Những năm gần đây, các hoạt động du lịch dịch vụ tại xã Tân Hiệp đã tạo sinh kế cho nhiều người dân địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ sức hút để giữ chân những cư dân trẻ ở lại trên đảo, bởi trước những khó khăn về điều kiện tự nhiên và xã hội, nhiều người đã chọn đất liền làm nơi tạo lập cuộc sống, định cư lâu dài.
Trong đợt trở lại Bãi Hương (thôn cách xa trung tâm xã Tân Hiệp nhất) mới đây, chúng tôi cảm thấy tuyến đường bộ như dài hơn bởi sự thưa vắng người qua lại đồng hành. Vẫn là những gương mặt quen thuộc đã từng gặp trong các chuyến đi trước, nhiều người trong thôn đang tụ tập dưới bóng mát của những gốc cây đầu làng, vừa đan lưới, vừa trò chuyện. Điều dễ thấy là hầu hết mọi người đều ở tuổi trung niên trở lên. Câu chuyện họ nói với nhau đã gợi sự hiếu kỳ đối với chúng tôi, bởi tất cả đều kể về cuộc sống của con cái tại nơi ở mới trong đất liền bằng sự hài lòng, niềm lạc quan, phấn khởi. Trước đó, khi dạo quanh trong xóm, chúng tôi hầu như không gặp bạn trẻ nào. Đem chuyện này trao đổi với bà con được biết, hiện tại toàn thôn chỉ còn 2 thanh niên và gần hai chục học sinh trong độ tuổi mầm non và tiểu học, là thế hệ trẻ ít ỏi còn ở lại với gia đình bố mẹ trên xóm đảo này. Hầu hết các hộ chỉ còn lại 2 vợ chồng “già” sinh sống cùng nhau. Bà Nguyễn Thị Hai, người dân thôn Bãi Hương chia sẻ: “Gia đình cô tổng cộng có bốn đứa con. Giờ bốn đứa con đang làm ở đất liền hết nên nó không thể sống ở đây. Nó vô đất liền kiếm công chuyện làm hàng ngày nuôi sống bản thân, rồi có vợ cũng ở quê người thôi. Chứ còn ở lại đây làm biển chân lấm tay bùn, thanh niên nó thấy khổ cực nên nó không đi làm nghề biển. Cho nên có bao nhiêu đứa cũng đi đất liền hết. Có hai đứa lấy vợ đất liền rồi, thỉnh thoảng mùng năm, ngày tết thì các con mới dẫn nhau về đây, rồi các con lại cũng sẽ ra đi, không có đứa nào ở đây hết đó”.
Chỉ còn các bậc cha mẹ ỏ lại trên đảo gắn bó với nghề biển- Ảnh: Lê Hiền
Tương tự như hộ bà Nguyễn Thị Hai, khi con học hết THCS ở trường xã, phần lớn các gia đình ở Bãi Hương đều cho con vào đất liền học tập tiếp hoặc tìm việc làm. Khi đến tuổi trưởng thành, nhiều bạn trẻ đã lập gia đình và định cư luôn tại nơi ở mới, chỉ trở về làng cũ khi có công việc cần thiết. Vì vậy, hiện nay, toàn thôn có 98 hộ, với hơn 370 nhân khẩu nhưng cũng chỉ có khoảng chục gia đình có con nhỏ. Do điều kiện kinh tế đi lại, giao thương cách trở khó khăn, việc làm chỉ đơn thuần là nghề biển, nhu cầu học tập, việc làm, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các dịch vụ cần thiết của cuộc sống “hiện đại” tại Bãi Hương còn rất khiêm tốn nên các bậc sinh thành đều mong muốn và tạo điều kiện cho con trẻ “thoát ly”, tìm cuộc sống tốt hơn nơi đất liền. Họ sẵn lòng dành dụm, chắt chiu, phụ thêm tiền bạc để giúp đỡ con cháu yên tâm lập thân, lập nghiệp tại nơi ở mới. Khi con có việc làm hoặc gia đình ổn định, các bậc cha mẹ mãn nguyện ở lại, thay con trông nom nhà cửa và sống tiếp với nghề biển. Nói về tâm trạng, suy nghĩ chung của các bậc cha mẹ tại thôn Bãi Hương, ông Nguyễn Văn Thế, một người dân ở đây chia sẻ:“Nói chung là bây giờ thanh niên vô trong kia đi học, đi làm nghề hết, chỉ còn một số phụ nữ làm biển và một số người già. Ở đây thì chắc cũng khó lấy vợ lấy chồng vì ở đây chủ yếu bà con đi tản cư ra thì cũng xung quanh bà con, hàng xóm trong gia đình hết. Thanh niên nữ thì vô trong kia học nghề, đi làm, nên muốn lấy vợ phải vô đất liền, quen biết họ mới có gia đình hạnh phúc. Cho nên thường thường cha mẹ tư vấn cho con để con có cuộc sống, không quay lại đây. Ngoài đây đất của ông bà rất là hiền, không có vấn đề gì hết nhưng với điều kiện không có gì làm cho nên con vô trong kia kiếm việc. Tương lai mai sau chỉ có mấy ông già như chúng tôi ở lại đảo thôi. Trẻ em học hành thiếu thốn rất là nhiều. Trường cấp 2 ở thôn thì không có, phải đến trung tâm xã, còn học cấp 3 thì phải vô đất liền.”
Trên thực tế, trong những năm gần đây, lượng khách đến đảo Cù Lao Chàm tăng lên nhanh chóng. Các hoạt động du lịch dịch vụ cũng theo đó phát triển mạnh. Nhiều cư dân địa phương đã tìm được sinh kế mới, chuyển từ đánh bắt hải sản sang làm dịch vụ như bán hàng lưu niệm, hải sản, chạy xe thồ, hái rau rừng, lá thuốc…, nâng tổng số nhân khẩu làm dịch vụ tại Tân Hiệp lên gần 600 người. Tuy nhiên, theo ý kiến bà con, hầu hết các chuyến tham quan ra đảo đều được tổ chức “tốc hành”, trở vào đất liền ngay trong ngày nên các hoạt động dịch vụ tại địa phương chủ yếu chỉ nhộn nhịp vào hai buổi sáng và trưa. Mức độ lưu trú, tiêu thụ, mua sắm tại đảo của du khách chưa nhiều. Trong khi, ngoài du lịch dịch vụ và nghề biển, các ngành nghề khác như nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa thể mở rộng, phát triển. Đây cũng là nguyên nhân để nhiều lao động trẻ tại địa phương vẫn chọn cách lập thân lập nghiệp, gắn bó với công việc trong đất liền. Vì vậy, không riêng gì Bãi Hương, hiện tại, ở khu vực trung tâm xã như Bãi Làng, Bãi Ông và thôn Cấm, nhiều gia đình cũng chỉ còn 2 vợ chồng già giữ nhà trên đảo. Theo thông tin nghiên cứu của Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, từ năm 1995 – 2013, dân số Cù Lao Chàm đều giảm qua từng năm. Từ 2.829 nhân khẩu (năm 1995) giảm còn 2.265 người vào cuối năm 2013. Nhìn nhận nguyên nhân ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, Bí thư đảng ủy xã Tân Hiệp, ông Trần Tấn Dũng nói:“Cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo nhu cầu phát triển của địa phương. Nó chưa được đầu tư đồng bộ và đúng mức. Vì vậy đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Các điều kiện đảm bảo cho y tế, giáo dục tuy đã có sự cải thiện nhưng mà để người dân yên tâm sinh sống tại đảo, phát triển về học hành thì còn nhiều vấn đề cần được quan tâm đầu tư hơn nữa. Ví dụ, con em ở địa phương đây đi học được thì cũng phải mất đến bảy, tám năm vì khoảng ba năm xa nhà học THPT trong đất liền. Vì vậy điều kiện này cũng ảnh hưởng đến trình độ dân trí, mặc dù sự nỗ lực chăm lo của chính quyền và người dân cho em rất tốt”.
Lớp học ghép (lớp 1 + lớp 2) của thôn Bãi Hương chỉ có 5 học sinh- Ảnh: Lê Hiền
Mới đây, Chính phủ đã thống nhất đầu tư kéo điện lưới ra Cù Lao Chàm và công nhận Tân Hiệp là một trong hai xã đảo ở tỉnh Quảng Nam. Trước đó, UBND thành phố cũng liên tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tiến đến hình thành xã Nông thôn mới.
Hy vọng rằng, cùng với chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, các chính sách định cư trên đảo theo quy định của Nhà nước đối với cư dân xã đảo sẽ sớm được áp dụng,góp phần ổn định đời sống người dân, giúp thế hệ trẻ phấn khởi, yên tâm sinh sống lâu dài trên đảo.
Lê Hiền