Hội An đang là điểm đến yêu thích của du khách Hàn Quốc, Trung Quốc… nhưng theo các chuyên gia ngành du lịch, đây là xu hướng mang tính nhất thời. Chủ trương của TP.Hội An là chú trọng tập trung cho thị trường khách truyền thống với các nước Châu Âu, Úc và Bắc Mỹ…
Trong vài năm gần đây, ngoài thị trường khách truyền thống đến từ các nước Châu Âu, Úc và Bắc Mỹ, lượng khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã tăng đáng kể. Lượng khách Trung Quốc tăng là điều dễ hiểu vì thị trường khách này có nhiều thuận lợi về hướng khai thác và tăng diện rộng trên cả nước. Còn thị trường khách Hàn Quốc tăng, theo các nhà quản lý ngành nguyên là do từ năm 2013, Hội An đã tham gia chương trình kích cầu, khai thác thị trường này cho 3 địa phương “một điểm đến” gồm Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế nhân khai trương, mở các tuyến đường bay mới từ miền Trung đến Hàn Quốc. Hơn nữa, cũng theo ý kiến của một số doanh nhân kinh doanh lữ hành du lịch, xu hướng tham quan khám phá Việt Nam đang là trào lưu của một bộ phận không nhỏ lớp trung niên và thanh niên Hàn Quốc trong những thời điểm thuận tiện. Một số điểm đến nổi tiếng của Việt Nam về di sản, danh thắng, trung tâm vui chơi, mua sắm… được lưu truyền trên các trang mạng xã hội quen thuộc của người dân xứ Hàn. Chẳng hạn như: phố cổ Hội An, biển đảo Cù Lao Chàm, rừng dừa Cẩm Thanh… là những địa danh được nhiều bạn trẻ truyền tai nhau, hứa hẹn tìm đến. Huống chi Hội An còn là nơi tổ chức hằng năm các cuộc giao lưu văn hóa hữu nghị giữa 2 nước cũng như tham gia các cuộc giao lưu văn hóa tại các địa phương kết nghĩa trên đất nước Hàn Quốc.
Khách Châu Âu trải nghiệm làm nghề thủ công ở làng nghề Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn
Việc tăng lượng khách đến ngày càng đông nói chung, khách Hàn Quốc,Trung Quốc nói riêng bên cạnh niềm vui còn có nỗi lo. Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality cho rằng: “Nguồn khách ngoại quốc hiện nay chính là của Hàn Quốc, sau đó là của Việt Nam, Trung Quốc. Còn lượng khách liên quan tới bền vững như Châu Âu hầu như rất là ít. Mà trong lượng khách Châu Á hay mô hình kinh doanh của Châu Á cũng vậy, thường thì họ đi theo mùa vụ nào đó. Ví dụ họ đến khai thác thị trường của Việt Nam trong vòng từ 5 năm đến 10 năm là hết, người ta không đi nữa, rồi người ta tìm thị trường mới để đi. Cho nên khi đưa lượng khách đến nhiều như vậy thì mọi người đổ theo Hàn Quốc hết. Giả sử như không còn khách Hàn Quốc? Đó là bài toán đặt ra, chúng ta phải suy nghĩ!”
Hiện tại, ở một số địa bàn trong thành phố chưa có sự phát triển đồng đều, môi trường du lịch đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn về trật tự an toàn đô thị, kinh doanh, sự quá tải về giao thông, cảnh quan tự nhiên bị xâm hại, sự cạnh tranh quyết liệt và không lành mạnh của các chủ đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh… dẫn đến chất lượng dịch vụ và uy tín không đảm bảo. Một số địa phương có tổ chức những hoạt động dịch vụ, cốt tạo ra những điểm thu hút khách càng ngày càng đông hơn nhưng những mặt trái nảy sinh trong quá trình tổ chức của người dân chưa được kiểm soát, quản lý, điều chỉnh thật tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của điểm đến không chỉ của riêng địa phương đó mà cả thành phố Hội An. Sở thích, thị hiếu của các thị trường khách ở các khu vực trên thế giới khác biệt cũng khó tạo ra sản phẩm dịch vụ đặc trưng, gây nên những mâu thuẫn trong khả năng đáp ứng, khó giữ chân du khách lưu trú hoặc lôi cuốn khách quay lại nhiều lần. “Có chỗ này hơi vướng bận một chút, buổi sáng nhà hàng em có khách Tây, buổi chiều có khách Hàn nhưng lượng khách Tây không thích âm thanh ồn ào. Hai loại khách khác biệt lẫn nhau, buổi chiều khách Hàn bắt buộc phải dùng âm thanh loa kẹo kéo như rứa mới vui được, còn buổi sáng khách Tây không thích…”, chị Trần Thị Mai – chủ quán River café, thôn Vạn Lăng (xã Cẩm Thanh) nói.
Du khách Châu Âu yêu thích không gian và kiến trúc phố cổ Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn
Du lịch Hội An từ trước tới nay không phụ thuộc bất kỳ thị trường khách nào nhưng việc xây dựng, thu hút thị trường khách truyền thống, khách có mức chi tiêu cao, nhất là các nước Tây Âu, Úc và Bắc Mỹ được chú trọng tập trung hơn để tạo ổn định cho sự phát triển của du lịch thành phố. Với đặc thù là đô thị thương cảng cổ xưa, có các làng quê, làng nghề mang trong mình nhiều giá trị văn hoá đắc sắc mà ít nơi nào có được. Mối tương quan giữa “vẻ đẹp không trùng lắp” của quần thể kiến trúc đô thị cổ – di sản văn hóa thế giới với sự nổi trội về tài nguyên thiên nhiên, sư đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An chính là lợi thế, là đặc điểm phù hợp với thị trường khách Châu Âu và các nước công nghiệp phát triển trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố trao đổi:“Mình nên bán cái mình có chứ mình không nên bán cái họ cần. tại vì bán cái họ cần thì dăm ba năm nữa khách Trung Quốc không thích, khách Hàn Quốc đi chỗ khác thì tính sao vì chúng ta chưa đánh giá, chưa khẳng định được tính bền vững của lượng khách đó đối với Hội An. Hội An đã chứng nghiệm được tính bền vững của thị trường khách là khách Châu Âu, qua hơn 20 năm rồi, còn khách Châu Á mà đặc biệt là khách Trung Quốc, khách Hàn Quốc chỉ mới vài năm trở lại thôi!”
Thực tế trong nhiều năm qua, ruộng vườn, hồ ao, sông nước, biển đảo Hội An… không chỉ là nơi sản xuất, khai thác làm ăn của người dân mà còn là nơi tổ chức, làm ra các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo du khách Âu, Úc, Mỹ đến tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm và khám phá…
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định tiếp tục miễn thị thực cấp nhập cảnh vào Việt Nam cho công dân 5 nước Tây Âu là Đức, Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha mà theo đó, công dân 5 nước này tiếp tục được miễn visa nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 3 năm tới, thay vì gia hạn năm một như trước sẽ là cơ hội tốt để ngành du lịch Hội An có điều kiện hưởng lợi, phát triển mạnh hơn nữa và ổn định trong thời gian tới.
Đỗ Huấn