Nâng cao khả năng thích ứng của hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm trước tác động của môi trường

Trong 2 chuyến khảo sát đánh giá hiện trạng hệ sinh thái biển tại Hòn Lá, Hòn Dài và Bãi Bấc thuộc vùng biển Cù Lao Chàm vào giữa tháng 5 vừa qua, các chuyên gia nghiên cứu của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã ghi lại rất nhiều hình ảnh sống động của hệ động thực vật dưới nước.Với 277 loài san hô được thống kê, trong đó nhiều nhất là san hô cứng, có hình dạng tạo rạn khác nhau như dạng khối, dạng cành, dạng phiến, dạng đĩa cùng các loài san hô mềm, hình dạng của hoa và nấm dại đã tạo nên vẻ đẹp tự nhiên, huyền bí, khiến cho hệ sinh thái đáy biển Cù Lao Chàm tựa như một khu rừng nhiệt đới dưới nước. Các chuyên gia cũng gặp nhiều san hô hình khối rất lớn, tồn tại hàng trăm năm, có sự cộng sinh của các loài sinh vật khác, với nhiều màu sắc hoàn hảo, lung linh, được coi là máy ghi chép diễn biến môi trường của biển. Đặc biệt, hiện có rất nhiều loài san hô đang tái sinh tự nhiên và các động, thực vật sống ở đáy như: hải sâm, sao biển, huệ biển, các loài hải quỳ, cầu gai, trai tai tượng lớn, các động vật thân mềm, da gai, giáp xác và cỏ biển, tất cả đều khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển phong phú, đa dang, ổn định. Đây không chỉ là sự kế thừa ngẫu nhiên món quà của thiên nhiên ban tặng cho Cù Lao Chàm mà còn là kết quả của quá trình nỗ lực gìn giữ, bảo tồn hệ sinh thái đáy biển trong 7 năm nay, kể từ khi Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhận định:“Sau 7 năm Cù lao Chàm Hội An được công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển TG thì có lẽ kết quả lớn nhất đó là việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế tại xã đảo Tân Hiệp nhưng không ảnh hưởng đến công tác bảo tồn. Tất cả các hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong khu vực này vẫn được bảo vệ nguyên vẹn. Ngoài ra, chúng tôi đã liên kết được 4 nhà. Nhà khoa học, Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp cùng bắt tay trong chung sức để thực hiện công tác quản lý, giúp công tác bảo tồn phát triển bền vững. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến khá đông cũng gây áp lực rất lớn đến công tác nguồn lợi. Vì vậy, chúng tôi cũng có kế hoạch quản lý phân vùng và có những đề xuất công tác quản lý phù hợp hơn trong việc phân vùng quản lý du lịch và khai thái hợp lý ”.

Hình ảnh mới nhất cho thấy hệ sinh thái biển trong Khu Sinh quyển Thế giới Cù Lao ChàmHội An an toàn

Để bảo tồn tốt các hệ sinh thái biển phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch của địa phương, ngoài các biện pháp quản lý chuyên môn và hợp tác trong nước, quốc tế, từng bước nâng cao năng lực trao đổi với các chuyên gia, tiếp nhận kiến thức và tranh thủ sự ủng hộ, liên kết trong công tác bảo tồn, thời gian qua, Thành phố đã tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ môi trường. Qua các hoạt động này, người dân, doanh nghiệp và du khách đã tham gia tích cực, qua hình thức “đồng quản lý”. Ông Lê Sinh, một ngư dân ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp cho hay:Kể từ ngày khu dự trữ sinh quyển thế giới thành lập, ý thức của người dân đánh bắt trong vùng cấm được cải thiện rõ rệt hơn. Việc bảo vệ rạn san hô nói chung so với trước đây người dân ít xả rác, ít dùng chất độc hại để bảo vệ rạn san hô. Mình chỉ được đánh bắt những vùng cho phép, còn những vùng cấm thì mình không có đi vô đó, để góp phần bảo vệ môi trường”.

Ngư dân xã Tân Hiệp chuẩn bị đi câu- Ảnh: Lê Hiền

Không chỉ bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, 5 năm nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn Biển Cù Lao Chàm đã lập 6.500 mét vuông diện tích vườn phục hồi san hô tại 6 khu vực đáy biển ở Bãi Bấc, Bãi Tra, Rạn Mè, Hòn Tai, Bãi Nần… với hơn 8.300 tập đoàn, đạt tỷ lệ sống trung bình 86%. Vì vậy, hệ san hô trong vùng biển Cù Lao Chàm ngày càng được mở rộng diện tích. Ngay ở vị trí cầu cảng Cù Lao Chàm, san hô cũng đang phục hồi, tái sinh trở lại. Hiện tại, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã lập phương án để mở rộng diện tích san hô tại một số vị trí trọng điểm khác. Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển CLC thông tin: “Thời gian đến tiếp tục triển khai để tài nghiên cứu ứng dụng nghiên cứu phúc hồi san hô cứng đề tài cấp tỉnh, do Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm – Hội An là đơn vị chủ trì sẽ triển khai ứng dụng công nghệ này cùng vơi ngư dân, phục hồi trên diện tích 4000 mét vuông với khoảng 24 ngàn tập đoàn san hô trong năm 2016 này ”.

Các loài san hô – được xem là máy ghi chép diễn biến môi trường của biển vẫn phát triển bình thường

Mới đây, sau sự cố ô nhiễm môi trường nước biển tại các tỉnh phía bắc Miền Trung, với tuần suất mỗi ngày một lần, liên tục trong nửa tháng, các ngành chức năng của thành phố đã tiến hành lấy mẫu, gửi đến các cơ quan chuyên môn phân tích, đánh giá chất lượng môi trường nước biển và các tác động của môi trường đến sinh vật dưới nước. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu đều dưới mức cho phép của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Vùng biển Hội An hoàn toàn không có dấu hiệu tăng nồng độ thông số ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến các loài sinh vật, kể cả người dân và du khách tắm biển.Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban quản lý KSQTG Cù Lao Chàm – Hội An khẳng định:Qua các xét nghiệm về kim loại nặng và phân tích của cơ quan chuyên ngành, như vậy là chất lượng nước tại Cù lao Chàm cũng như là trong khu vực đất liền của thành phố Hội An thì đến thời điểm này vẫn là đảm bảo, không có các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, theo quy chuẩn Việt Nam do bộ Tài nguyên ban hành ”.

Đây là thông tin đáng mừng, cho thấy những nỗ lực bảo tồn, gìn giữ Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An không chỉ tiếp tục làm phong phú, đa dạng thêm hệ sinh thái mà còn giúp cho khu vực này đủ kháng thể, chống chọi trước những tác động, biến cố của môi trường tự nhiên.

Lê Hiền