Hội An với nỗi lo trước mùa mưa bão

Mặc dù luôn chủ động các phương án phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhưng trước những diễn biến khó lường của thời tiết, thành phố Hội An vẫn còn đó những nỗi lo trước mùa mưa bão.

Trong năm 2014, Hội An tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới như một số địa phương trên cả nước nhưng các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm xâm thực, sạt lở nghiêm trọng bờ biển Cửa Đại, tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp. Cùng với đó là tình trạng hạn hán và nhiễm mặn, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất hoa cây cảnh, lúa nước và rau màu của bà con nông dân.

Từ kinh nghiệm phòng chống thiên tai, thành phố đã xây dựng phương án sửa chữa các công trình giao thông, cống rãnh, đê kè bị hư hỏng, nạo vét khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, chằng chống di tích, hỗ trợ kinh phí mua sắm, sửa chữa trang thiết bị cho các địa phương… Đặc biệt, thành phố cũng đã gấp rút kè hơn 500 mét bờ sông ở Cẩm Phô, Cẩm Nam, Cẩm Kim, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, đầu tư 19 tỷ đồng triển khai các biện pháp bảo vệ hơn 400 mét bờ biển bằng cọc cừ Larsen, kết hợp xây dựng hơn 300 mét kè mềm chống sạt lở biển Cửa Đại; trồng cây xanh nhằm hạn chế ảnh hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển.

 

Hằng năm, Đô thị cổ Hội An đều phải thấp thỏm với mưa bão- Ảnh: Lê Hiền

Tuy nhiên, hiện tại, Hội An vẫn còn khoảng gần 300 mét bờ biển Cửa Đại bị sạt lở. Thêm vào đó, đường giao thông, luồng lạch và các khu neo đậu tàu thuyền xung quanh địa phương này cũng đang là những vấn đề đáng lo ngại trước mùa bão lụt. Ông Lê Công Sỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết:“Hiện tại, Cửa Đại tiếp tục có nguy cơ bị sạt lở. Cho nên cần đẩy nhanh mức độ kè, giảm nguy cơ sạt lở. Còn riêng đối với các tuyến đường bên trong thì chúng tôi rất là lo ngại. Hiện nay tuyến đường Âu Cơ, mỗi khi bão vào là luôn luôn bị ngập, rất khó di dời dân. Về vấn đề nạo vét luồng lạch Cửa Đại, tâm nguyện và yêu cầu thực tế của ngư dân là phải hút tuyến đường phía Bắc. Nếu không mùa này, nguy cơ vào luồng lạch ở Cửa Đại rất là khó, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của ngư dân. Vấn đề neo đậu tàu thuyền cũng rất là khó khăn, bởi ngư dân đậu chung vào khu neo đậu Hói Lăng ở Cẩm Thanh, hiện cũng rất là chật”

Trong khi đó, là địa bàn có hệ thống sông ngòi, kênh lạch khá dày, lại ở vùng cuối sông cửa biển nên dù đã nhiều lần kè ven sông nhưng về cơ bản, Hội An vẫn còn đối mặt với nỗi lo lớn bởi nhiều đoạn bờ chưa được kè kiên cố, có nguy cơ xói lở, nhất là các đoạn bờ sông Thu Bồn qua địa phận Cẩm Kim, Thanh Hà, Cẩm Nam. Bên cạnh đó, ngoài bị nhiễm mặn hoặc hạn hán, hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, nhiều xã phường ở Hội An thường ngập trong “biển” nước. Nhà cửa, hoa màu của nhân dân bị ảnh hưởng, hư hại nặng nề. Để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của mình, người dân các xã phường vùng lũ đã có nhiều biện pháp sáng tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu như làm nhà có gác để tránh lũ, mua sắm ghe thuyền, giúp nhau di dời cục bộ tại khu dân cư… Song, với tình huống giả định siêu bão đổ bộ, khả năng chống chịu của các công trình nhà ở tại Hội An hiện nay vẫn khó có thể đảm bảo. Đó là chưa kể với những địa bàn cách trở sông đò như Cẩm Kim, tất cả chỉ có thể thực hiện theo phương án di dời cục bộ tại chỗ. Việc vượt sông đưa dân về điểm di dời tập trung của thành phố khi lũ dâng cao là việc rất khó thực hiện. Ông Phan Trọng Nhân, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim nói: Với Cẩm Kim, chỉ nên di dời tại chỗ là tốt nhất. Vì thực ra, khi di dời về các điểm tập trung của thành phố, với các địa phương khác thì có lẽ thuận lợi nhưng với Cẩm Kim lại rất khó, đặc biệt là khi có lũ lớn xảy ra, phương tiện để qua sông vô cùng khó, chỉ có điều thuyền cao tốc cánh ngầm của Biên phòng thì mới chạy được. Còn không sẽ trôi theo dòng nước hết, kể cả tàu lớn, do vậy chúng ta phải có phương án về phương tiện để rồi khi bão lũ ở mức trên báo động 3 thì có phương tiện đi qua, không thì sẽ không đi qua được.

Song hành với tình trạng sạt lở và lũ lụt trên diện rộng, mỗi mùa mưa bão, Hội An lại tiếp tục đối mặt với nỗi lo lớn, đó là phải đảm bảo giữ gìn nguyên trạng các công trình di tích trong và ngoài khu phố cổ. Trong khi các di tích đã được xây dựng hàng trăm năm, chắc chắn, khả năng chống chọi trước thiên tai có phần giảm sút. Bằng chứng là nhiều di tích đã xuống cấp, thường xuyên phải chống đỡ hoặc tu bổ trước mùa mưa bão. Nắm bắt quy luật khách quan này, phường Minh An cũng sớm chuẩn bị phương án phòng chống  thiên tai phù hợp với từng khu vực. Ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND phường Minh An cho biết: “Phường Minh An là khu vực trung tâm Di sản. Chúng tôi đã tổ chức khảo sát và xác định các di tích xuống cấp và có kế hoạch chèn chống. Với đặc điểm đặc thù, Minh An xác định là ngoài việc giữ tính mạng cho nhân dân thì đặc biệt phải giữ cho được phố cổ. Hơn 64% di tích nằm ở Minh An. Do đó, di dời cục bộ hay di dời toàn bộ, phải có phương án cưỡng chế các hộ đi.”

Tại cuộc họp triển khai phương án phòng chống bão lụt mới đây, lãnh đạo thành phố Hội An đã đưa ra các tình huống giả định để mỗi địa phương tính toán phương án cụ thể, đồng thời kiến nghị đề xuất giải quyết các vướng mắc phát sinh. Qua các trao đổi, có thể thấy, trước mắt, chính quyền và người dân thành phố còn rất nhiều việc phải làm trước mùa mưa bão. Từ xây dựng và triển khai phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, bảo vệ khu vực phố cổ và các công trình trọng điểm đến kè bờ biển, bờ sông, gia cố hệ thống giao thông, cầu cống, thủy lợi, đê điều ngăn mặn, nạo vét các khu neo đậu tàu thuyền, luồng lạch, xử lý cây xanh đô thị, chuẩn bị lực lượng, phương tiện vật tư phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…, tất cả đều cần được tập trung triển khai trước mùa mưa bão, trong đó cần thiết nhất vẫn là phương án di dời khu si sản và ứng phó với tình trạng xâm thực biển, chống sạt lở bờ sông. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP xác định rõ: “Cái căn bản nhất là phải chủ động. Các cấp, các ngành và từng xã phường phải triển khai ngay, phải nắm lại thật kỹ. Nếu như bão lớn, chúng ta phải sơ tán bao nhiêu. Và cái nhà nào phải đảm nhận các hộ cần sơ tán? Phải lên danh sách cụ thể từng nhà. Nếu như lũ đến là phải chọn nhà 2 tầng, đồng thời đối với nhà dưới cấp 4,  nếu như bão cấp 13, bão biển đến, chịu không nổi, chúng ta sơ tán cục bộ thì nhà nào nhận. Tính toán xác định kỹ số lượng để còn chuyển đến khu  tập trung”.

Có thể thấy, vào thời điểm này, khi mùa mưa bão đang đến gần, dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhưng Hội An vẫn còn đó nhiều nỗi lo lớn. Lo về phương án di dời và các biện pháp bảo vệ công trình dân sinh, tàu thuyền, tài sản ngư dân và nỗi lo thường trực đó là công tác bảo vệ quần thế di tích cũng như hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái diễn hoặc mở rộng diện tích xâm thực bờ biển Cửa Đại. Ngoài sự vào cuộc của các cấp ngành địa phương và toàn thể nhân dân, thành phố Hội An cũng rất cần sự chia sẻ của các sở ngành liên quan, sự hỗ trợ nguồn lực của cấp trên để giải quyết các công trình trọng điểm nói riêng và thực hiện tốt phương án phòng chống lụt bão nói chung.

Lê Hiền