Tuần tra trong khu Bảo tồn biển

Từ khi được công nhận là Khu DTSQTG đến nay, việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Cù Lao Chàm đã trở thành một yêu cầu nhiệm vụ cần thiết hơn bao giờ hết. Xác định được điều đó, đội tuần tra của Ban Quản lý Khu BTB Cù Lao Chàm đã phối hợp với các đơn vị chức năng và cộng đồng dân cư địa phương tổ chức tuần tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn các hành vi khai thác, đánh bắt thủy hải sản, động thực vật trái phép trong Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Xa nhà thường xuyên…

Trong chuyến công tác tại Cù Lao Chàm mới đây, khi lưu trú tại gia đình anh Huỳnh Đức, chị Lê Thị Thu Vân ở thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp, tình cờ chúng tôi được biết công việc chuẩn bị cho chuyến đi tuần tra bảo vệ tài nguyên biển của anh Đức.

Nhà có 2 đứa con đều đi học xa, vợ bận việc buôn bán nên anh Đức phải vào bếp, tự tay nấu mấy món ăn, bỏ vào cạp lồng, xếp gọn vào túi xách, mang theo đi tuần. Anh bảo, số thức ăn này chuẩn bị trước để anh em trong đội cùng ăn đêm khi làm nhiệm vụ trên biển. Nhiều năm trước, khi anh Đức mới vào nghề, lương rất thấp so với thu nhập từ nghề lặn khai thác hải sản, lại phải thường xuyên xa nhà vào ban đêm, không có thời gian gần gũi, dạy dỗ con cái học hành nên chi Vân đôi lúc cũng than phiền, có khi còn khuyên anh thôi việc. Động viên, phân tích cho vợ con hiểu, đến nay, đã qua 11 năm anh Đức gắn bó với nghề, chị Vân đã cảm thông hơn và sẵn sàng đảm đang mọi việc trong nhà để anh yên tâm công tác.

Lực lượng chức năng xử lý một phương tiện lặn bắt hải sản trong vùng cấm- Ảnh: Lê Hiền

Là thành viên của Đội Tuần tra Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, mỗi tuần anh Đức có từ 5-6 ngày đêm cùng anh em lênh đênh đi tuần trên biển. Anh bảo, nghề của anh không khác gì công việc của một cảnh sát biển. Đi tuần biển, nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng vào nghề mới thấy sự vất vả, cực nhọc và cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro. Bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài gặp những bất lợi về thời tiết thất thường, Đội Tuần tra thường xuyên đối diện với sự phản ứng, nhiều khi rất quyết liệt, manh động, táo bạo của những lao động nghề biển có hành vi vi phạm các quy định khai thác đánh bắt trong khu Bảo tồn. Và điều khó hơn là anh phải vượt qua chính mình, bởi trước kia anh từng một thời làm nghề lặn, kiếm sống như nhiều người. Giờ đây, khi thực hiện nhiệm vụ, trực tiếp tuyên truyền nhắc nhở, nhất là xử lý vi phạm các ngư dân khác, đôi khi anh cũng không khỏi chạnh lòng hoặc tự vấn, đặt mình vào hoàn cảnh, đời sống của họ. Nhưng với trách nhiệm và lòng yêu nghề, cũng như các anh em trong đội, anh Đức luôn tâm huyết, gắn bó với công việc, tất cả vì nguồn tài nguyên thiên nhiên trong Khu Sinh quyển. Anh chia sẻ:  Mười mấy năm gắn bó với nghề ni rồi, tôi thấy công việc rất là vất vả. Đêm hôm mưa gió, sóng gió, đi 24/24, cả ngày. Có lúc đang ăn cơm mà phải bỏ nữa chừng đó, phải đi, vì đột xuất mà. Hôi xưa khổ lắm, đi làm lương thấp, vợ con sống rất là khó khăn. Nhưng mà yêu nghề nên mấy năm rồi vẫn ráng theo. Nếu không yêu nghề chắc đi cũng không được đâu. Vì không chỉ công việc tuần tra không mà còn đi làm những công việc chuyên môn nữa, trồng cấy ghép san hô, mình đi lượm từng mảnh san hô để mình cấy ghép lại”.

Đụng đến “miếng cơm manh áo”…

Sau khi chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nhiên liệu và công cụ hỗ trợ, đội tuần tra bắt đầu chuyến đi tuần. Trên tàu có 9 anh em, trong đó có 3 chiến sỹ là Bộ đội đồn Biên phòng Cù Lao Chàm và công an xã Tân Hiệp, số còn lại đều là cán bộ đội tuần tra. Con tàu rẽ sóng trong màn đêm, hướng tới các địa điểm có ngư dân các nơi thường lén vào khai thác.

Khảo sát đánh giá vùng có hải sản trong danh mục cấm để tuần tra, giám sát hoạt động khai thác của ngư dân-

Ảnh: Lê Hiền

Để cảnh giác với các lực lượng chức năng, lâu nay, nhiều ngư dân Núi Thành, Duy Xuyên khi vào Khu Bảo tồn lặn đêm, trên tàu thường tắt đèn để không bị phát hiện từ xa. Những lúc như vậy, tàu tuần tra phải rong ruỗi trên biển để tìm từng đóm sáng nhỏ lóe lên từ mặt nước khi ngư dân dùng đèn pin dò tìm hải sản dưới đáy biển. Đến mùa đông, những hôm gió giật cấp 6, cấp 7, tàu tuần tra vẫn phải bám biển bởi nhiều ngư dân ở các địa phương lân cận cùng vào Khu Bảo tồn để đánh bắt bằng giả cào. Đó là chưa kể nhiều ngành nghề khác như lưới vây, lưới cản, nghề câu, lưới kình, mành mực, pha xúc… luôn rập rình vi phạm, nhiều lúc còn liều lĩnh đưa phương tiện vào vùng cấm khai thác. Trong quá trình kiểm tra, giám sát trên biển, đụng đến “miếng cơm manh áo” của ngư dân, nhiều khi, đội tuần tra cũng chịu không ít áp lực. Có ngư dân chửi bới, hăm dọa, thậm chí còn chống đối, tìm cách xô đẩy lực lượng tuần tra xuống biển… Nhiều lúc, các lực lượng phải sử dụng đến công cụ vũ khí hỗ trợ và sẵn sàng bắn pháo hiệu huy động thêm lực lượng chức năng hỗ trợ. Cách đây 2 tháng, một phương tiện làm nghề lưới vây của ngư dân Núi Thành vào đánh bắt trong Khu Bảo tồn, khi các lực lượng phát hiện, kiểm tra giấy tờ và yêu cầu ngừng hoạt động trong phạm vi cấm, các ngư dân ở phương tiện này đã không chấp hành. Lực lượng chức năng đã phải lai dắt phương tiện về âu thuyền để xử lý nhưng khi vào gần đến nơi, các ngư dân đã lấy dao, chặt đứt dây thuyền, to tiếng kháng cự. Trước hành vi này, các lực lượng chức năng đã kiên quyết  xử lý, phạt tiền nộp vào ngân sách. Tính chất công việc phức tạp và có phần mạo hiểm là vậy nhưng những người làm công tác tuần tra giám sát vẫn luôn phải bám biển làm tròn nhiệm vụ. Anh Mai Xinh, Đội trưởng Đội tuần tra Ban QL KBTB CLC cho biết: “Nói chung anh em tinh thần rất là cao, tâm huyết với công việc, cho du khổ hay khó khăn như thế nào nhưng anh em vẫn quyết tâm hoàn thành công tác tuần tra, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong khu BTB CLC. Giờ nào cũng có mặt, thường xuyên phản ứng nhanh. Có nhiều khi buổi trưa về, vừa bưng chén cơm ăn nhưng mà dân báo, cộng đồng báo có vi phạm là phải bỏ đó mà đi ngay. Tinh thần rất là cao, hết sức vì công việc. Mình trông cho người ta báo biết để phát hiện ngăn chặn mà.”

Vận động các hộ buôn bán hải sản phục vụ du lịch không mua bán hải sản thuộc danh mục cấm và

trong thời gian cấm- Ảnh: Lê Hiền

Theo thống kế, trong 10 năm qua, Phòng Tuần tra và phát triển cộng đồng Ban Quản lý Khu BTB CLC đã kết hợp cùng lực lượng biên phòng, công an xã Tân Hiệp và tổ tuần tra cộng đồng thôn Bãi Hương cùng ngư dân xã Tân Hiệp tổ chức hơn 1.300 lượt tuần tra thường xuyên và đột xuất.Qua đó, đã phát hiện 529 trường hợp vi phạm Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trong đó có đến 424 trường hợp là ngư dân ngoài địa phương, chủ yếu ở Duy Xuyên, Núi Thành, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu BTB Cù Lao Chàm cho biết: “Ngoài việc tuần tra giám sát, thời gian qua, Ban QLKBTB CLC cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng tới mục tiêu cộng đồng tự bảo vệ và khai thác theo hướng bền vững. Hàng năm đều phối hợp với các đơn vị và xã Tân Hiệp vận động một số hộ dân mua bán, khai thác thủy sản không mua bán hải sản trong thời gian cấm khai thác”. Những hoạt động này nhằm hướng đến bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thay đổi thói quen khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp lý trong cộng đồng ngư dân”.

Lê Hiền