Lâu nay, để phát triển kinh tế xã hội, thành phố Hội An đã dành nhiều nguồn lực để nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông. Tuy nhiên, hiện tại, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là một số cây cầu nằm ở các vị trí quan trọng đang trong tình trạng quá nhỏ hẹp hoặc xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát tiển địa phương..
Với địa hình, cảnh quan khá đa dạng, Hội An không chỉ có biển đảo mà còn có 54 km luồng lạch, chia cắt thực địa của 13 xã phường. Những năm qua, thành phố đã quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Riêng quy hoạch đô thị cũng đã được điều chỉnh đến năm 2030, nhiều nội dung phù hợp với định hướng xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch bền vững.
Theo quy hoạch, Hội An có 5 cửa ngõ vào đô thị gồm: đường du lịch ven biển – nơi tiếp giáp với ranh giới Điện Bàn; nút giao thông Nguyễn Tất Thành – An Dương Vương; ngã ba Lai Nghi (Thanh Hà); cầu Cửa Đại mới và cửa ngõ phía nam làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim). Trong 5 tuyến nói trên đã có tới 4 cửa ngõ phải có các cầu lớn, đó là chưa kể một số cầu trong vùng nội thị như cầu An Hội và Cẩm Nam.
Thực tế, thời gian gần đây, lưu lượng phương tiện và khách đến phố cổ ngày càng đông đã phần nào tạo áp lực đối với hạ tầng giao thông cũng như hệ thống các cây cầu qua sông, kênh lạch ở Hội An nói chung.
Các cầu ở Hội An nhỏ hẹp, 1 xe ô tô đi qua là xe khác phải chờ ở đầu cầu
Ngay tại phường Cẩm Nam, sau nhiều năm xây dựng, trải qua các trận lụt lịch sử, chiếc cầu nối đôi bờ Thu Bồn đã và đang xuống cấp trầm trọng. Những năm gần đây, số lượng phương tiện vận chuyển khách qua Cẩm Nam tăng nhanh, nhất là vào dịp lễ hội, tết nhất. Ngành chức năng thành phố đã phải “giới hạn” khách trên từng phương tiện, nhằm giảm tải trọng cho cây cầu này, đồng thời bố trí lực lượng phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự vào giờ cao điểm nhưng do quá nhỏ hẹp nên cầu Cẩm Nam vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn giao thông. Trước thực tế này, ông Nguyễn Vĩnh Hội, khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam đề xuất: “Tôi đề nghị các cấp chính quyền sửa lại cây cầu. Bởi vì trước đây chưa có du lịch, cây cầu Cẩm Nam rất là giá trị. Người dân ai cũng vui mừng khi làm được cái cầu này. Nhưng mà sau khi phát triển du lịch rồi thì cây cầu ni quá chật hẹp. Mà bây giờ cây cầu Cẩm Nam là một trong những con đường chính, người dân Cẩm Nam đi về, kể cả du khách tới đây cũng phải đi qua cái cầu đó. Mà con cầu quá chật hẹp, phương tiện qua lại thì 2 xe đối đầu, lúc đó rất bức xúc. Nếu không có tiền xây mới, tôi đề nghị mở thêm cho rộng cầu ra. Như thế đời sống và du lịch mới phát triển thuận lợi được. Bởi vì nguồn lực tại địa phương chúng ta có, con người có nhưng cây cầu quá nhỏ hẹp.. Vì vậy tôi đề nghị các cấp chính quyền làm sao phát triển lên, từ đó, người dân mới phấn khởi lên, mới làm được chớ, rồi cùng chung tay với chính quyền xây dựng đời sống”
Không khác gì cầu Cẩm Nam, từ nhiều năm nay, người dân hai phường Cẩm Châu và Cửa Đại (thuộc tỉnh lộ 608) cũng đã nhiều lần chứng kiến cảnh tắc đường trên cầu Phước Trạch, nhất là vào mùa du lịch biển. Với chiều rộng hiện tại, cây cầu này chỉ đáp ứng thông tuyến 1 làn xe ô tô đi một chiều. Chính vì vậy, hầu hết ô tô đi theo hướng ngược lại đều phải dừng ở bên kia đầu cầu, chờ đợi xe trên cầu đi qua thì mới lưu thông được. Một người dân sống ở gần cầu cho hay, những năm trước, khi bãi biển Cửa Đại chưa bị xâm thực, người dân và du khách qua đây rất đông đúc. Nhiều thời điểm, người và xe trên cầu đông nghẹt, phải chờ đợi rất lâu mới có thể qua cầu. Đó là chưa kể, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ra vào nội thành của gần 6.000 người dân phường Cửa Đại, bởi bà con đều lựa chọn tuyến giao thông này là tuyến chính (rất ít người đi vòng theo đường biển An Bàng vì xa hơn).
Khác với cầu Phước Trạch và Cẩm Nam, Cẩm Thanh, một tin vui mới đến với xã cách trở sông đò Cẩm Kim khi UBND tỉnh thống nhất xây dựng cầu qua địa phương này với kinh phí 32 tỷ đồng, trong đó có 60% ngân sách tỉnh. Số còn lại do Thành phố cân đối và xã hội hóa nguồn đóng góp. Như vậy, có thể nói, sau bao tháng năm chờ đợi, rồi đây, người dân Cẩm Kim sẽ có cây cầu mơ ước, nối liền với trung tâm thành phố.
Nhưng có lẽ, hệ thống cầu 5 tuyến cửa ngõ hiện nay, Hội An vẫn còn những trở lực nhất định trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Trước thềm Đại hội Đảng bộ lần thứ 17, Bí thư Thành ủy Hội An Kiều Cư, cho biết:“Trên thành phố chúng ta rất nhiều cây cầu rất là bức xúc và hết sức cần thiết. Bởi vì phát triển du lịch mà những cây cầu như hiện nay đã xuống cấp, nhỏ hẹp, kể cả cầu Cẩm Nam, Cẩm Thanh, Cửa Đại thì không thể đáp ứng phát triển du lịch được. Một chiếc xe chạy qua là coi như tất cả các xe ô tô khác đều phải dừng. Đây cũng là việc hết sức bức xúc và cũng hết sức là tâm đắc, là nguyện vọng của cán bộ và nhân dân. Lãnh đạo thành phố cũng suy nghĩ và làm sao đó, trong Nghị quyết đại hội sắp đến phải đưa vào, tìm cho ra vốn để chúng ta đầu tư, xây dựng cho được các cây cầu này.”
Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền thành phố, hy vọng rằng, trong nhiệm kỳ đến, Hội An sẽ có giải pháp phù hợp để nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông, trong đó có các cây cầu chủ lực về các địa phương. Làm sao đó để trọng lực của những cây cầu này không còn là trở lực đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Lê Hiền