Trước những áp lực ngày càng gia tăng của sự phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, TP.Hội An cần phải làm nhiều việc để bảo tồn vững chắc và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An. Thực tế hiện nay đã xuất hiện một số thách thức cần tập trung giải quyết để Hội An phát triển bền vững theo định hướng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch.
Phát triển Hội An trên cơ sở phát triển văn hóa, bảo tồn di sản đô thị cổ- Ảnh: Đỗ Huấn
Nhìn lại 20 năm qua, thành tựu nổi bật trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hội An là sự đồng thuận và ý thức trân trọng giữ gìn di sản của các tầng lớp nhân dân được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay với tư cách là khu di sản văn hóa thế giới cần được giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn nhưng lại đối mặt với quá trình phát triển nhanh về kinh tế du lịch – dịch vụ và thương mại, các mối quan hệ cộng đồng bị xáo trộn, phai nhạt, với những nguy cơ thường trực đe dọa sự tồn tại bởi sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt (thiên tai, bão lũ), hỏa hoạn, cháy nổ…, bởi những áp lực về biến động dân cư, tăng dân số, ô nhiễm môi trường, giao thông ùn tắc, hạ tầng xuống cấp…vân vân… nên nỗi lo mất – còn của di sản, sự phát triển bền vững của thành phố luôn là vấn đề đáng quan tâm. Làm thế nào để có thể nâng được giá trị tăng thêm của ngành du lịch, dịch vụ và thương mại, tiếp tục nâng cao thu nhập cho cộng đồng nhân dân trong thời kỳ đô thị Hội An đang bị quá tải do du lịch phát triển quá nóng, do lượng du khách tham quan phố cổ tăng cao và đông đúc… quả là vấn đề nan giải. Theo ông Nguyễn Sự – nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố thì những thách thức trước mắt là, không gian phố cổ không còn yên lặng mà chính sự yên tĩnh là giá trị rất lớn, là tài sản rất lớn người dân Hội An bán cho du khách, thứ hai là quá tải giao thông, phương tiện tham gia giao thông nhiều quá nên phải điều phối giao thông chứ nếu chỉ làm bãi đỗ xe không thôi thì bao nhiêu cho vừa, thứ ba là tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, hàng rong tùy tiện. “Và điều quan trọng hơn là nếu chúng ta không tỉnh táo, không tư duy trở lại, tư duy muốn khách càng đông càng tốt, đón khách bất kể thì nguy cơ sẽ phá vỡ tất cả nếp sống tốt đẹp của người dân Hội An”, ông Sự nói.
Lượng khách tham quan quá đông đã tạo thách thức lớn cho công tác bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa Hội An– Ảnh: Đỗ Huấn
Còn lão ông Phan Quốc Hoành ở khối An Thắng, phường Minh An tâm tình: “Đồng tiền nguy hiểm lắm, nó ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt, tình cảm của con người. Cho nên muốn bảo vệ di sản văn hóa thì đầu tiên phải làm thế nào để quan hệ giữa người và người trong gia đình, trong xã hội càng ngày càng tốt, chứ chỉ lo cơ sở vật chất không thì không đủ đâu, cơ bản là tính người. Nên mới có câu “nhân tình thuần hậu” mà!”
Bên cạnh đó là vấn đề thiếu hoặc không có các loại vật liệu truyền thống cho tu bổ di tích theo nguyên tắc bảo tồn tính chân xác; thiếu hoặc không còn các nghệ nhân, tay nghề truyền thống cao cho tu bổ di tích, “truyền nhân” cho hoạt động diễn xướng dân gian. Sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn di tích còn hạn chế nhất định, vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nhà nước. Sự thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ trong đô thị tăng nhanh, khó kiểm sóat, nhất là trong khu phố cổ. Sự hạn chế, bất cập về năng lực quản lý của cán bộ các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương, nhất là ở các xã phường… do không theo kịp với tốc độ phát triển, thay đổi, biến đổi nhanh vì những tác động mạnh mẽ của sự phát triển (nhất là phát triển du lịch), các tệ nạn xã hội, các vấn đề về trật tự, an ninh, an toàn xã hội phát sinh nóng hàng ngày, sự bất cập về các văn bản pháp quy chưa theo kịp với nhiều biến đổi ở địa phương đặt ra…
Và xuất phát từ những yếu tố đặc thù cũng như thực trạng còn bất cập, đã đến lúc Hội An phải có một cơ chế quản lý vận hành thích ứng để bảo tồn và phát triển trong hôm nay và mai sau. Ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chia sẻ: “Chúng ta phải kiên trì chủ trương phát triển Hội An trên cơ sở phát triển văn hóa. Từ trước đến nay Hội An đã làm đúng hướng rồi thì tiếp tục theo định hướng đó, bảo tồn tối đa những giá trị văn hóa truyền thống, dùng đó làm động lực, nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Vừa bảo tồn vừa tạo điều kiện, cơ hội để người dân phát triển sinh kế và kinh tế gia đình. Chính nhờ nguồn lợi thu được đó người ta mới có cơ sở để bảo tồn chính di sản của tổ tiên mình”.
Di sản văn hóa thế giới không chỉ là vinh dự của quốc gia sở hữu, là động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương mà còn là tài sản chung của nhân loại. Những gì mà Hội An đã làm được trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An là đáng ghi nhận và trân trọng. Thế nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức! Với sự đồng tâm, hiệp lực của các tầng lớp nhân dân, sự đồng thuận của “ý Đảng lòng Dân”, sự quan tâm chú trọng của các cấp, các ngành trong cả nước, sự hỗ trợ hợp tác của bạn bè quốc tế, tin rằng Hội An sẽ ngày càng bảo tồn và phát huy hiệu quả Di sản văn hóa thế giới – Đô thị cổ Hội An và sự phát triển bền vững của một thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch.
Đỗ Huấn