Đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 khâu đột phá mà Đảng bộ TP. Hội An đã và đang xác định tập trung tăng cường để phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, hiện đại.

Trong 5 năm qua (2010 – 2015), thành phố đã nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý xây dựng, đất đai, môi trường, đề ra một số giải pháp huy động vốn từ nhiều nguồn (vốn của tỉnh, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, vốn trong và ngoài nước…) để đầu tư xây dựng.

*Kết nối phát triển đồng bộ:

Bằng sự nỗ lực tích cực, thành phố đã đầu tư 672 tỷ đồng xây mới gần 43,6km đường (chiếm 44% tổng chi đầu tư). Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư và phát huy hiệu quả. Nhiều công trình giao thông quan trọng, kết nối giữa nông thôn và hải đảo được hoàn thiện như: đường Trần Nhân Tông, Tôn Đức Thắng nối dài, đường Cẩm Nam giai đoạn 2, đường liên xã Cẩm Kim – Duy Vinh… tạo tiền đề cho sự phát triển đồng bộ giữa các khu vực. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển gắn với dịch vụ du lịch được đầu tư nâng cấp. Một số khu đô thị, dân cư với hạ tầng cơ bản đồng bộ như: khu Trảng Kèo (Cẩm Hà), các Làng Chài (Cẩm An), khu Phước Trạch – Phước Hải (Cửa Đại), khu dân cư khối 2, khối 7 Cẩm Phô, Thanh Hà… đã làm diện mạo thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ban hành các cơ chế hợp lý để xã hội hóa nguồn vốn xây dựng công viên biển Cẩm An, Cửa Đại, xây dựng, cải tạo đường giao thông, trồng cây xanh. Các công trình cấp thoát nước, xử lý nước thải cũng được chú trọng đầu tư. Hệ thống cây xanh được tăng cường với diện tích hiện đạt khoảng 7m2/người. Nhiều xã phường đã chủ động, sáng tạo huy động các nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp vỉa hè, đường kiệt, ngõ hẻm, công trình giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng làm cho diện mạo thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp- Ảnh: Đỗ Huấn

Tuy vậy, đây chỉ là kết quả bước đầu, còn rất thấp so với nhu cầu đòi hỏi. Sự đóng góp và tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân cũng như từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác vẫn còn nhiều mặt khó khăn. Hạ tầng đang bị quá tải và xuống cấp, các khu dân cư nông thôn, làng quê chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh và chưa được khớp nối hạ tầng…”, ông Trần Chương – Trưởng Phòng QLĐT thành phố nói.

Trong những năm đến, lãnh đạo thành phố xác định tiếp tục ưu tiên đầu tư, tạo bước đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và phát triển, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững gắn hài hòa với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Thành phố tiến hành lập quy hoạch chỉnh trang các khu dân cư hiện có, quy hoạch thiết kế các khu đô thị mới ở các phường và quy hoạch chi tiết các điểm, các cụm dân cư ở các xã, hoàn thành các dự án quy hoạch dân cư đô thị dở dang, hạn chế tối đa việc giải tỏa, di dời quá nhiều hộ dân để hình thành đô thị mới. Ông Trần Ánh – Phó Bí thư Thành ủy cho biết thêm, các công trình, mục tiêu mà thành phố tập trung đầu tư và phấn đấu hoàn thiện là: đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cù Lao Chàm, xây dựng cầu Cẩm Kim, kè bờ biển Cửa Đại, kè khu phố cổ, mở rộng, nâng cấp tỉnh lộ 607, 608, mở các tuyến đường Bắc – Nam, xử lý nước thải đô thị, lò đốt rác, nhà hỏa táng, khơi thông sông Cổ Cò, sông Đò, thảm nhựa 50% các tuyến đường còn lại đồng bộ với hệ thống vỉa hè, thoát nước, cây xanh đô thị…

*Tạo vốn đầu tư phát triển:

Dự kiến nguồn vốn đầu tư mỗi năm để phát triển cơ sở hạ tầng thành phố cần khoảng 700 tỷ đồng. Vì vậy cùng với nguồn vốn của trung ương, của tỉnh, thành phố cần tìm ra những giải pháp huy động nguồn lực phù hợp để đáp ứng nhu cầu. Ông Trần Ánh – Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hội An cho biết, nói đến nguồn vốn ở Hội An, ai cũng nghĩ ngay đến các nguồn thu chính bảo đảm ổn định cho ngân sách của thành phố nhiều năm qua. Đó là nguồn bán vé tham quan, khai thác yến sào, các nguồn thu từ thuế… Do đó, thành phố cần có giải pháp hết sức căn cơ để hạn chế thất thu và tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển, đồng thời phải tiết kiệm chi thường xuyên một cách hợp lý để tập trung nguồn vốn đầu tư. Còn có một thực tế khác mà lãnh đạo thành phố đã nhận ra khuyết điểm và cần lưu ý trong thời gian tới là phải hạn chế nguồn khai thác quỹ đất bởi quỹ đất của thành phố không lớn và cần dự trữ cho phát triển trong tương lai nên sẽ không bền vững nếu tận sử dụng.

Tuy nhiên có một nguồn thu khác nếu khai thác hiệu quả thì sẽ góp phần tăng thu ngân sách rõ rệt. Đó là nguồn kinh phí cho thuê đất của các doanh nghiệp, cho thuê quảng cáo ở các không gian công cộng, tiền thu phí vỉa hè… Bên cạnh đó là nguồn kinh phí cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước. Chính quyền thành phố cần tính toán điều chỉnh giá thuê nhà trong khu phố cổ cho phù hợp với giá thị trường, sắp xếp và đấu giá một số cơ quan nằm ngoài khu phố cổ nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

Từ thực tiễn thực hiện xã hội hóa nguồn vốn xây dựng các công viên biển ở Cẩm An, Cửa Đại thời gian qua, thành phố cần phát huy bằng các cơ chế chính sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hoặc có thể dành đất các bãi đỗ xe, bãi tắm nước ngọt, khu vệ sinh… cho các doanh nghiệp đầu tư hoàn chỉnh và khai thác miễn phí trong thời hạn nhất định trên nguyên tắc đảm bảo tỷ lệ xã hội hóa trong cơ cấu nguồn vốn và mô hình quản lý. Ông Trần Chương – Trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố đề nghị: “Có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và vận động các doanh nghiệp đóng góp đặc biệt đầu tư trong lĩnh vực môi trường, cảnh quan đô thị, hệ thống cây xanh… Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường tài chính, tín dụng, thành lập các quỹ phát triển co sở hạ tầng để tạo nguồn vốn dự trữ, có cơ chế để tư nhân tiếp cận nguồn tín dụng như bão lãnh, hỗ trợ lãi suất thấp…”

Đường kè ven sông Hoài tạo thế phát triển liên hoàn giữa phố cổ với vùng ven Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Tư nhân là thành phần kinh tế khá giàu tiềm lực nhưng từ trước đến nay chưa được huy động đúng mức. Chính quyền thành phố cần có các chính sách khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình theo hình thức ký kết hợp đồng và thu phí trong thời gian nhất định, hoặc có thể thiết kế, xây dựng, hỗ trợ cho công trình và thu tiền thanh toán theo hợp đồng, đồng thời cải thiện môi trường pháp lý, tăng cường hiệu quả quản lý và giám sát đầu tư bởi hiện nay, việc đầu tư các công trình chủ yếu trông chờ vào kinh phí bố trí trong kế hoạch trung hạn và hằng năm theo kế hoạch từ ngân sách nhà nước là chính.

Đối với xã phường, khuyến khích chủ động đăng ký các công trình với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong các lĩnh vực như xây dựng, sửa chữa vỉa hè, đường hẻm, kiệt, đường làng nông thôn, thủy lợi nhỏ, nạo vét kênh mương nội đồng… theo phương thức nhà nước đầu tư từ 30% đến 50%, phần còn lại do nhân dân đóng góp để làm theo từng dự án. Hình thức đóng góp có thể bằng tiền hoặc bằng ngày công.

Cũng theo ý kiến ông Chương, muốn tạo nguồn lực đầu tư có hiệu quả cũng cần đặc biệt coi trọng việc đầu tư đúng trọng điểm, trọng tâm, bảo đảm cho các công trình mang tính động lực của sự phát triển vùng, ngành và toàn thành phố. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác cải cách hành chính, rút ngắn trong thủ tục chuẩn bị đầu tư và phê duyệt. Đẩy mạnh công tác đấu thầu hiệu quả theo đúng quy định của nhà nước…

Tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là động lực chủ yếu để phát triển KTXH của Hội An nên cần được lãnh đạo thành phố nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện bằng các quy định pháp luật, cơ chế chính sách để từng bước tháo gỡ khó khăn, mang lại hiệu quả cao.

Đỗ Huấn