo “tiếng thơm” chung cho phố Hội là điều dễ thấy. Thế nhưng, để các sản phẩm này thực sự “thăng hoa”, thu hút ngày càng nhiều khách tìm đến thưởng thức và khám phá như làng rau trà quế, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhiều người cho rằng Cẩm Nam cần có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng và sự xâu chuỗi, kết nối, hình thành khu “ẩm thực” tập trung để phục vụ du lịch.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Cẩm Nam mới đây xác định rõ:“Tiếp tục phát triển kinh tế theo cơ cấu dịch vụ, du lịch thương mại, tiểu thủ công nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, phát huy hơn nữa dịch vụ lưu trú để thu hút khách ở khối Thanh Nam Tây và Thanh Nam Đông, tận dụng lợi thế Cù Lao Xanh giữa bốn bề sông nước, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, từng bước chuyển dịch du lịch thành ngành kinh tế trọng yếu, đa dạng, làm điểm đến cho du khách,, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ cảnh quan môi trường, sớm hình thành khu tập trung, thu hút khách du lịch đến tham quan và ưa thích”
Như vậy, hướng đi đã có, nhưng thực tế hiện nay, để Cẩm Nam đi đúng hướng thì lại là câu chuyện dài. Bởi dù đã nhiều lần được các cấp quan tâm đầu tư nhưng đến thời điểm này, Cẩm Nam cũng chỉ mới thực hiện được một số công trình trọng điểm như một phần kè chống xói lở, âu thuyền và một số hạng mục giao thông. Giai đoạn 3 của tuyến đường trung tâm xã vẫn chưa có kinh phí thực hiện. Trong khi đó, dọc ven sông Cẩm Nam hầu như chưa được khai thác hợp lý, hiệu quả. Nhiều người dân địa phương tế nhị so sánh, đứng bên này khối Xuyên Trung nhìn qua, chỉ cách một lòng sông nhưng bên kia là phố cổ nhộn nhịp và dãy nhà hàng ven sông mọc lên san sát. Còn dọc rìa sông Cẩm Nam bên này, duy chỉ có khu nghỉ dưỡng phố Hội resort và khu du lịch Làng quê, còn lại, tất cả diện tích ven bờ đều rậm rạp cỏ cây và một số bãi đất trống, xen lẫn nhà dân sinh sống. Nhiều đoạn bờ chưa được kè kiên cố, lởm chởm đất đá và cọc tre kè tạm, chưa tạo được mỹ quan ven sông. Thêm vào đó, cây cầu duy nhất đưa khách về Cẩm Nam thường xuyên tắc nghẽn phương tiện, các xe phải hạn chế số lượng khách qua cầu. Ông Nguyễn Vĩnh Hội, một người dân khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam cho rằng:“Tôi thiết nghĩ rằng Cẩm Nam là một cái Cù Lao Xanh, nằm sát mặt tiền đường của thành phố Hội An, nhưng mà tại sạo Cẩm Nam chưa phát triển mạnh về vấn đề du lịch để đưa đời sống người dân ngày càng cao lên? Theo như tôi thấy thì để phát triển du lịch ở Hội An thì phải nói rằng ở Cẩm Nam rất có tiềm năng, xung quanh bao bọc là sông nước, là Cù Lao Xanh mà. Bây giờ xây dựng ở đây nhiều khách sạn và tất nhiên cây cầu qua sông phải được làm ngon lành rồi thì người ta mới tới đây nhiều. Và vấn đề ăn uống, Cẩm Nam còn có các đặc sản là hến trộn, bánh đập và bắp nếp. Cái thương hiệu Bắp nếp Cẩm Nam ổn định, nếu như thực sự đưa những thương hiệu này lên, ngày càng mạnh lên, cùng với đó là có một cây cầu rộng ra, là cở sở hạ tầng đảm bảo thì từ chỗ đó nhân dân người ta có cơ hội phát triển”
Theo thống kế, đến nay, tại Cẩm Nam đã có 3 hộ đầu tư khách sạn, 2 biệt thự và 9 homstay. Tuy tăng nhanh trong thời gian gần đây nhưng số hộ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú chưa nhiều, lại tập trung “lệch” ở khối Xuyên Trung. Dù địa phương đã có chủ trương “kéo giãn” hộ đầu tư cơ sở lưu trú đến các khối cuối phường như Thanh Nam Đông, Thanh Nam Tây, đồng thời hình thành khu ẩm thực tập trung nhưng việc thực hiện sẽ gặp nhiều cái khó, bởi nguồn lực tại chỗ còn hạn chế.
Thấy rõ những vấn đề bức thiết của địa phương, đồng chí Kiều Cư, Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng:“Với đặc thù là địa bàn tiếp giáp với khu phố cổ, có lợi thế cảnh quan làng quê sông nước, hiền hòa, thơ mộng, trên cơ sở khai thác tốt các nghề truyền thống chế biến đặc sản ẩm thực bánh đập, hến trộn, bắp nếp, Cẩm Nam hội đủ các điều kiện để tiếp tục định hướng, cơ cấu kinh tế trong nhiệm kỳ đến là dịch vụ, du lịch thương mại, tiểu thủ công nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp, trong đó du lịch thương mại cần được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để thực hiện đúng định hướng này, địa phương cần phải xây dựng, quy hoạch cụ thể để quản lý kiến trúc cảnh quan từng khu vực làng quê, đô thị. Bên cạnh đó cần mạnh dạn xây dựng những sản phẩm, tour, tuyến du lịch mới, trên cở sở phát huy những tiềm năng lợi thế về sinh thái, nhân văn của Cẩm Nam, nhất là tổ chức khai thác hơp lý cảnh quan làng quê sinh thái ven sông, để đẩy mạnh các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tăng cường thu hút khách”
Cần mở thêm Tour tuyến sông nước ở Cẩm Nam- Ảnh: Lê Hiền
Từ ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, nhiều người cho rằng, đã đến lúc Cẩm Nam cần có một cuộc khảo sát tổng thể về tiềm năng lợi thế cảnh quan sông nước, làng nghề và các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ du lịch. Trên cơ sở đó, địa phương cũng rất cần một đề án phát triển du lịch dịch vụ theo từng giai đoạn. Tùy vào lộ trình, các cấp ngành ở Hội An nên quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa để Cẩm Nam phát triển ngành kinh tế du lịch mũi nhọn. Trong đó, có việc tạo điểm đến và mở các tuor sông nước, làng nghề, ẩm thực tập trung để ngày càng nhiều người dân làm du lịch cộng đồng, không còn phải ngược xuôi buôn bán đó đây.
Lê Hiền