Theo Luật Ngân sách mới thì thời gian tới cấp huyện không bố trí kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học, tuy nhiên, Hội An vẫn ưu tiên đầu tư trong nguồn lực cho phép để đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố.
Ứng dụng trên nhiều lĩnh vực
Với hơn 2/3 cán bộ, công nhân viên có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An được xem là một trong những đơn vị có nguồn lực dồi dào về nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nhiều đề tài, dự án do cán bộ Trung tâm chủ trì, phối hợp thực hiện đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực và được áp dụng rộng rãi vào thực tiễn.
Ông Trương Hoàng Vinh – Trưởng Phòng Quản lý Di tích Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết: “10 năm qua, cán bộ, công nhân viên Trung tâm đã phối hợp tiến hành 2 đợt khai quật, thám sát khảo cổ tại Hội An và hàng chục cuộc nghiên cứu, thám sát khảo cổ học gắn với việc triển khai thực hiện các dự án tôn tạo cơ sở hạ tầng phố cổ Hội An, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử Hội An qua các thời kỳ. Trung tâm đã thực hiện 5 đề tài nghiên cứu cấp Ngành, 1 đề tài nghiên cứu cấp Tỉnh, 6 đề tài cấp Thành phố và nhiều đề tài nghiên cứu cấp cơ sở do cán bộ Trung tâm thực hiện. Song song với nghiên cứu khoa học là hoạt động in ấn xuất bản, Trung tâm đã tổ chức bản thảo và in ấn xuất bản hơn 22 đầu mục sách, 32 bản tin và hàng trăm bài viết, bài khảo cứu được đăng trên các Báo, Tạp chí chuyên ngành”.
Không chỉ Trung Tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, giai đoạn 2006-2016, thành phố đã triển khai thực hiện 252 đề tài, mô hình, dự án, trong đó có 125 đề tài do các cơ quan đơn vị trực thuộc thành phố thực hiện. Trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có 54 đề tài, trong đó có 27 đề tài do các cơ quan trực thuộc thành phố thực hiện với tổng kinh phí 5 tỷ 384 triệu đồng.
Nhiều đề tài ứng dụng hiệu quả cải thiện môi trường sinh thái- Ảnh: Quốc Hải
Trên lĩnh vực khoa học tự nhiên có nhiều chương trình điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời; nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, trồng cây xanh ven biển, rừng ngập mặn; khai thông sông, lạch, cải thiện môi trường cũng đã được triển khai. Lĩnh vực CN-TTCN cũng đã thực hiện18 đề tài, tập trung chủ yếuxây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm đèn lồng, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, tranh tre dừa nước Cẩm Thanh. Đáng chú ý là dự án nghiên cứu và phát triển một số sản phẩm như nước yến giải khát, thực phẩm từ rong – mứt biển, hạt Ngô đồng đỏ Cù lao Chàm phục vụ cho du lịch thành phố.
Bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng Phòng Kinh tế – PCT Thường trực Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố cho biết: “Chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, 53đề tài với tổng kinh phí 3 tỷ 1 trăm triệu đồng, trong đó ngành thủy sản thực hiện 18 đề tài, trồng trọt và chăn nuôi 35đề tài. Đặc biệt, 4 đề tài ứng dụng CNTTphục vụ cho công tác PCLB, quản lý môi trường, quản lý văn bản hành chính đã được ứng dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, công tácứng dụng công nghệ thông tin cũng được triển khai khá tốt trong mô hình “một cửa”, trong quản lý di sản, đất đai, bản đồ địa chính, quản lý môi trường, đơn thư công dân, quản lý các cơ sở tôn giáo, quản lý hộ tịch, dân số – kế hoạch hóa gia đình, quản lý toàn diện trường học, quản lý mạng lưới kinh doanh-dịch vụ, xây dựng trạm thông tin điện tử, …
Từng bước xã hội hóa
Đánh giá khả năng ứng dụng thực tiến của các đề tài KHCN, ông Nguyễn Thế Hùng – PCT UBND thành phố – Chủ tịch Hội động Khoa học và Công nghệ Hội An cho biết:“Các đề tàiKHCN tại Hội An đã bám sát các chủ trương, định hướng phát triển của thành phố về kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng.Đặc biệt là trong công tác quản lý và bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên; công tác định hướng, xây dựng thành phố sinh thái; phát triển kinh tế du lịch, nông nghiệp và TTCN,… tạo cơ sở để huy động, phát huy các nguồn lực đẩy mạnh phát triển bền vững, toàn diện của thành phố”.
Sản phẩm TTCN từng bước trở thành sản phẩm phục vụ du lịch- Ảnh: Quốc Hải
Tuy nhiên, việc triển khai các đề tài trong thời gian cũng còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, công tác nghiên cứu khoa học chưa được đầu tư mạnh trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế du lịch, an ninh trật tự, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm…;số lượng các đề tài KH&CN do các ngành, đơn vị đề xuất ngày càng hạn chế; khả năng tự đầu tư ứng dụng KHCN trong nhân dân và các doanh nghiệp chưa nhiều; quy trình quản lý các đề tài KHCN còn phức tạp, nhiều thủ tục, bên cạnh kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu rất hạn hẹp trong khuôn khổ ngân sách dẫn đến chưa khuyến khích, thu hút đầu tư cho công tác phát triển KHCN.
Chính vì vậy, Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố đã kiến nghị Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam nghiên cứu giảm bớt một số khâu như rút gọn mẫu đề cương, không thành lập Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu,… đối với những đề tài mang tính cấp bách, thời gian thực hiện ngắn, kinh phí không lớn. Các nội dung trên giao cho cơ quan chủ trì tự đánh giá, kiểm tra và có trách nhiệm báo cáo cho UBND cấp huyện và các ngành liên quan. Cùng với đó, chú trọng việc phân cấp kinh phí hợp lý cho cấp huyện, trong đó, cần hỗ trợ đẩy mạnh công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Hội An sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò của Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố trong công tác tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN hàng năm. UBND thành phố xem xét, tăng cường kinh phí đầu tư cho công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, sản xuất thông qua kênh sự nghiệp KHCN hoặc kênh sự nghiệp trên các lĩnh vực.
Ông Nguyễn Thế Hùng – PCT UBND thành phố – Chủ tịch Hội động Khoa học và Công nghệ Hội An cho biết thêm: “Theo Luật Ngân sách mới thì thời gian tới cấp huyện không bố trí kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học, tuy nhiên, Hội An vẫn ưu tiên đầu tư trong nguồn lực cho phép để đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố. Hướng nữa là từng bước xã hội hóa công tác này, huy động về con người và nguồn lực của các doanh nghiệp”.
Thực tế, đối với Hội An, nhiệm vụ bảo tồn những giá trị văn hóa và thiên nhiên luôn được đặt lên hàng đầu trong quá trình phát triển, những nỗ lực trong công tác bảo tồn Di sản văn hóa, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới sẽ không mang lại hiệu quả nếu không có những cơ sở khoa học, đúc kết thực tiễn nhằm đưa ra những giải pháp mang tính khả thi. Vì thế, công tác ứng dụng các nghiên cứu KHCN luôn cần thiết và có giá trị đối với công tác điều hành, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố, góp phần hoạch định chính sách, quy hoạch, đề ra các giải pháp phát triển thành phố về mọi mặt./.
Quốc Hải