Du lịch xanh kiểu… Hội An

Du lịch xanh ở Hội An không chỉ là xanh trong các yếu tố môi trường mà còn là xanh trong suy nghĩ, hành động để hướng tới những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc, riêng có và bền vững.

Thay thế bình đựng nước bằng nhựa thành chai thủy tinh tái sử dụng

Từ việc giảm rác thải
Năm 2019, khi Hiệp hội du lịch Quảng Nam triển khai dự án quản lý rác thải với doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn tiên phong tại Hội An, bà Vũ Mỹ Hạnh – Giám đốc An Nhiên Farm, chuyên gia của dự án cho biết, từ việc hiểu về hiện trạng rác thải thông qua thực hiện và cung cấp gói dịch vụ về kiểm toán rác thải, nhóm làm việc đã giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ gia đình đánh giá được thực trạng về rác thải của mình và có hướng quản lý hợp lý với từng nhóm, loại rác cụ thể để tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả về thương hiệu.
Từ đó, bắt đầu từ bếp, nhiều cơ sở kinh doanh có giải pháp quản lý rác thải từ thức ăn thừa, trước hết là phân loại, sau đó ủ phân hữu cơ trồng rau xanh. Đáng nói là quá trình này được du khách cùng tìm hiểu, trải nghiệm.
“Nhóm làm việc của dự án đã cung cấp giải pháp, kết nối hợp tác nhằm có cách quản lý bền vững đối với từng nhóm rác cụ thể; thúc đẩy sự phát triển bền vững của các sản phẩm, dịch vụ có khả năng thay thế rác nhựa dùng một lần; phân loại, tái chế, đưa rác trở thành nguyên liệu đầu vào có ích; tổ chức giáo dục, đào tạo, triển khai các chương trình trong trường học và các dự án giáo dục, mô hình học tập du lịch trải nghiệm tìm hiểu về rác,…” – Bà Vũ Mỹ Hạnh, nói.
Từng bước, mạng lưới các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ khắp Hội An đã thực hiện việc chuyển đổi các sản phẩm và dịch vụ hướng tới giảm rác thải nhựa. Có thể kế đến như: Sapo Hoi An tái chế dầu ăn thừa nhà bếp thành xà phòng; An Nhien farm – Hoi An tái chế xà phòng và vải chất lượng cao của khách sạn; Hoi An Kayak Tour chèo thuyền vớt rác trên sông; The Field Restaurant phân loại rác nhà bếp và ủ phân hữu cơ, tổ chức tiệc trên đồng ruộng; Refillables Hoi An cung cấp sản phẩm vệ sinh cá nhân, hộ gia đình và cơ sở kinh doanh giảm thiểu bao bì nhựa;…
Hay như Dana Connect, một điểm trao nhận miễn phí; Hoi An Farmers’ Market chợ phiên địa phương, mua bán trực tiếp, giảm bao bì; Buy nothing Freecycle Hoi An Facebook group trao nhận miễn phí; Hoi An Eco city Map bản đồ du lịch các cơ sở kinh doanh giảm thiểu rác nhựa,…
“Không phải ngẫu nhiên mà trang đặt phòng Booking.com vừa thống kê Hội An đứng thứ 4 cả nước, sau TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng và trên cả Nha Trang về số lượng cơ sở lưu trú nhận Huy hiệu Du lịch bền vững của nền tảng này” – Bà Phạm Thị Ngọc Dung – Phó Phòng Văn hóa & Thông tin thành phố Hội An, nhìn nhận.

Tất cả thức ăn thừa từ tiệc “Cánh đồng” đều được phân loại và ủ phân hữu cơ

…đến những giá trị bền vững
Ở Hội An, bằng những cách làm đơn giản nhất, thực hành sát thực tế nhất là cách tiếp cận với các giá trị bền vững. Vì thế, khi hướng dẫn thực hành Bộ tiêu chí du lịch xanh tại Hội An, bà Hoàng Tố Nga – Chuyên viên cao cấp của Chương trình du lịch bền vững Thuỵ Sỹ, đặt vấn đề: “Vì sao phải làm du lịch cộng đồng theo tiêu chí du lịch xanh ?”. Chuyên gia này cho rằng cần phải có một công cụ, thước đo để đảm bảo phát triển du lịch lâu dài, bền vững. Phải làm du lịch cộng đồng theo tiêu chí du lịch xanh là vì có rất nhiều thành phần tham gia, trong đó có du khách nhằm đảm bảo lợi ích của cộng đồng, góp phần giữ gìn truyền thống văn hoá và bảo vệ môi trường tự nhiên.
“Tránh lãng phí sử dụng các thiết bị điện, tránh lãng phí khi sử dụng nước, phân loại rác thải, mua và sử dụng hàng hoá địa phương, đào tạo nhân viên tay nghề cao, chất lượng dịch vụ tốt. Đó là nội dung cơ bản của Bộ tiêu chí Du lịch xanh áp dụng cho điểm tham quan và du lịch dựa vào cộng đồng tại Hội An” – Bà Hoàng Tố Nga, nói.

Nhiều diễn đàn về du lịch xanh tổ chức tại Hội An

Còn ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thì cho rằng: “Du lịch xanh ở Hội An không phải là những thứ xa xỉ khi hiểu theo các giá trị vật chất. Thay vì tính toán cho những hạng mục đắt tiền, đôi khi chỉ là tiết giảm trong tiêu dùng, sinh hoạt và hoạt động du lịch cũng đã là phát triển bền vững”.
Hội An đã đặt mục tiêu đến năm 2025, các điểm tham quan Khu di sản Hội An, vùng lõi Khu dự trữ sinh quyến thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, rừng dừa Cẩm Thanh được công nhận là điểm đến xanh. 100% đội ngũ cán bộ phụ trách du lịch, lãnh đạo doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với kiến thức về du lịch xanh, bền vững. 50% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí Du lịch Xanh Quảng Nam và được công nhận đạt tiêu chuẩn xanh.

Du lịch xanh ở Hội An không chỉ xanh trong các yếu tố môi trường

“Du lịch xanh ở Hội An không chỉ là xanh trong các yếu tố môi trường mà còn là xanh trong suy nghĩ, hành động để hướng tới những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc, riêng có và bền vững” – Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, chia sẻ./.

QUỐC HẢI