Giữ di sản phố

Sự phát triển của phường Minh An – trung tâm kinh tế, văn hóa của thành phố chính là từ trên nền tảng di sản văn hóa của cha ông để lại và được những chủ nhân đang sống giữa lòng di sản kế thừa, phát huy hiệu quả.

Trong 10 năm qua, ngành kinh tế Dịch vụ – du lịch và thương mại của phường Minh An phát triển đúng hướng,quy mô và địa bàn sản xuất kinh doanh được mở rộng. Năm 2008 có khoảng hơn 800 hộ kinh doanh cố định, 68 hộ kinh doanh vỉa hè nhưng đến năm nay có hơn 1400 hộ kinh doanh cố định, hơn 300 hộ kinh doanh vỉa hè. Doanh số ngành DV-DL-TM tăng bình quân16,84%/năm trở lên. Năm 2008 đạt gần 389 tỷ đồng, năm 2017 đạt 999,75 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần. Giá trị sản xuất TTCN tăng bình quân hơn 27%/năm trở lên. Bằng nguồn ngân sách vượt thu và nhân dân đóng góp, chính quyền phường cũng đã vận động và hỗ trợ 140 hộ chuyên sống bằng nghề sông nước ở Đồng Hiệp chuyển sang làm dịch vụ – thương mại, dần dần ổn định cuộc sống, thoát nghèo khó vươn lên khá giàu.

Phố cổ Hội An có nguồn tài nguyên nhân văn đặc thù, qúy giá- Ảnh: Đỗ Huấn

Rõ ràng, sự phát triển mạnh về du lịch – dịch vụ và thương mại của Minh An xuất phát từ việc người dân nơi đây biết khơi dậy, nhân lên các giá trị văn hóa truyền thống để làm giàu ngay trên đô thị quê hương mình, tạo nên thương hiệu đầy uy tín đối với du khách gần xa, trở thành địa danh nổi tiếng trên thế giới. Từ nhiều năm nay, những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An như “Phố dành cho người đi bộ”, “Đêm phố cổ” hay các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật, các lễ hội, lễ lệ truyền thống… diễn ra thường xuyên đã được người dân Minh An hưởng ứng tích cực, tham gia hiệu quả. Ông Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy phường Minh An cho biết, với đặc thù là phường trung tâm, có hạt nhận là khu phố cổ – di sản văn hóa thế giới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Minh An thể hiện quyết tâm rất cao để góp phần cùng với thành phố Hội An xây dựng một hình ảnh và thương hiệu về du lịch của Hội An. “Minh An do có diện tích tự nhiên nhỏ cho nên chúng tôi chú trọng phát triển theo chiều sâu và theo chất lượng. Chúng tôi không chạy theo diện rộng và số lượng. Để làm được điều này chúng tôi rất chú trọng vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng, trong ứng xử của người dân và những hộ kinh doanh”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, làm thế nào để có thể nâng được giá trị tăng thêm của ngành du lịch, dịch vụ và thương mại Minh An đang trong thời kỳ quá tải về quy mô, số lượng… quả là điều không đơn giản. Mặt khác, với tư cách là khu di sản văn hóa thế giới cần được giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn nhưng lại đối mặt với quá trình phát triển nhanh về kinh tế du lịch – dịch vụ và thương mại, trong khi chính quyền và nhân dân thành phố nói chung, phường Minh An nói riêng chưa lường hết được sự quá tải cũng như đánh giá một cách khoa học về khả năng chịu đựng của di sản trong quá trình phát triển. Những nguy cơ đe dọa sự mất còn của khu phố cổ đến hôm nay vẫn còn thường trực bởi những biến đổi khắc nghiệt của tự nhiên (thiên tại, bão lũ, hỏa hoạn…), bởi sự phát triển nhanh của xã hội thời hiện đại. Kéo theo đó là những nhu cầu về cuộc sống ngày càng đầy đủ tiện nghi, những áp lực về biến động dân cư, dân số, sự ô nhiễm môi trường, các giềng mối quan hệ cộng đồng bị xáo trộn, phai nhạt…

Đêm phố cổ lung linh bên sông Hoài- Ảnh: Đỗ Huấn

Vì vậy, bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa khu phố cổ với tư cách là một bảo tàng sống là yếu tố sống còn bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Minh An và mục tiêu xây dựng Hội An – TP sinh thái, văn hóa và du lịch. Theo đó, công tác quản lý đô thị, trong đó quản lý khu phố cổ phải được tăng cường. Phải bảo đảm nguyên tắc không để di tích bị xâm hại, bị biến dạng. Phải sắp xếp trật tự kinh doanh buôn bán, giữ gìn mỹ quan đô thị, đừng để sự phát triển các dịch vụ quá tải dẫn đến sự lấn át những công năng truyền thống của khu phố cổ và từng di tích cấu thành nên khu di sản. Minh An phải giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của cư dân Phố Hội, xây dựng và phát huy mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng cư dân, của cư dân với du khách, trong ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Là phần lõi, là vùng kinh tế trọng điểm cho sự phát triển của thành phố, khu phố cổ chính là điểm đến, là nơi tạo sức hút đầu tiên nhưng đồng thời cũng là điểm tạo sức lan tỏa cho sự phát triển cả thành phố. “Hội An có những lợi thế mà khó có nơi nào có, đó là nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên thiên nhiên rất đặc thù, Chính vì vậy, trong tương lai chúng tôi lấy chính những đặc thù này làm đối trọng đối với sự phát triển của các vùng lân cận. Chính từ hai nguồn tài nguyên này, chúng tôi sẽ tạo ra càng nhiều sản phẩm mang thương hiệu Hội An càng tốt. Ngoài những sản phẩm đó, ngành du lịch cũng được xác định lấy chất lượng phục vụ làm một trong những yếu tố cạnh tranh, lấy tính thân thiện, hiếu khách, chu đáo của con người Phố Hội thuần hậu truyền thống để làm một trong những nhu cầu đáp ứng cho hoạt động của du khách”, ông Trần Ánh – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố xác định.

Thực tiễn nhiều năm qua đã chứng minh rằng, sự phát triển của phường Minh An – trung tâm kinh tế, văn hóa của thành phố chính là từ trên nền tảng di sản văn hóa của cha ông để lại và được những chủ nhân đang sống giữa lòng di sản kế thừa, phát huy hiệu quả.

Đỗ Huấn