Bảo tồn và phát triển rừng dừa vùng “cửa sông ven biển”

Với sự đa dạng sinh học, đóng vai trò quan trọng đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, việc bảo tồn rừng dừa ngập mặn vùng cửa sông ven biển Cẩm Thanh mang ý nghĩa lớn lao, góp phần váo sự phát triển bền vững vùng sông nước sinh thái này.

Diện tích rừng dừa được trồng mới ở vùng cuối sông Thu Bồn  chảy ra biển Cửa Đại- Ảnh: Đỗ Huấn

Rừng dừa nước Cẩm Thanh có vai trò quan trọng và mang ý nghĩa sống còn đối với hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn (gồm vùng trung tâm Hội An, rừng ngập mặn Cửa Đại) và khu vực Cù Lao Chàm. Với chừng 300 ha, trong đó khoảng 1/3 là đất và 2/3 là vùng ngập triều thuộc xã Cẩm Thanh, nơi đây có rừng dừa nước mọc ven bờ các kênh lạch, quanh năm xanh tốt, tạo nơi này có một sinh cảnh rất đặc biệt cho Hội An mà hiếm nơi ở Việt Nam có thể tìm gặp được. Kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy: trên các cồn gò và vực nước xung quanh các rừng dừa nước từ vùng triều thấp trở xuống có hệ sinh thái cỏ biển đặc thù, chỉ có ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm. Chúng là những loài thực vật bậc cao, sống chìm trong môi trường nước, tồn tại và phát triển quanh năm, thích nghi trong môi trường luôn có dòng chảy, sóng gió nhờ có hệ thống ngầm vùi sâu trong trầm tích. Dọc triền sông phía ngoài dừa nước, trên các cồn gò ở gần khu vực Cửa Đại còn có hệ sinh thái cỏ biển với ưu thế tuyệt đối của loài cỏ lươn có lá dài đến 40-50cm và một loài cỏ xoan khác bao phủ, làm thành các tấm thảm xanh, mịn quanh triền sông.Rừng dừa còn là nơi để con cá, con tôm và các loài thủy hải sản sinh sản, bảo tồn thế hệ hôm nay và mai sau. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An cho biết, vùng Cẩm Thanh là vùng trọng tâm, vùng rốn của sự kết nối giữa đất liền và biển. “Gần đây Khu BTB chúng tôi đã phối hợp với nhiều nhà khoa học nghiên cứu về mặt chủng loại, nguồn lợi thì thấy rằng sự kết nối đó rất rõ ràng, qua từng loại cụ thể. Thí dụ như là cá mú, cá hồng, cá dìa và toàn bộ các loài cá khác. Đây là vùng giống cung cấp con nô ra đến vùng san hô, con thiện đi ra khơi. Như vậy rõ ràng về mặt nguồn lợi hỗ trợ cho sự phát triển các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, như thủy sản… nó phải là hàng đầu”, ông Trinh nói.

Số phương tiện thuyền thúng ở Cẩm Thanh tăng gấp nhiều lần so với trước– Ảnh: Đỗ Huấn

Từ đầu năm 2010, thực hiện dự án “Phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh phục vụ du lịch sinh thái và phát triển bền vững” do Quĩ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ với kinh phí gần 900 triệu đồng kết hợp triển khai đề án xây dựng Cẩm Thanh thành vùng du lịch sinh thái, chính quyền địa phương đã ban hành Qui ước “Bảo vệ rừng dừa nước xã Cẩm Thanh” nhằm tác động và điều chỉnh ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ tài nguyên rừng dừa ngập mặn nói riêng.

Nhận thức của đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua tuyên truyền, vận động, tập huấn bồi dưỡng kiến thức đã được nâng cao đáng kể. Người dân quan tâm chăm sóc, bảo vệ, không tự ý đốn chặt, khai thác quá mức rừng dừa, không lấn chiếm diện tích rừng dừa để làm những việc khác như: cơi nới đất ở, xây ao hồ nuôi trồng thủy sản làm cản trở và gây lệch dòng chảy sông lạch; tự giác rủ nhau vớt bẹ dừa trôi nổi trên sông để giải quyết ô nhiễm môi trường tại chỗ và hạn chế ô nhiễm vùng biển do bẹ dừa trôi ra… Hội Nông dân xã đã tổ chức cho cán bộ hội viên phối hợp cùng thanh niên mở nhiều đợt ra quân trồng được hơn 11.000 cây dừa nước trên diện tích hơn 5 ha ở khu vực Gò Già (thôn Thanh Tam). Hội Phụ nữ cũng đã trồng được 3000 cây dừa nước ở thôn Thanh Nhì. Những năm qua, UBND xã Cẩm Thanh cũng đã phối hợp thực hiện, và cơ bản hoàn thành trồng mới 26 ha và phục hồi, dặm vá 84 ha rừng dừa ngập mặn theo hợp phần 1 (giai đoạn 2015 – 2017) của Dự án “Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng”, do Sở NN&PTNT Quảng Nam làm chủ đầu tư với kinh phí 28 tỷ đồng. Từ tháng 3 năm 2018, Cẩm Thanh tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại thành phố Hội An”. Dự án do tổ chức Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF/SGP) hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện đến tháng 3 năm 2021 là 2 tỷ 130 triệu đồng, trong đó kinh phí tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu khoảng 1 tỷ đồng, còn lại là nguồn đối ứng của thành phố và Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An. Bà Trần Hồng Thúy – Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, mục tiêu là bảo tồn toàn bộ những giá trị về lịch sử, về văn hóa, điều kiện tự nhiên và chính là “bảo vệ lá phổi xanh của thành phố Hội An”.

Những nỗ lực bảo tồn và phục hồi rừng dừa nước của Cẩm Thanh trong thời gian qua là hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa lớn lao. Hiệu quả đạt được là bảo đảm môi trường sinh trưởng của các loài thủy hải sản vùng cửa sông ven biển cũng như các hoạt động sinh kế của nhân dân xung quanh khu vực, góp phần cải thiện đáng kể đời sống cộng đồng thông qua phát triển du lịch sinh thái. Ông Phạm Mèo ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh nói: “Cây dừa nước từ xưa đến nay rất có giá trị. Bảo vệ rừng dừa là bảo vệ giá trị di sản. Hệ sinh thái rừng dừa là nguồn vốn quý giá để kết nối phát triển du lịch. Tôi làm nông nghiệp hữu cơ nhưng tôi vẫn phải kết nối với rừng dừa là vì vậy”

Dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng thuyền thúng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân Cẩm Thanh– Ảnh: Đỗ Huấn

Rừng dừa Cẩm Thanh bây giờ đã trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nơi đây trở thành địa chỉ du lịch khám phá, trải nghiệm cảnh quan và cuộc sống cư dân vùng sông nước di sản văn hóa Hội An – nơi “sông Thu Bồn xuôi về gặp biển”. Lượng khách đến tham quan rừng dừa năm sau luôn cao hơn năm trước, Năm 2019, Cẩm Thanh đã đón 935.725 lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế đạt 735.442 lượt, chiếm khoảng 78,6%. Doanh thu từ bán vé tham quan đạt 24 tỷ đồng, tăng hơn 33,3% so với năm trước. Bên cạnh đó, số phương tiện thuyền, thúng đăng ký hoạt động vận chuyển khách du lịch trên sông đã tăng lên 1097 chiếc, không chỉ tập trung ở Vạn Lăng, Thanh Tam mà đã trải rộng ở các thôn Võng Nhi, Thanh Đông, Thanh Nhứt. Người dân được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động dịch vụ vận chuyển thuyền thúng là 22 tỷ đồng. Bà Lê Thị Hương ở Gò Hý thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh bày tỏ: “Cây dừa trong chiến tranh là nơi nuôi giấu, chở che cho cán bộ cách mạng. Còn bây giờ nhờ có du lịch trong rừng dừa, nhờ có dịch vụ thuyền thúng nên đời sống kinh tế của bà con nhân dân chúng tôi đã ổn định rất nhiều”.

Cả cộng đồng cùng chung tay, chung sức bảo tồn rừng dừa, hệ sinh thái quý hiếm nơi này là hướng phát triển bền vững của du lịch Cẩm Thanh hôm nay và mai sau

                                                                                                Đỗ Huấn