Thời gian qua, nhờ sự đồng tình, ủng hộ và chung tay góp sức của nhân dân mà các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội cũng như các phong trào thi đua tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã đạt những thành quả đáng mừng.
Tết Bính Thân vừa qua, nhân dân 2 bên tuyến đường từ cầu Cẩm Thanh đến UBND xã ai cũng vui mừng bởi đường đã được mở rộng và thảm nhựa, bà con đi lại cũng thuận tiện hơn. Và càng vui hơn khi chính nhân dân đã cùng đóng góp để con đường đường khang trang, sạch đẹp như bây giờ. Tính đến cuối tháng 12 năm 2015, sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới ở xã Cẩm Thanh, nhân dân đã tự nguyện đóng góp hơn 1 tỷ 300 triệu đồng. Theo ông Lê Thanh – Chủ tịch UBND xã, từ sau khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết chuyên đề về Cẩm Thanh đến nay, địa phương đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cấp trên, song cùng với đó việc huy động nguồn lực của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới luôn được lãnh đạo cùng các ban, ngành, đoàn thể của xã chú trọng. Ông Lê Thanh – Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết: ”Khi xây dựng nông thôn mới Cẩm Thanh xác định công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân có vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với xây dựng nông thôn mới và phải đi trước một bước. Vì thế xã đã tổ chức nhiều hức tuyên truyền như các buổi nói chuyện chuyên đề, lồng ghép các hoạt động văn hóa văn nghệ. Ban thường vụ Đảng ủy cũng đã chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể xây dựng các mô hình dân vận khéo xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông, thu gom rác tại nguồn, hiến đất làm đường dân sinh. Sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể chính trị đã dấy lên phong trào ủng hộ xây dựng nông thôn mới”.
Tháng 8 năm 2012, UBND xã Cẩm Thanh tổ chức hội trại “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới”, trong đó, đại diện các thôn trong toàn xã đã ký cam kết thi đua xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê trong 2 năm 2014 và 2015, nhân dân Cẩm Thanh đã hiến hơn 3.500m2 đất vườn, đất lúa với giá trị hàng tỉ đồng để làm đường GTNT và GTNĐ, tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Đề, hộ ông Nguyễn Long hay hộ ông Phạm Bé, hộ bà Đinh Thị Chồn… Cạnh đó, nông dân Cẩm Thanh đã hăng hái tham gia hơn 800 ngày công phát tuyến mở đường với tổng chiều dài gần 1.400m, đồng thời ra quân làm đường giao thông, nạo vét kênh mương nội đồng, sửa chữa trường tiểu học Cẩm Thanh và các khu thiết chế văn hóa…Đến nay, 100% đường giao thông trục xã và liên xã trên địa bàn Cẩm Thanh đã được nhựa hóa và bê tông hóa, trong đó có phần đóng góp rất lớn của nhân dân. Ngoài ra phong trào xây dựng đời sống văn hóa, thu gom và phân loại rác thải tại nguồn, trồng hàng rào cây xanh, bảo vệ cảnh quan môi trường… cũng đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Cẩm Thanh đồng thời giúp cho địa phương hoàn thành đạt mức cao các tiêu chí nông thôn mới. Ông Nguyễn Long ở thôn Thanh Đông một người dân đã hiến đất để làm đường chia sẻ: ”Đường thì đường chung nhưng nếu trường hợp hắn nhỏ quá thì đó cũng là cái tai nạn cho xe xộ, cái thứ hai nữa là ở đây là vùng sinh thái nên cái đường của mình hắn thoáng hắn rộng thì mới đẹp được cho nên ở đây nếu cấn nhiều thì hiến nhiều, cấn ít thì hiến ít, cùng chung với nhà nước để xây dựng con đường cho sạch đẹp, thì không chó chi tiếc hết, quyền lợi của mình nhưng cũng phải có quyền lợi chung của bà con nữa”.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn của xã Cẩm Thanh có sự đóng góp xây dựng của người dân- Ảnh: Đỗ Huấn
Trong khi đó, năm qua, Minh An tiếp tục giữ vững danh hiệu phường văn hóa, đồng thời được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Ông Lê Ngọc Anh – Phó Bí thư Đảng ủy phường Minh An cho rằng chính tinh thần đoàn kết cùng ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của bà con nhân dân đã góp phần to lớn để địa phương đạt được thành tích trên. Là địa bàn trung tâm của thành phố với khu phố cổ nơi mà hoạt động kinh doanh, buôn bán và tham quan luôn diễn ra nhộn nhịp, chính vì vậy, Minh An phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc đảm bảo văn minh thương mại, trật tự vỉa hè cũng như bảo vệ cảnh quan môi trường và các di tích kiến trúc của đô thị cổ Hội An. Tuy nhiên nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà ý thức của nhân dân ngày càng được nâng cao. Bà con đã đồng thuận và chấp hành tốt quy chế kinh doanh, quy chế xây dựng, sửa chữa, trong khu phố cổ, tích cực tham gia trồng và bảo vệ cây xanh, giảm thiểu sử dụng túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn…Đặc biệt, trong năm 2015, 81 hộ dân ở khối phố Đồng Hiệp đã tự nguyện hiến hơn 600m2 đất và 300m tường rào, cổng ngõ, vật kiến trúc trị giá hơn 4 tỷ đồng để xây dựng cống thoát nước trên tuyến đường Nguyễn Hoàng, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu dân cư. Được biết tuyến đường này trước kia mỗi lần trời mưa thì đường sá lầy lội, nhếch nhác do nước mưa không có đường thoát, các phương tiện đi lại rất khó khăn. Do ngân sách địa phương còn eo hẹp, phường Minh An chủ trương vận động nhân dân hai bên đường hiến đất để cùng với địa phương xây dựng hệ thống cống thoát nước tại đường Nguyễn Hoàng. Theo ông trưởng khối phố Đồng Hiệp thì thời gian đầu bà con cũng rất băn khoăn bởi giá trị phần đất phải hiến là rất lớn. Tuy nhiên nhờ sự kiên trì vận động của phường và khối phố, bà con đã thấy được lợi ích chung, nhờ vậy toàn bộ 81 hộ đã đồng thuận hiến đất. Có nhà mặt tiền rộng tới 10m nhưng vẫn chấp nhận hiến đất để nhà nước xây dựng công trình chung. Ông Trần Xuân Bội nhà số 36/15 đường Nguyễn Hoàng chia sẻ: ”Nói chung là tôi rất phấn khởi. Tôi chấp nhận hiến một mét đất cho nhà nước để nhà nước làm công trình công cộng là cống thoát nước. Mọi người dân ở đây rất hưởng ứng tại vì biết rằng đất cũng có giá nhưng mà ngược lại làm cho dân, cái mỹ quan đô thị và sach sẽ cho vệ sinh công cộng thì dân không có một cái phiền hà chi hết”.
Tết Bính Thân này, trong niềm vui có đường mới, nhân dân đã cùng đóp góp kinh phí để mua cờ hoa trang trí dọc theo tuyến đường, nhờ vậy cảnh quan đường phố càng khang trang, sạch đẹp hơn.
Còn ở xã Cẩm Hà, mừng xuân mới Bính Thân, người dân địa phương cũng hân hoan trong niềm vui được công nhận xã nông thôn mới. Theo ông Ngụy Như Mười – Chủ tịch UBND xã, trong thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài sự quan tâm đầu tư của các cấp, cùng nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền thì sự đồng thuận của nhân dân có vai trò hết sức quan trọng. Do nhiều yếu tố khách quan, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới của Cẩm Hà khá thấp. Thời điểm bắt đầu chương trình vào năm 2011, Cẩm Hà chỉ đạt 4/19 tiêu chí. Với phương châm 4 biết “dân biết, dân bàn, dân đóng góp và dân hưởng lợi”, BCĐ xây dựng NTM xã Cẩm Hà đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ và nhân dân. Cùng với việc lấy ý kiến về Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, địa phương đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như xây dựng chương trình, chuyên mục phát thanh cơ sở hay các pa nô, khẩu hiệu. Ngoài ra, UBND xã còn lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, tọa đàm của các Đoàn thể thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ. Bên cạnh đó,các cuộc vận động:“Khu dân cư văn hóa hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới”, “Ngày vì người nghèo”, “Năm không, ba sạch”, “Đoạn đường văn minh”; “Tổ an ninh tự quản”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”…cũng đã góp phần vào thành công của chương trình. Trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, năm 2015, Cẩm Hà có 5 thôn được công nhận văn hóa 2 năm liền, riêng thôn Cửa Suối 15 năm liền đạt danh hiệu thôn văn hoá.
Có thể nói, năm qua, thành phố nói chung, các địa phương nói riêng, đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực, song thành quả lớn nhất và đáng tự hào nhất chính là khơi nguồn và phát huy sức mạnh của nhân dân để có được thành công chung đó. Đây là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn thành phố đoàn kết, nhất trí, tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Hội An với mục tiêu: ”Không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao khả năng dự báo, tranh thủ thời cơ, chủ động hội nhập để phát triển…” trong giai đoạn tiếp theo. Và trên con đường phát triển ấy, bài học ”Khó trăm lần không dân cũng chịu – Khó vạn lần dân liệu cũng xong” sẽ vẫn cho thấy giá trị lâu bền.
Phan Sơn