Trong vài năm gần đây, du lịch Cẩm Thanh có bước phát triển đột biến, trở thành điểm đến yêu thích và mới lạ của du khách khi đến Hội An. Với cảnh quan, không gian sinh thái mà đặc biệt là vẻ đẹp của rừng dừa ngập mặn vùng hạ lưu sông Thu Bồn – Cửa Đại, Cẩm Thanh ngày càng thu hút khách nên cũng ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú đón khách đến nghỉ ngơi, trải nghiệm. Hiện toàn xã có 26 cơ sở lưu trú với hơn 250 phòng, trong năm qua đã đón 35.600 lượt khách, bình quân ngày khách lưu trú đạt 2,5 ngày, tăng hơn so với thành phố (khoảng 2,1 ngày). Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 64 tỷ đồng. Riêng tổ du lịch cộng đồng Hói Lăng hoạt động chủ yếu tại rừng dừa Bảy Mẫu đã đón hơn 28.000 khách, thu được số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng.
*Tự phát:
Du lịch ở Cẩm Thanh còn tiếp tục tăng trưởng nữa trong những năm tới với số cơ sở lưu trú sẽ tăng hơn 70 khách sạn, biệt thự, homestay và khoảng 660 phòng cùng nhiều dịch vụ khác. Cẩm Thanh đang được lãnh đạo thành phố đầu tư phát triển thành vùng du lịch sinh thái trọng điểm trong thời gian đến. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến đáng mừng, hiện vẫn còn lắm nỗi lo do sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch và quản lý căn cơ bài bản.
Cảnh chực chờ, giành khách xảy ra khá phổ biến- Ảnh: Đỗ Huấn
Các diện tích ao hồ, mặt nước ngày nào dùng để nuôi tôm, khai thác thủy sản, hiệu quả không cao, bây giờ bỗng mang lại giá trị đáng kể qua du lịch nhờ các dịch vụ câu cá, tắm sông, hóng mát, ngắm cảnh, lắc thúng… Vì vậy, một bộ phận người dân đã tùy tiện chặt phá dừa nước, be bờ, đắp hồ… để tạo điểm du lịch sinh thái, đón khách thăm thú, rong chơi. Khám phá rừng dừa là nhu cầu du khách rất thích thú, đặc biệt là càng vào sâu trong rừng dừa để được nghe tiếng gió xào xạc, tiếng sóng vỗ bì bọp dưới thân dừa; tận mắt thấy con cáy, con cua đi kiếm mồi, uống nước; được cầm vợt vớt cá, thả lưới bủa câu… thì càng thêm phần khoái chí. Thế nhưng những tác động “nhãn tiền” mà Cẩm Thanh đang hứng chịu từ các dịch vụ tự phát này cũng lắm điều quan ngại. Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Thư ký Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cho biết: “Khi đi khảo sát thực địa chúng tôi thấy xuất hiện hiện tượng là người dân sinh sống ven các dòng sông bắt đầu đổ giải hạ, lấn bờ sông. Như vậy các con lạch len lỏi trong rừng dừa ngày càng hẹp dần và mất đi sinh cảnh của các loài thủy hải sản. Thêm nữa, hiện nay Cẩm Thanh thu hút rất mạnh các công ty, doanh nghiệp đưa khách đến nhờ các hoạt động tạo ra sự phấn khởi cho du khách. Tuy nhiên qua tham vấn ý kiến của người dân địa phương thì chúng tôi thấy rằng, đa phần người ta không muốn các hoạt động diễn ra quá náo nhiệt như thi đua thúng, hò hét trong rừng dừa. Theo người dân địa phương thì chim cò ở đây có thể bị ảnh hưởng và sẽ mất đi. Cho nên trong định hướng sắp tới, tôi đề nghị là cần có những quy định cụ thể về hoạt động vui chơi hoặc tổ chức sự kiện trong rừng dừa”.
*Không thu dịch vụ được:
Du lịch rừng dừa Bảy Mẫu phát triển, tập trung nhất ở khu vực hói Lăng nên tổ du lịch cộng đồng thôn Vạn Lăng hình thành đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên và các hộ gia đình trong thôn. Phía bên kia hói, một bộ phận lao động thôn Thanh Tam Đông cũng không chịu “thua chị kém em”, tự phát mở các dịch vụ tương tự và “cạnh tranh” một cách thoải mái. Loại dịch vụ đưa khách bằng thuyền thúng vào rừng dừa phát triển mạnh, kiểm soát không xuể. Thế là cảnh đua giành, chụp giựt xảy ra khá phổ biến từ trên bờ (nơi bến đậu) đến dưới sông (đoạn bơi thúng tới chỗ neo thuyền), làm mất đi hình ảnh hiền hòa, thân thiện, hiếu khách của người dân bản địa bao lâu nay. Đã không ít lần, các đoàn khách nước ngoài đã đến nhưng vẫn phải quay về và lắc đầu ngao ngán. Vào những ngày đông khách, du khách trong và ngoài nước đến với Cẩm Thanh nườm nượp bằng nhiều phương tiện khác nhau. Tuyến đê PAM dẫn về rừng dừa vốn đã xuống cấp nay càng quá tải khi các đoàn xe ô tô các loại, xe đạp, xe máy trải nghiệm… nối nhau choáng hết cả đường lưu thông thường nhật của người dân. Đường làng thôn Vạn Lăng, thôn Thanh Tam Đông vốn đã nhỏ hẹp nay lại chen chúc cảnh người xe qua lại, báo động rõ sự mất an toàn giao thông ở vùng nông thôn yên bình, thanh vắng ngày nào. Bày tỏ thái độ bức xúc trước thực trạng này, bà Nguyễn Thị Vân – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh chia sẻ: “Chúng ta nên có định hướng để địa phương quản lý. Anh em tại chỗ chỉ xuống vận động tuyên truyền, nhắc nhở những trường hợp như chở quá tải, bứt bẻ dừa… chứ không có biện pháp nào hơn, không có quy định nào để bắt buộc các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện theo mong muốn. Vì vậy nếu đã xác định Cẩm Thanh là vùng phát triển du lịch trong tương lai thì thành phố nên có hướng dẫn cho địa phương. Khách xuống nườm nượp, làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan như thế nhưng địa phương không thu được cái chi hết. Đề nghị các ngành chức năng hướng dẫn và cùng với địa phương xây dựng quy chế, quy định để địa phương có được nguồn thu từ dịch vụ ở đây”.
Loại dịch vụ thuyền thúng ở Cẩm Thanh phát triển mạnh- Ảnh: Đỗ Huấn
Thực tế đúng như vậy! Nếu không có sự tăng cường, hỗ trợ của UBND và các ngành chức năng của thành phố thì chính quyền xã Cẩm Thanh sẽ “lực bất tòng tâm”, du lịch Cẩm Thanh sẽ khó phát triển đúng hướng và bền vững. Tuy nguồn thu trong dân từ dịch vụ du lịch vài năm gần đây đã tăng đáng kể nhưng nguồn thu ngân sách địa phương vẫn còn hạn chế. Những nhu cầu chi cho các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, môi trường cảnh quan, an sinh xã hội… có liên quan đến du lịch cũng không biết lấy từ nguồn nào? Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Linh – Phó Trưởng Phòng TMDL thành phố nói: “Đúng là du lịch Cẩm Thanh phát triển thì người dân tạo được thu nhập, tuy nhiên xã thì không được cái gì. Chúng tôi đã có ý kiến, kiến nghị lấy Cẩm Thanh là vùng đệm theo quy chế quản lý của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và căn cứ vô đó làm quy chế thu dịch vụ (vệ sinh, môi trường). Chúng ta chỉ cần lập phương án thu chi để UBND ra quyết định. Tôi đề nghị ủy ban có thông giao cho một ngành cụ thể để xây dựng phương án khai thác nguồn thu tạo điều kiện cho xã có được nguồn thu, tổ chức bộ máy quản lý và đầu tư cơ sở hạ tầng đang xuống cấp”.
Không chỉ có nguồn thu như ý kiến ông Linh nói mà theo ý kiến trao đổi của một số cán bộ ngành tài chính và quản lý ở Hội An, những nguồn thu dịch vụ từ tham quan rừng dừa, cho thuê mặt bằng, bãi đỗ xe, vé thăm trung tâm làng nghề tre – dừa… cũng là những khoản có thể khai thác “lấy thu để chi”, hỗ trợ cho các hoạt động “tái sản xuất” ngành du lịch vừa “chớm” phát triển ở Cẩm Thanh.
Đỗ Huấn