Được UNESCO công nhận vào năm 2009, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An hội đủ các yếu tố và mang những giá trị về thiên nhiên – nhân văn vượt trội, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của thành phố Hội An cũng như của tỉnh.
Trong những năm qua, thành phố luôn chú trọng tập trung thực hiện nhiều dự án, công trình nghiên cứu nhằm giữ gìn hệ sinh thái đang có, từng bước triển khai phục hồi hệ sinh thái đã mất, bảo tồn được đa dạng sinh học cả trên rừng và dưới biển; đồng thời từng bước khai thác phục vụ phát triển du lịch. Công tác bảo tồn chủ yếu tập trung tại vùng lõi – Cù Lao Chàm, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nổi bật nhất là công tác bảo vệ các nguồn lợi thủy sản như cua đá, bàn mai, trai tai tượng… và đặc biệt là những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, thực hiện nhiều dự án nhằm bảo vệ, phát triển diện tích rạn san hô. Phong trào “nói không với túi nilon” là một trong những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc không chỉ với môi trường sinh thái, tạo thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm mà còn góp phần bảo vệ các rạn san hô hiệu quả. Nhờ đó, diện tích và độ phủ của rạn san hô được duy trì ổn định trong 10 năm gần đây, độ phủ trung bình toàn vùng đạt khoảng 47% (xếp loại ở mức độ khá – theo tiêu chuẩn quốc tế).
Bảo tồn đa dạng sinh học Cù Lao Chàm cả trên rừng dưới biển- Ảnh: Đỗ Huấn
Tuy nhiên, hiện nay sự đa đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An đang đứng trước những nguy cơ suy giảm, nhất là hệ sinh thái rạn san hô, các loài động vật đáy (nhuyễn thể, giáp xác), các loài cá sinh sống trong rạn san hô ngày càng ít đi, diện tích thảm cỏ biển cũng ngày càng bị thu hẹp, sức khỏe hệ sinh thái thảm cỏ biển (độ phủ, sinh khối, sinh vật siinh sống… ) cũng bị ảnh hưởng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng đáng lo ngại nhất là sự tác động trực tiếp từ con người, từ sự hạn chế trong công tác quản lý do việc đầu tư các công trình trên đảo nhất là hệ thống giao thông đã làm giảm diện tích rừng và gây chia cắt, thu hẹp sinh cảnh của một số loài động vật trên đảo. Các rạn san hô, thảm cỏ biển tại khu vực Bãi Hương, Bãi Bìm bị vùi lấp bởi trầm tích từ các công trình xây dựng với độ phủ khá cao, làm cho san hô bị chết và cỏ biển không thể phát triển trở lại. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do trầm tích và hệ thống nước thải từ các khu dân cư, nhà hàng chưa được xử lý cũng góp phần hủy diệt các loài san hô vốn nhạy cảm với môi trường. Ngoài ra các hoạt động khai thác hải sản trái phép của ngư dân, các hoạt động du lịch trên biển, đặc biệt là tình trạng lặn không khí tài đông người vào cùng một thời điểm, tình trạng dẫm đạp san hô do thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường của một số du khách cũng đã làm trầm trọng thêm sự suy giảm này.
Mặt khác trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng biển xâm thực ở Cửa Đại, bão lụt, hạn hán xảy ra liên tiếp… cũng đang là mối đe dọa đối với tính đa dạng sinh học trong Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các cộng đồng trong sự kiên kết của các khu vực (xã đảo, đất liền… ) nhằm bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học của Khu sinh quyển. “Tôi thấy bị ô nhiễm quá nặng với Cù Lao Chàm rồi, rất ảnh hưởng tới ngành du lịch cũng như đời sống người trong 5 năm, 10 năm tới. Các chất thải đổ từ dòng sông Thu Bồn ra là Cù Lao Chàm hưởng hết vì Cù Lao Chàm có những cái vịnh, cái eo đọng lại những vật đó làm cho những vi sinh vật, tảo biển hay cá, tôm, ốc không phát triển được”, lão ngư Trần Xá ở Cù Lao Chàm bức xúc.
Bảo tồn đa dạng sinh học Cù Lao Chàm để phát triển du lịch bền vững- Ảnh: Đỗ Huấn
Xác định quan điểm: bảo tồn đa dạng sinh học là góp phần bảo tồn những giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, phục vụ phát triển bền vững xã đảo Tân Hiệp xứng tầm là trung tâm Khu du lịch biển đảo của miền Trung và của tỉnh Quảng Nam nên mới đây, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về phát triển KTXH xã Tân Hiệp. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng đề cập về sự cần thiết của nghị quyết: “Du lịch đối với Cù Lao Chàm đang phát triển rất nhanh, rất mạnh và đang trở thành áp lực với vấn đề bảo tồn tại Cù Lao Chàm. Do vậy, chúng ta phải có nghị quyết chuyên đề. Tất nhiên nghị quyết này không phải giải quyết toàn bộ bài toán cho Tân Hiệp. Chúng ta giải quyết một phần căn bản xung quanh vấn đề bảo tồn và định hướng của chúng ta trong giai đoạn 5 năm, 10 năm đến phát triển Cù Lao Chàm là phát triển cái gì!”
Để thực hiện các mục tiêu cơ bản, trong những năm tiếp theo UBND thành phố tập trung vào các giải pháp là: thực hiện các chương trình quan trắc, đánh giá định kỳ đối với các hệ sinh thái quan trọng như: hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển, rong biển; hệ sinh thái rừng Cù Lao Chàm; giám sát chất lượng môi trường nước biển… nhằm sớm phát hiện các yếu tố tác động và có giải pháp bảo vệ kịp thời. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, điều tra, thống kê hiện trạng đa dạng sinh học, nhất là đa dạng sinh học rừng tại các đảo; đề xuất giải pháp bảo vệ hiệu quả các chủng loài quý, hiếm, có nguy cơ suy giảm, tuyệt chủng và phân vùng du lịch sinh thái hợp lý. Áp dụng các giải pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm bảo vệ, phục hồi các nguồn lợi tài nguyên bị nguy cấp, cạn kiệt; ưu tiên đầu tư kinh phí cho hoạt động phục hồi và bảo vệ nguồn lợi. Ông Huỳnh Ngọc Đào ở thôn Bãi Làng đề nghị: “Đối với nông nghiệp là hiện nay đa số ruộng bị bỏ hoang cũng như các loại rau rừng bị khai thác gần kiệt. Do đó đề nghị thành phố cần quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng có hướng thay đổi cây trồng cũng như là quy hoạch các khu vực để chúng ta trồng các loại rau rừng thành cái khu để chúng ta khai thác có hiệu quả”.
Trong công tác quản lý, chính quyền sẽ tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát các hoạt động khai thác hải sản, du lịch, dịch vụ… trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Quy hoạch, phân luồng tuyến hoạt động của các phương tiện thủy hoạt động tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm, trong đó không để các phương tiện thủy hoạt động tại các khu vực có thảm cỏ biển, rạn san hô, rong biển, đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phục hồi rùa biển tại Cù Lao Chàm với tầm nhìn lâu dài…
Đỗ Huấn