Mô hình sản xuất rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông

Dựa trên nền tảng hoạt động và kết quả đạt được của Tổ hợp tác Rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An), đến tháng 11.2019 HTX rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông được hình thành, vận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tập trung huy động các nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất và cung ứng rau hữu cơ đạt chứng nhận PGS kết hợp với làm du lịch nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) được bán thường xuyên tại Chợ phiên Hội An.

Năm 2014, Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Cẩm Thanh, TP.Hội An” được triển khai với mô hình đầu tiên là Vườn rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh. Được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, dự án bước đầu được thực hiện với diện tích gần 6,390m2. Sau 2 năm hoạt động tương đối ổn định và đạt kết quả tích cực, UBND xã Cẩm Thanh tiếp tục hỗ trợ cho người dân mở rộng vùng canh tác thêm khoảng 5.990m2, nâng tổng diện tích sản xuất rau hữu cơ lên hơn 12.370m2. Trung bình mỗi hộ tham gia dự án có diện tích sản xuất khoảng 500m2, hộ có diện tích sản xuất cao hơn khoảng gần 1000m2.  

Ra đời trong quãng thời gian thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, lại phải tập trung cải tạo đất; hướng dẫn, áp dụng quy trình sản xuất mới theo phương châm sạch và an toàn thay cho kiểu sản xuất cũ trong 2 năm đầu nên mô hình Vườn rau hữu cơ Thanh Đông gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm và tiếp tục duy trì sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS, sản lượng rau ngày càng tăng và được thị trường nhiều nơi biết đến và ưa chuộng. Cao nhất vào năm 2018, sản lượng rau đạt hơn 12.910kg, doanh thu đạt hơn 365 triệu đồng. Ông Lê Nhương – thành viên Ban giám sát HTX cho biết: “Nét chính của Vườn rau này là sản xuất theo tiêu chuẩn rau sạch, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân hóa học, không dùng thuốc kích thích sinh trưởng và chỉ dùng phân hữu cơ, phân động vật, những loại thuốc thảo mộc và dùng nước không bị ô nhiễm lấy từ mạch nước ngầm để lọc, tưới cho cây. Đồng thời chăm sóc, trồng thâm canh, xen canh để cân bằng hệ sinh thái để từ đó nâng chất lượng rau”.

Theo khảo sát, sản phẩm chủ yếu của HTX rau hữu cơ Thanh Đông là rau ăn lá, củ, quả. Trong đó, rau ăn lá chiếm hơn 46,2%; củ, quả chiếm 28%; rau gia vị chiếm hơn 23,5%, còn lại có các loại khác như: bắp nếp, hoa artiso… Ngoài ra, HTX còn phát triển thêm các sản phẩm thành phẩm như mứt, trà artiso, trà húng quế,…

Sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng nên rau hữu cơ Thanh Đông dần dần được khách hàng rất tin cậy và ưa chuộng. Có 2 kênh tiêu thụ chính là: đại lý và bán lẻ. Ngoài 2 đại lý Quê Vườn và Xanh Xanh shop ở Hội An, còn có một số nhà hàng tại Đà Nẵng thường xuyên mua sản phẩm để chế biến phục vụ khách hàng. Về kênh bán lẻ có hơn 500 khách hàng đặt mua sản phẩm qua hệ thống cung cấp từng cá nhân và 1 cửa tiệm tại chợ Bà Lê (phường Cẩm Châu). “Thấy rau này đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng, cân bằng hệ sinh thái môi trường nên khách hàng lăn lộn đến đây để theo dõi, đặt mua”, ông Phạm Mèo – hộ sản xuất rau tại Thanh Đông nói.

Năm 2018 – 2019, thu nhập trung bình mỗi hộ sản xuất rau đạt từ 2 – 4 triệu đồng, các hộ sản xuất chính thu đạt cao hơn, từ 4 – 6 triệu đồng (trong đó có 70% thu nhập từ trồng rau, 30% thu nhập từ du lịch). Từ năm 2020 đến nay có phần giảm hơn nhưng trung bình mỗi hộ cũng đạt từ 2 – 3 triệu đồng. Riêng trong 4 tháng đầu hoạt động từ khi chính thức được hình thành, HTX đã thu hoạch được 5 tấn rau, mang về doanh thu hơn 104 triệu đồng, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng đến tháng 3.2020, dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài dai dẳng gần 2 năm qua nên đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng rau tiêu thụ. Các nhà hàng và một số đại lý phải ngừng nhận rau do tạm đóng cửa. Vì vậy, HTX đã linh hoạt chuyển và đẩy mạnh kênh tiêu thụ sang bán lẻ thay cho kênh đại lý, kịp thời giải quyết được sản lượng rau do người dân sản xuất theo thời vụ, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Vườn rau hữu cơ Thanh Đông không chỉ là điểm sáng về sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn mà còn là điểm du lịch sinh thái mới của TP.Hội An, được du khách yêu thích. Lượng khách đến tham quan, tìm hiểu vườn rau tăng hằng năm. Năm 2018 đạt 2.355 lượt (tăng 37% so với năm 2017), đến năm 2019 tăng lên 2.793 lượt, doanh thu đạt 186 triệu đồng. Doanh thu du lịch của vườn rau bao gồm từ doanh thu bán vé tham quan, tổ chức tour trải nghiệm (nấu ăn, làm nông nghiệp, bơi thuyền thúng du ngoạn trên sông)… “Trong quá trình sản xuất thì hiệu quả mang lại cho bà con khá rõ nét, trước hết là nhờ sản phẩm rau hữu cơ, đồng thời cũng thu hút được các tour du lịch. Trong đó, đầu tiên là kết nối với học sinh sinh viên để giới thiệu về mô hình sản xuất và sau đó là khách du lịch nước ngoài đi theo tour đến tham quan, tìm hiểu”, ông Nguyễn Văn Chức – phụ trách HTX cho hay.

Vườn rau hữu cơ Thanh Đông là điểm đến học tập, tìm hiểu của học sinh, sinh viên trong và ngoài nước.

Năm 2018, Vườn rau hữu cơ Thanh Đông được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là Điểm du lịch sinh thái tiêu biểu. Năm 2020 được Hiệp hội Du lịch Đông Nam Á bầu chọn là Điểm du lịch nông thôn bền vững. Năm 2020, HTX tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Emic Hospitality về hợp tác trong phát triển tour du lịch nông nghiệp hữu cơ kết hợp với tham quan sông Đình bằng thuyền thúng. Ngoài ra, HTX còn kiên kết với các tổ chức phi chính phủ, trường học trong và ngoài nước tiếp nhận các đoàn sinh viên, nghiên cứu sinh đến tham quan, học tập mô hình sản xuất rau hữu cơ và du lịch sinh thái nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến kéo dài nên từ tháng 3.2020 đến nay, hoạt động này phải tạm dừng.

Mặc dù vậy nhưng mô hình sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông vẫn đang được duy trì và phát triển. Xã Cẩm Thanh đã phát triển, hình thành thêm chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm tại khu vực Đồng Giá với diện tích 1ha, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Hiện nay, lãnh đạo Hội An cũng đang chỉ đạo mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ ở các xã nông thôn và vùng ven đô thành phố. “Bên cạnh mục đích lớn nhất là làm sao cho bộ mặt nông thôn, về đời sống, về cơ sở vật chất, về điều kiện sinh hoạt của bà con nông dân ngày càng tốt hơn, mô hình này còn có những ý nghĩa tích cực khác. Đó là đi theo con đường phát triển đô thị sinh thái, làm du lịch sinh thái thì nó bảo vệ bền vững môi trường, không đi ngược lại quy luật của tự nhiên và ứng xử một cách có văn hóa với tự nhiên”, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố nói.

ĐỖ HUẤN