Là điểm đến mới với đặc trưng của mô hình du lịch sinh thái, Cẩm Thanh cần gắn chặt giữa phát triển và bảo tồn với các yếu tố không thể thiếu được là thiên nhiên và văn hóa mà cộng đồng cư dân địa phương là những người chủ thực sự. Cảm nhận từ góc nhìn này trước ngưỡng cửa mùa xuân…
Du khách trải nghiệm đời sống cư dân vùng sông nước ở rừng dừa Bảy mẫu- Ảnh: Đỗ Huấn
Trong vài năm gần đây, du lịch Cẩm Thanh đã phát triển nhanh chóng. Đến nay Cẩm Thanh dần trở thành một điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái với không gian rừng dừa ngập mặn, sông nước, đồng ruộng… thanh bình, thơ mộng. Riêng năm 2018, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch – dịch vụ trên địa bàn xã Cẩm Thanh đạt khoảng 236 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2017. Trong đó, doanh thu từ bán vé tham quan đạt khoảng 18 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động lưu trú đạt hơn 197 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động vận chuyển đạt khoảng 21 tỷ đồng. Không ai ngờ rằng,từ một vùng quê nghèo khó, hoang vu mà hiện tạiCẩm Thanh có đến 58 cơ sở lưu trú đang hoạt động với658 phòng (tăng 15 cơ sở so với năm 2017). Theo báo cáo của UBND xã, trong năm qua các cơ sở đã đón gần 110.640 lượt khách, (tăng 150% so với năm trước. Hiện tại, trên địa bàn xã Cẩm Thanh còn có 4 khách sạn, 12 biệt thự và 4 homestay đang lập hồ sơ thủ tục xây dựng để đưa vào hoạt động trong thời gian tới.
Du lịch đã tạo ra nguồn thu lớn, chính quyền địa phương nhờ đó có thêm nguồn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dần hoàn thiện một số hạng mục công trình hạ tầng như bãi giữ xe, hệ thống nhà vệ sinh, mở rộng đường giao thông, khơi thông mương lạch, tăng cường các hoạt động đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách… “Khi đưa Cẩm Thanh vào phát triển du lịch sinh thái thì du lịch Cẩm Thanh càng tỏa sáng hơn nữa và giá trị càng nổi trội hơn nữa. Bởi vì du lịch sinh thái đòi hỏi phải bảo tồn và Cẩm Thanh đang bảo tồn, phải có cộng đồng và Cẩm Thanh đang gìn giữ cộng đồng và đặc biệt hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế lớn cho tương lai”, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm nói.
Rõ ràng là rừng dừa nước Cẩm Thanh, vùng quê sinh thái Cẩm Thanh hiện đang là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan mỗi ngày. Du lịch phát triển đã mang lại lợi ích rất nhiều cho cộng đồng cư dân địa phương, tạo ra những đổi thay đáng mừng, cải thiện đáng kể đời sống người dân vốn lâu nay lam lũ nhọc nhằn nơi vùng quê sông nước này. Nhưng để phát triển bền vững, lâu dài cần phải gắn kết hài hòa, hiệu quả giữa bảo tồn và phát triển.
Sự phát triển mang tính tự phát và “quá nóng” đã làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn, môi trường và cảnh quan sinh thái vùng quê đặc thù cũng như đặt ra nhiều áp lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, sự phát triển bền vững của vùng cửa sông ven biển Cửa Đại – Hội An.Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, trao đổi: “Đối với lượng khách du lịch lớn như thế này trong khi chúng ta chưa có sự chuẩn bị thì lượng nước thải, rác thải, đặc biệt là ô nhiễm về tiếng ồn, ô nhiễm về chất thải sẽ tác động trực tiếp đến cảnh quan, chất lượng môi trường và đặc biệt sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh”.
Du khách tham quan nội vùng xã Cẩm Thanh bằng xe đạp- Ảnh: Đỗ Huấn
Buổi đầu phát triển, chưa thực sự chủ động và có nền tảng chuẩn bị vững chắc đã đặt Cẩm Thanh vào tình thế gian khó. Chính quyền thành phố và xã Cẩm Thanh đã và đang triển khai các quyết sách và giải pháp hữu hiệu, nỗ lực kết nối hài hòa các sáng kiến cộng đồng trong khu vực nhằm hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế người dân và phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. “Hiện nay, kế hoạch phát triển bền vững du lịch rừng dừa Bảy mẫu Cẩm Thanh đang được hoàn thiện, trong đó kế hoạch này được tham gia xây dựng ngay từ ban đầu của 4 nhà gồm: nhà nước, doanh nghiệp, người dân và nhà khoa học. UBND thành phố đã họp thông qua 1 lần, hiện nay đang được hoàn chỉnh. Sau khi ban hành chính thức sẽ bắt đầu thực hiện. Vấn đề thứ hai tôi nghĩ là cần sớm phải có bộ quy tắc ứng xử!”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết.
Với vai trò là vùng đệm và đang được đề xuất bổ sung vào để tăng diện tích vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, hiện nay Cẩm Thanh đối mặt rất nhiều khó khăn và thách thức về bảo tồn và phát triển. Giữ gìn nếp sống làng quê, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sông nước, cồn bãi không chỉ là yếu tố quyết định để xây dựng Cẩm Thanh trở thành vùng du lịch sinh thái mang đậm bản sắc, dấu ấn truyền thống mà còn là yếu tố sống còn để bảo tồn và phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.
Mặt khác, du lịch Cẩm Thanh đâu chỉ có mỗi khu rừng dừa ngập mặn. UBND thành phố đã phê duyệt phương án xây dựng, mở rộng tuyến tham quan khu vực rừng dừa Bảy mẫu và tham quan nội vùng xã Cẩm Thanh. Theo đó có khoảng 17 điểm thu hút khách đến tham quan, khám phá, được chia thành 3 nhóm: Lịch sử – Văn hóa, Địa lý – Cảnh quan và Sinh thái – Sinh học. Nếu tiếp tục phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình, bảo tồn, giữ gìn được cảnh quan xanh sạch, tạo điều kiện để nhân dân được hưởng lợi từ chính sông nước, mảnh vườn, mương lạch… quê hương thì du lịch Cẩm Thanh sẽ càng vang tiếng bay xa, đời sống nhân dân sẽ ngày càng khấm khá và giàu có hơn.
Đỗ Huấn