Phương án mở rộng không gian đề án “Phố đi bộ” vềphía Đông khu phố cổ Hội An, bao gồm cả chợ Hội An chưa nhận được sự đồng thuận của hơn 1.000 hộ tiểu thương trong chợ và các tuyến đường trong khu vực.
Không dễ thay đổi
Ngay khi biết thông tin thành phố có kế hoạch mở rộng không gian của “Phố đi bộ”, ngày 13/10, 22 hộ tiểu thương buôn bán tạp hóa trên đường Trần Quý Cáp, đoạn dọc theo chợ Hội An đã đồng ký tên gửi đơn kiến nghị lên UBND thành phố.
Đơn kiến nghị có đoạn: “Chợ Hội An là chợ dân sinh lớn bao đời nay… Nay chủ trương cấm xe dành cho phố đi bộ, gây trở ngại lưu thông hàng hóa không khác gì “Ngăn sông cấm chợ” gây phẫn uất trong nhân dân. Có phải chủ trương chợ Hội An đang sầm uất bổng nhiên ế ẩm lạnh lẽo, buồn tẻ, ảnh hưởng trực tiếp kinh tế đến đời sống của dân, đang vốn an lành ?…”
Tuyến đường Trần Quý Cáp dài 120m có 22 hộ/quầy kinh doanh các mặt hàng chủ yếu phục vụ cho du lịch gồm ba lô, túi xách, các loại áo may mặc sẵn, hàng lưu niệm, cà-phê, quế, dầu, trái cây, nước đóng chai, sửa khóa và mắt kính dọc 2 bên đường.
Dự kiến sẽ kéo dài “Phố đi bộ” cả tuyến đường Trần Phú trước chợ Hội An- Ảnh: Quốc Hải
“Lãnh đạo địa phương nhìn xa trông rộng lợi ích tương lai thì chưa biết nhưng trước mắt xe cộ không vào được chợ, buôn bán ế ẩm, thiệt thòi này lâu dài, ai là người chịu trách nhiệm. Trong khi đó chúng tôi là những cửa hàng đã buôn bán lâu đời, để có uy tín thương hiệu như ngày hôm nay, phải mất công sức có khi cả đời người, không dễ chi thay đổi hay bán mặt hàng khác cho thích hợp.” – Bà Trương Thị Bê, đồng ký tên trong đơn kiến nghị, cho biết.
Vì thế, 22 hộ tiểu thương trên đã đề nghị thành phố không hạn chế xe máy vào chợ trước 18h30, nghĩa là không mở rộng phố đi bộ đường Trần Phú từ ngã năm Giếng Máy xuống đến đường Hoàng Diệu; có thể thí điểm Chợ đêm vì từ 18h30 trở đi vì ít người buôn bán ở chợ, sau đó thấy thích hợp thì biến chuyển dần, như thế mới hợp lòng dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Ban Quản lý chợ Hội An, cho biết: “Khi họp tiểu thương trong chợ, bà con cho rằng ảnh hưởng quá lớn. Trước đây, nếu phí vận chuyển 10 đồng thì khi chợ vào “Phố đi bộ” tiền vận chuyển lên 15 đồng. Chi phí hàng hóa cao thì dân sẽ không mua họ nữa. Bà con cũng đề xuất tuyến Trần Quý Cáp chỉ thực hiện “Phố đi bộ” một nửa đường và thời gian thực hiện là qua Tết.”
Nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên thực hiện “Phố đi bộ” trên tuyến đường Trần Quý Cáp- Ảnh: Quốc Hải
Khảo sát kỹ lưỡng
Là đơn vị lập phương án mở rộng, ông Võ Phùng – Giám đốc Trung Tâm Trung Tâm Văn hóa – Thể thao Hội An cho biết, dự kiến phạm vi mở rộng tại các tuyến đường phía Đông nối giáp đường Hoàng Diệu như sau: Đường Trần Phú, đoạn từ Giếng máy đến giáp đường Hoàng Diệu; đường Nguyễn Huệ, đoạn từ ngã tư đường Phan Châu Trinh đến giáp đường Trần Phú; các đường liên thông vào hai khu chợ chợ Hội An và chợ nguyên đơn sẽ thực hiện theo lịch của đề án hiện nay. Từ 18h30-22h mùa nắng và 21h30 mùa mưa sẽ thực hiện phố đi bộ toàn bộ đoạn đường Bạch Đằng, Tiểu La và kiệt số 7 Trần Phú, trước Hội quán Hải Nam.
Riêng đối với tuyến đường Trần Quý Cáp, Trung Tâm Văn hóa – Thể thao đề xuất 2 phương án thực hiện. Phương án 1 thực hiện đoạn từ Ngã ba đường Trần Quý Cáp – Trần Phú đến ngã ba đường Nguyễn Thái Học theo lịch của đề án. Phương án 2 chỉ thực hiện ban đêm, từ 18h30-22h trong mùa nắng và 21h30 mùa mưa toàn bộ đường Trần Quý Cáp.
Dự kiến ngày 12/2/2017, nhằm Chủ Nhật, ngày 16 tháng Giêng năm Đinh Dậu sẽ chính thức mở rộng không gian này và hoạt động 7 ngày, đêm/tuần theo khung thời gian đang thực hiện tại Khu phố cổ là buổi sáng từ 9h-11h30, buổi chiều từ 15h đến 22h. Ông Phùng nhấn mạnh: “Việc đưa cả Chợ Hội An vào “Phố đi bộ” là phù hợp. Tuy nhiên, thực hiện phương án nào thì điều quan trong là phải có sự đồng thuận cao của người dân đang sinh sống, buôn bán trong không gian thực hiện và có sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, địa phương liên quan”.
Đoạn đường Tiểu La dự kiến kinh doanh hàng lưu niệm Hội An- Ảnh: Quốc Hải
Cùng Ban Quản lý chợ Hội An và các ngành chức năng khảo sát, phát phiếu thăm dò ý kiến của hơn 1.000 hộ tiểu thương buôn bán trong chợ Hội An và chợ đơn nguyên trong khu vực, ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND phường Minh An chia sẻ: “Địa phương kiến nghị không đưa đường Trần Quý Cáp vào thực hiện “Phố đi bộ” ban ngày, chỉ làm Chợ đêm thôi. Khi làm Chợ đêm thì từ 17h chiều nên sắp xếp cho bà con bán chứ để 18h30 mới bắt đầu như Chợ đêm Nguyễn Hoàng là không ổn, trễ quá thì buôn bán chi nữa. Còn bà con thì cho rằng đột ngột thực hiện “Phố đi bộ” thì bà con không buôn bán được, phải có thời gian chuẩn bị bị chuyển đổi ngành nghề. Cho nên ra Tết thử nghiệm là hợp lý, để còn vận động nữa chứ !”.
“Cần phải tính toán, khảo sát kỹ lưỡng tác động đến đời sống sinh hoạt cũng như công việc buôn bán, làm ăn của người dân. Đặc biệt, phương án này thì giao thông đi lại tại Chợ Hội An thực sự rất khó. Mỗi ngày cả 1.000 hộ tiểu thương rồi người dân đi mua bán mà dồn hết xuống đường Hoàng Diệu và một góc của Bạch Đằng thì quá tải.”- Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố Hội An nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, đây mới chỉ là phương án, việc mở rộng không gian “Phố đi bộ và xe không động cơ” như thế nào vẫn còn phải chờ việc tiếp tục lấy ý kiến đồng thuận của bà con tiểu thương, sau đó UBND thành phố sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét quyết định./.
Quốc Hải