Như tin đã đưa, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (đơn vị trực thuộc Tổng Cục Môi trường) vừa phối hợp với thành phố Hội An tổ chức hội thảo: Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) ở Việt Nam”.
Thông tin tại hội thảo cho thấy, hiện nay, cả nước có 9 Khu DTSQ được công nhận, với tổng diện tích hơn ba triệu héc ta và 1 Khu DTSQ tiềm năng tại tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên hiện tại, khung chính sách và pháp lý Việt Nam chưa hỗ trợ cho việc quản lý các Khu DTSQ, chưa giúp kết hợp quản lý bảo tồn và sản xuất, thực hiện quản lý ở cấp độ cảnh quan tổng thể. Khu DTSQ vẫn còn là một khái niệm tương đối mới mà hầu hết các nhà xây dựng chính sách chưa hiểu rõ và chưa công nhận đầy đủ hoặc chưa lồng ghép vào việc hoạch định chính sách về bảo tồn và phát triển ở cấp quốc gia, cấp tỉnh. Tương tự như vậy, ở địa phương chủ sở hữu cũng không có các quy định quản lý thống nhất cho các Khu DTSQ. Điều này khiến cho các Khu DTSQ đang bị tổn thương do thiếu quy hoạch cấp độ cảnh quan, thiếu sự giám sát và đánh giá, chưa có sự lồng ghép bảo tồn đang dạng sinh học hoặc quản lý Khu Bảo tồn vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Các khu Dự trữ Sinh quyển thế giới cần có chính sách và chế tài pháp luật của Nhà nước Việt Nam để quản lý- Ảnh: Lê Hiền
Trong chuyến làm việc với thành phố Hội An lần này, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết: “Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường việc quản lý các khu Dự trữ sinh quyển. Đây là một nhiệm vụ hết sức là mới. Và chúng tôi cũng vui mừng được làm việc với Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, một cái là liên quan đến xây dựng dự án hỗ trợ nhưng đây cũng có thể nói là khởi đầu cho việc thực hiện một nhiệm vụ cho Bộ Tài Nguyên và Môi trường, để xác định các trở ngại cũng như những vấn đề ưu tiên làm cơ sở để chúng tôi đánh giá, khởi xây cac quy định về chính sách cũng như quy phạm pháp luật liên quan đến Khu Sinh quyển.”
Hiện nay, cũng vì thiếu khung pháp lý liên quan đến việc điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật tổng hợp nên Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An cũng như các Khu DTSQ trên cả nước đều gặp nhiều thách thức và rào cản, thiếu các chương trình quản lý và bảo tồn động vật hoang dã dựa vào cộng đồng, thiếu năng lực kỹ thuật và nguồn lực cho các bên liên quan ở địa phương để thực hiện việc bảo tồn đa dạng sinh học ở mức độ cảnh quan rộng lớn. Khi có sự cố xảy ra trong Khu Bảo tồn, nhiều khi không có đủ chế tài để áp dụng hoặc cơ quan cần có thẩm quyền thực hiện thì lại chưa được trao quyền một cách đầy đủ, mạnh mẽ. Dễ thấy đã có nhiều tác động tiêu cực đến các Khu DTSQ nhưng khi xem xét hình thức giải quyết thì “quả bóng” trách nhiệm lại được “đá” quanh, ngành trực tiếp thực thi nhiệm vụ tuần tra, giám sát thì lại thiếu thẩm quyền giải quyết vụ việc, luôn phải phối hợp, “nhờ vã” các lực lượng chức năng khác. Đơn cử như tại Khu DTSQ, những sự việc diễn ra gần đây liên quan đến các dự án xây dựng công trình trên đảo hoặc việc tuần tra giám sát khu sinh quyển đều cho thấy, hiện đang thiếu khung pháp lý điều chỉnh mối quan hệ pháp luật trong lĩnh vực này. Dẫn đến Khu DTSQ đối diện với nhiều thách thức, nhiều mối đe dọa đến từ đa dạng sinh học, chức năng hệ sinh thái và tính bền vững của quản lý tài nguyên thiên nhiên, từ việc phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng… Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề như đánh bắt cá quá mức ở vùng biển và ven biển, việc sử dụng phương pháp đánh bắt không bền vững, đó là chưa kể nhiều mối đe dọa đến rạn san hô do chất lượng nước suy giảm, lắng đọng và ngọt hóa từ khu vực nội địa; độ bất ổn và thiệt hại tăng lên do đi lại và neo đậu các phương tiện đánh cá hoặc du lịch…
Du lịch phát triển cũng tạo nhiều áp lực đối với khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm- Ảnh: Lê Hiền
Tuy nhiên, với những giá trị nổi trội cả về tự nhiên và nhân văn của Cù Lao Chàm, Hội An đã có nhiều động thái đi trước, không chờ khung pháp lý điều chỉnh mối quan hệ trong vùng. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Chính quyền và nhân dân thành phố Hội An đã tập trung nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa nhằm bảo vệ phát huy danh diệu khu Dự trữ sinh quyển thế giới, phục vụ phát triển kinh tế xã hội thành phố. Tuy nhiên với sự tác động ngày càng mạnh mẽ của các yếu tố thiên nhiên và biến đổi khí hậu, cùng với việc chậm điều chỉnh tổng quý hoạch phát triển KT-XH thành phố, vì vậy cần có những nghiên cứu tổng thể và chuyên sâu, nhằm phân tích và đánh giá những đề xuất hữu hiệu để quản lý vào bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trong khu sinh quyển.”
Hội thảo Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các Khu DTSQ ở Việt Nam” lần này là bước đi ban đầu để các chuyên gia nghiên cứu lắng nghe, ghi nhận ý kiến góp ý của các bên liên quan trong việc xây dựng các chính sách và khung pháp lý đối với các Khu DTSQ. Cục Bảo tồn đa dạng sinh học sẽ tiến hành hội thảo tại 3 địa điểm và sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án trong 5 năm, để vừa tổng hợp các ý kiến cũng như khảo sát thực tế, nghiên cứu và đối chiếu, từ đó tiến đến hình thành chính sách cho Khu Dự trữ sinh quyển. Không chỉ hình thành khung pháp lý, trong 5 năm, dự án này sẽ kêu gọi sự tham gia, hợp tác của các tổ chức quốc tế và Chính phủ cũng như các tỉnh thành có KhuDTSQ cùng thực hiện các gói đầu tư như: cải thiện sinh kế người dân, trồng rừng, xây dựng quy hoạch hành lang đa dạng sinh học, quy hoạch sử dụng đất, phát triển du lịch, bảo tồn các loài cây bản địa và động vật hoang dã, bảo tồn rừng đặc dụng… Từ đó nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và sử dụng tài nguyên bền vững trong các Khu DTSQ.
Lê Hiền