Đêm hội của sắc màu và lòng hiếu thảo

Về Hội An để được thả hoa đăng. Chẳng rõ tự bao giờ nhưng nhu cầu thưởng lãm, trải nghiệm cùng những chiếc hoa đăng trên sông Hoài, phố cổ đã thực sự trở thành niềm thích thú từ nhiều năm nay của du khách gần xa. Hoa đăng là hình ảnh du lịch văn hóa thân quen của Hội An. Hoa đăng là biểu tượng sinh động, rực sắc trong những “Đêm phố cổ”.

Cảnh hoa đăng thả trên sông Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Nhưng trong tâm khảm những du khách giàu tưởng tượng, đam mê nghệ thuật, hình ảnh hoa đăng ở Hội An vẫn còn tự phát, thiếu sự đồng điệu, cộng cảm cao độ. Nhiều người vẫn ước ao được chiêm ngưỡng cả một dòng hoa đăng trên sông Hoài thơ mộng, hiền hòa…

Với ý tưởng tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ và dự kiến định kỳ tổ chức vào những năm tiếp theo, ngày 27/8 (nhằm ngày 14/7 âm lịch, trùng dịp lễ Vu Lan), thành phố chính thức tổ chức đêm “Hội hoa đăng – Báo hiếu, Hội An năm 2015”. Sông Hoài trong “Đêm phố cổ” tháng 7 âm lịch này chắc chắn bừng sáng với các cụm hoa đăng được sắp đặt nghệ thuật đẹp mắt cộng hưởng cùng hàng ngàn chiếc hoa đăng nhỏ xinh, rực rỡ sắc màu, mang theo bao điều ước an lành, thánh thiện từ nhân dân cũng như du khách thập phương.

Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VH-TT, Phó Trưởng Ban tổ chức đêm hội trao đổi: “Sau 2 lần tổ chức gần như là thử nghiệm vào các năm trước, năm nay thành phố có chủ trương chủ trì tổ chức, lấy tên là “Hội hoa đăng – Báo hiếu”. Như vậy nhân mùa báo hiếu, thành phố tổ chức hội hoa đăng, kết hợp giữa 2 nội dung này. Rõ ràng là trong điều kiện của Hội An, với khung cảnh của phố cổ tôi nghĩ rất dễ làm cái này và rất phù hợp. Với dòng sông Hoài như thế, với phố cổ như thế và đúng vào đêm 14 âm lịch – đêm phố cổ thì chắc chắn đêm hội hoa đăng chắc rất hiệu quả”

“Hội hoa đăng – Báo hiếu, Hội An năm 2015” do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố chủ công tổ chức với sự tham gia của khoảng 300 chư tăng ni, phật tử. Đoàn rước của các chư tăng ni, phật tử từ các chùa, tịnh xá… với cộ, bàn hương án, múa lân, dâng hoa sẽ diễu hành qua các tuyến đường chính của khu vực tổ chức đêm hội và cùng tham gia hoạt động “Phóng sanh – phóng đăng” nguyện cầu quốc thái, dân an.

Đêm hội hứa hẹn giàu ý nghĩa và tạo nhiều ấn tượng với các chương trình như: “Bông hồng cài áo” cho nhân dân và du khách; giao lưu với những người con hiếu thảo tiêu biểu; tặng quà cho các mẹ cao tuổi và các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn thành phố… Ông Phùng Hồng – Phó Phòng Nội vụ thành phố cho biết: “Để chuẩn bị hội hoa đăng, lễ vu lan rằm tháng 7 này, ngay sau lễ phật đản (rằm tháng 4) Phòng Nội vụ đã xúc tiến đặt vấn đề với Ban trị sự phật giáo thành phố tổ chức lễ vu lan. Qua trao đổi, Ban trị sự giáo hội phật giáo thống nhất cao theo chủ trương, kế hoạch tổ chức lễ hội của thành phố. Đến hôm nay chương trình kịch bản đã hoàn tất, Ban trị sự và bà con đạo hữu phật tử rất quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình”.

Muối ba năm muối còn đương mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Công cha nghĩa mẹ cao dày

Con ơi nhớ lấy câu này đừng quên

Du khách thả hoa đăng cầu nguyện an lành- Ảnh: Đỗ Huấn

“Hội hoa đăng – Báo hiếu, Hội An năm 2015” là một sự kiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tinh thần nhân ái, báo ân, báo hiếu; đồng thời là một sản phẩm du lịch tâm linh đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa của du khách và góp phần quảng bá hình ảnh Hội An sâu rộng hơn.“Với góc độ của một thành phố được mệnh danh là “nhân tình thuần hậu”, tôi nghĩ hoạt động này góp phần giữ lại cái cốt cách, phẩm hạnh và nhân văn của người Hội An. Đặc biệt với những tiết mục nghệ thuật và hoạt động trong chương trình đêm hội bông hồng, tôi nghĩ những nghĩa cử như vậy, cách làm như vậy sẽ lay động, đánh thức được lòng nhân văn, lòng hiếu thảo của những người làm con đối với cha mẹ. Những hình ảnh như vậy sẽ lan tỏa ra xã hội, góp phần rất lớn định hướng về lòng nhân ái, lòng biết ơn của con cháu đối với các đấng sinh thành”, ông Võ Phùng – Phó Trưởng Ban tổ chức đêm hội chia sẻ.

Đỗ Huấn

Ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng

Định hướng phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, trong đó du lịch được xác định là ngành chủ đạo, TP.Hội An tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao hơn nữa lợi ích và trách nhiệm của người dân, xem đây là yếu tố hàng đầu, quyết định tính bền vững.

Trong những năm qua, mô hình du lịch cộng đồng ở Hội An có chiều hướng phát triển mạnh, góp phần cải thiện sinh kế, mang lại lợi ích cho người dân. Loại hình du lịch này đã thu hút nguồn lực từ cộng đồng trong đầu tư, khai thác, phát huy và bảo vệ, chăm sóc, phát triển tài nguyên cả nhân văn lẫn sinh thái.

*Lợi ích tại chỗ:

Hình thành sớm và tạo được sản phẩm đặc sắc là du lịch cộng đồng ở các làng nghề truyền thống như rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng. Du khách rất thích thú khi được đến những nơi này, hòa vào cuộc sống thực tại của người dân, được xới đất trồng rau, nhào đất chuốt gốm, cưa xẻ gỗ… và tìm hiểu nét đẹp văn hóa làng nghề như nếp ăn ở, truyền dạy nghề, các ngày hội lễ tổ nghề, lễ cầu mùa, cầu an…

Ở Cù Lao Chàm, mô hình này bắt đầu thực hiện từ năm 2009 với loại hình homestay ở Bãi Hương, đến nay đã lan rộng đến các cụm dân cư trên đảo. Gần 3 năm qua, mô hình du lịch cộng đồng tiếp tục mở rộng đến 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông (xã Cẩm Thanh) với loại hình du lịch sinh thái gắn với rừng dừa nước và hệ sông lạch vùng hạ lưu Thu Bồn cùng một số khu vực khối Thanh Tây, An Mỹ, Sơn Phô 2 (phường Cẩm Châu) với loại hình du lịch nghỉ ngơi, thăm thú dạo chơi. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố cho biết:  “UBND thành phố và các ngành xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển cơ sở lưu trú, quản lý và khai thác các tiềm năng du lịch trên địa bàn. Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cho khu vực biển – đảo – làng quê, chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị sinh thái – nhân văn của từng địa phương, gắn với đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các khu vực này, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và được hưởng lợi từ du lịch”.

Làng rau Trà Quế là nơi hình thành sớm và tạo sản phẩm du lịch cộng đồng khá đặc sắc- Ảnh: Đỗ Huấn

Chính quyền thành phố cũng đã tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn các loại hình tài nguyên, bởi đây là vốn quý để sinh lợi; đồng thời tiến hành các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ để cộng đồng dân cư thực sự là chủ thể các hoạt động du lịch tại chỗ. Ngoài ra, chính quyền còn khuyến khích cộng đồng dân cư xây dựng mô hình lưu trú cùng dân (homestay) và các cụm homestay, đặc biệt tại các làng nghề, làng quê sinh thái; đồng thời khuyến khích, gắn kết tổ chức chương trình du lịch với các dịch vụ cộng đồng nhằm tạo việc làm, thu hút lao động và cải thiện thu nhập ngay tại cộng đồng.

*Tạo lợi thế khác biệt:

Du lịch cộng đồng ở Hội An phát triển dựa trên nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên văn hóa dồi dào phong phú nhưng thực tế sự kết hợp giữa hai yếu tố này thời gian qua vẫn thiếu hài hòa, nhuần nhuyễn. Nguồn nhân lực, trình độ dân trí của cộng đồng dân cư – chủ thể hoạt động chậm được nâng cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Sự liên kết, hợp tác cùng các doanh nghiệp trong việc giới thiệu thị trường, quảng bá sản phẩm, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ năng… chưa cao, thiếu chặt chẽ. Hoạt động của cộng đồng dân cư chủ yếu mang tính tự phát, lợi nhuận còn mang tính cục bộ, chưa đồng đều. “Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu kỹ các đặc điểm tự nhiên, kinh tế, dân cư của từng làng nghề, làng quê để có chính sách, kế hoạch phát triển phù hợp. Trong đó, tiếp tục chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, các mô hình kinh doanh nhỏ, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phải phù hợp với nhu cầu phát triển của từng địa bàn. Phát huy thực tế chính sách đào tạo nghề, đào tạo lao động, xây dựng nguồn nhân lực bền vững lâu dài tại các vùng nông thôn”, bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng Phòng TM-DL thành phố đề nghị.

Du lịch cồng đồng đang phát triển mạnh ở vùng dừa nước ngập mặn xã Cẩm Thanh- Ảnh: Đỗ Huấn

Tiềm năng, thế mạnh du lịch cộng đồng ở Hội An không chỉ dừng lại như hiện tại và sức hấp dẫn còn lớn hơn khi biết khơi dậy nguồn lực tại chỗ, phát huy bản sắc riêng có. Nên chăng lãnh đạo thành phố cần tạo cơ chế cụ thể để hình thành thêm các điểm du lịch cộng đồng theo đặc trưng của địa phương như: làng du lịch biển An Bàng, làng nông nghiệp An Mỹ, làng vườn phố Thanh Nam, làng quê sinh thái Cẩm Thanh, làng nghề sông nước Vạn Lăng, làng nuôi tôm Cồn Nhàn, làng dừa nước Thanh Nhứt, Thanh Nhì, làng chài Bãi Hương, làng cá Cửa Đại, làng bắp Cẩm Nam, làng cây cảnh An Phong, Trường Lệ… Xuất phát từ quan điểm tạo ra lợi thế khác biệt mới tạo ra năng lực cạnh tranh tồn tại và phát triển bền vững, bà Thủy cho rằng: “Các mô hình nhỏ, thân thiện, lan tỏa, xuất phát bền vững từ đồng ruộng, tay nghề, sông nước… là công cụ có thể “sống tốt” cho người dân địa phương trong dòng cạnh tranh du lịch, đa phần là các doanh nghiệp, tập đoàn như hiện nay”.

Đỗ Huấn

Hội An kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành văn hóa – thông tin (28/8/1945 – 28/8/2015)

Ngày 24/8, 4 đơn vị gồm Đài TT-TH, Phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa thể thao và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã  phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành văn hóa -thông tin (28/8/1945 – 28/8/2015).

Quang cảnh buổi gặp mặt- Ảnh: Lê Hiền

70 năm qua, những người làm công tác VH-TT ở Hội An đã đóng góp trí lực vào công cuộc giải phóng và xây dựng quê hương, đạt nhiều thành tích nổi bật, được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Sau khi giác ngộ con đường cứu nước của Bác, các thế hệ cán bộ ngành VHTT Hội An đã bám sát tình hình, tuyên truyền đường lối kháng chiến, cổ động và khích lệ tinh thần của quân và dân Thị xã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Các đơn vị nhận hoa từ lãnh đạo thành phố- Ảnh: Lê Hiền

Sau ngày quê hương giải phóng, đội ngũ cán bộ ngành VHTT Hội An tiếp tục có nhiều cống hiến to lớn cho sự trưởng thành của ngành nói chung và sự phát triển quê hương nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền tại Hội An ngày càng được đổi mới, chất lượng và hiệu quả hơn. Đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa thông tin từ thành phố đến xã phường được tăng cường đáng kể, với hơn 260 người. Các đơn vị đã phối hợp nhịp nhàng, tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng Hội An thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch; bảo tồn, gìn giữ giá trị Di sản văn hóa thế giới, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch… Nhiều chủ thể đã được khuyến khích tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội dân gian truyền thống. Hệ thống truyền thanh truyền hình, thư viện, bảo tàng được quan tâm đầu tư, trở thành những kênh thông tin hữu ích đối với người dân địa phương.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP đã thể hiện sự trântrọng và đánh giá cao những cống hiến của đội ngũ cán bộ ngành VHTT Hội An trong 70 năm qua. Chủ tịch UBND thành phố tin tưởng rằng, trong thời gian đến, ngành VHTT Hội An kế thừa và phát huy truyền thống của ngành, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng lòng yêu nước, tạo sự chuyển biến rõ rệt về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tình cảm và năng lực, trí tuệ của con người Hội An; xây dựng con người văn hóa, nếp sống văn hóa và môi trường văn hóa xã hội lành mạnh. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người về việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các danh thắng, di tích lịch sử cách mạng tại địa phương.

Giao lưu thể thao bóng chuyền giữa các đơn vị- Ảnh: Lê Hiền

Dịp này, các đơn vị đã dâng hoa, viếng hương nghĩa trang liệt sĩ thành phố; thăm, viếng các đồng chí nguyên là lãnh đạo và cán bộ của ngành; đồng thời tổ chức các hoạt động TDTT như thi đấu bóng chuyền, cầu lông, bi lắc nhằm giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian đến.                            

Lê Hiền

Hướng về cơ sở, gần dân để thực hiện Nghị quyết của Đảng

Như  vậy là đã gần 1 tháng kể từ khi Đại hội Đảng bộ thành phố Hội An lần thứ 17 kết thúc thành công, cả hệ thống chính trị trên địa bàn đã và đang từng bước triển khai các biện pháp cần thiết để đưaNghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Ngay sau đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 17, Đảng ủy phường Minh An tổ chức buổi gặp mặt thông báo nhanh kết quả Đại hội đến toàn thể cán bộ, đảng viên của phường. Động thái “đi sớm” một bước này được Thành ủy đánh giá rất cao, bởi Minh An đã đáp ứng “trúng” nhu cầu nắm tình hình “thời sự” về Đại hội Đảng bộ thành phố của cán bộ đảng viên. Ông Nguyễn Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy phường chia sẻ: “Trên cơ sở những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, chúng tôi thông tin nhanh đến toàn thể cán bộ đảng viên để mọi người nắm bắt kết quả cũng như phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Đại hội đại biểu Thành đảng bộ đề ra trong nhiệm kỳ mới. Ngoài các nội dung có tính chất bao quát toàn thành phố, chúng tôi rút ra những nội dung trọng tâm mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân Minh An cần thực hiện, giúp tất cả các cán bộ, đảng viên nhất quán nhận thức và hành động,cùng hướng đến mục tiêu đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Với Minh An, Cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm việc điều chỉnh phân vùng theo tinh thần Nghị quyết đại hội lần thứ 17. Khu vực phố cổ tiếp tục được xác định là trung tâm của khu vực đô thị. Vì vậy, chúng tôi quán triệt ngay để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ trách nhiệm bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy tối ưu các giá trị của khu phố cổ, làm sao đó để mỗi người đều nhận thức sâu sắc rằng, khu phố cổ là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế xã hội thành phố và địa phương. Từ đó phát huy vai trò là chủ nhân trực tiếp quản lý, sử dụng di tích, chấp hành tốt các quy chế xây dựng, trùng tu trong khu phố cổ, đồng thuận và tự giác chấp hành các quy chế sản xuất kinh doanh, trưng bày hàng hóa, tạo sự thông thoáng văn minh thân thiện để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của phố cổ Hội An… Sắp đến, UBMTTQ phường cũng sẽ tổ chức thông tin tại từng khu dân cư để mọi người dân có thể nắm bắt kết quả và tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 vừa qua”.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17,khu vực phố cổ tiếp tục được xác định là trung tâm của khu vực đô thị- Ảnh: Lê Hiền

Định hướng các hoạt động nhằm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP vào cuộc sống, mới đây, Thành ủy cũng đã có văn bản chỉ đạo 12 xã phường còn lại và các cơ quan đơn vị tiếp tục tổ chức thông báo đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân kết quả Đại hội và các nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17. Ông Trần Trung Sơn, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy nói: Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 đã thông qua rồi. Bây giờ làm thế nào để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, vấn đề cực kỳ quan trọng là chúng ta phải gần dân, sát dân, phải hiểu dân. Mà muốn như vậy chúng ta phải sát cơ sở, thậm chí giải quyết từng việc nhỏ, những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Ví dụ như đền bù giải tỏa, nếu mà chúng ta biết phát huy, làm tốt, đi trước thì tư tưởng của dân đã thông, nắm được chủ trương đường lối, người ta sẵn sàng thực hiện tốt chủ trương đó. Do đó, các đảng ủy, các đảng bộ từ xã phường đến cơ quan đơn vị phải thông báo nhanh đến toàn thể cán bộ đảng viên quần chúng nhân dân hiểu và nắm bắt thành công của Đại hội. Chúng ta có gần 4 nghìn đảng viên nhưng vừa rồi chúng ta có hơn 300 đảng viên trực tiếp dự Đại hội. Dù đã làm động tác truyền thanh trực tiếp nhưng chưa đủ, cần phải có động thái tiếp theo, đó là phải thông báo nhanh, kịp thời kết quả đại hội. Sau đó sẽ có kế hoạch cụ thể về công tác tuyên truyền quán triệt các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu mà đại hội Đảng bộ đã đề ra”.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, phương hướng chung của Hội An trong 5 năm đến là: “Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội; huy động và sử dựng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa; không ngừng đổi mới tư duy trên tất cả các lĩnh vực, tranh thủ thời cơ, chuẩn bị cơ sở vật chất, chủ động hội nhập, tiếp tục xây dựng Hội An phát triển bền vững theo định hướng thành phố sinh thái văn hóa, du lịch”

Tập trung giải quyết tốt các vấn đề bức xúc ở cơ sở để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17- Ảnh: Lê Hiền

Theo phương hướng này, Hội An xem văn hóa và con người là nhân tố trung tâm, quyết định quá trình phát triển. Cơ cấu kinh tế tiếp tục được xác định là dịch vụ, du lịch, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp, nông ngư nghiệp. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 11% – 12% /năm. Riêng đối với du lịch, nhiệm kỳ này, Hội An phấn đấu đón khoảng 11,8 triệu lượt khách, tổng ngày khách lưu trú tăng bình quân 8,86%/ năm. Cùng với đó, thành phố cũng phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản về thu nhập bình quân đầu người, giá trị xuất khẩu, tổng thu – chi ngân sách nhà nước đều tăng mức bình quân so với nhiệm kỳ trước. Các chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, dân sinh cũng được mở rộng, tăng thêm. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 đạt 90% trạm y tế xã phường có bác sỹ luân phiên đến khám, chữa bệnh, 95% dân số có bảo hiểm y tế, 90% dân số được đáp ứng về nước sạch, rác thải, nước thải qua xử lý, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm xuống dưới 1%… Kế thừa kết quả đạt được trong nhiệm kỳ trước, 5 năm đến Hội An sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 khâu đột phá: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng công tác cán bộ; xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ.

Trong nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Hội An xác định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội, chăm lo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo phát triển bền vững thành phố. Song hành với việc đảm bảo quốc phòng, ổn định an ninh chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội, Hội An sẽ tăng cường công tác liên kết, hợp tác, đối ngoại, phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân… Chỉ tiêu và các giải pháp cụ thể đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 đề cập sát thực, toàn diện. Song, để thực hiện, theo lãnh đạo thành phố, trước mắt cả hệ thống chính trị cần thay đổi phương pháp làm việc, trên tinh thần tập trung hướng mạnh về cơ sở, giải quyết công việc ngay tại tuyến cơ sở, không giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân từ bàn giấy văn phòng. Quan điểm này được ông Kiều Cư, Bí thư Thành ủy khẳng định rõ: “Sau đại hội nhiệm vụ sẽ rất là nặng nề. Trước hết xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 17 vừa qua. Làm sao đó nghị quyết phải thực sự đi sâu vào trong lòng, trong nhận thức, trong tâm tư tình cảm mọi cán bộ đảng viên và nhân dân của thành phố. Trong đó có nhiều vấn đề. Trước hết chúng ta phải thay đổi về phương pháp, phong cách, chúng ta phải tăng cường sâu sát cơ sở, tất cả phải hướng về cơ sở, kể cả các ngành, các cấp.  Nay ở cơ sở còn nhiều nổi cộm. Đặc biệt là đền bù giải tỏa, hiện nay vẫn là nơi còn nóng bỏng nhất. Thế thì công việc đầu tiên là phải bắt tay vào giải quyết ngay, dứt điểm đi, chứ không lẽ nào hiện nay vẫn còn trên 100 hộ vẫn ở nhà tạm. Ngay bây giờ phải giải quyết rốt ráo việc này,  không quá tháng 9. Không có lý do gì chúng ta để cho dân ở nhà tạm bốn năm năm nay, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Cho nên chúng ta phải quyết liệt. Mà muốn vậy chúng ta phải hướng mạnh về cơ sở, tập trung cho cơ sở”.

Như vậy có thể thấy, chủ trương hướng về cơ sở, giải quyết công việc ngay từ phía cơ sở là phương pháp tuy không mới nhưng được lãnh đạo thành phố chủ trương kiên quyết chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ mới này. Hy vọng rằng, với quan điểm, cách làm nhất quán nêu trên, tất cả các ban ngành đoàn thể từ thành phố đến xã phường sẽ gần dân, hiểu dân hơn, kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề bức xúc, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17 đề ra.

Lê Hiền

 

Tâm nguyện của một Ni sư

Ni trưởng Thích nữ Ánh Liên, trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu ở Phường Cẩm Châu, thành phố Hội An tên là Huỳnh Thị Bé, pháp danh có lẽ là vẻ đẹp sáng trong của hoa sen. Một cách tự nhiên như hương hoa, những việc làm vì cộng đồng của Ni Trưởng cũng bình dị mà lan tỏa.

Thử hỏi một Phật tử thường lui tới Tịnh xá Ngọc Châu mới hay, mỗi buổi học Phật pháp, Ni trưởng thường lấy lời cụ thể, gần gũi, thiết thân với cuộc sống hằng ngày để truyền tải. Lời Phật dạy hẳn thấy ở trên đời trong từng sinh hoạt thường nhật. Vì vậy, mỗi người đều phải có trách nhiệm với mình và mọi người, trách nhiệm đó có thể là một bữa cơm, một việc làm, một món quà hay chỉ là một nụ cười dành cho người khác.

Một Phật tử nói: “Tôi cảm thấy bình yên và hạnh phúc khi được nghe giảng và cùng tham gia các hoạt động từ thiện với trụ trì”

Thường ngày, nhiều người đã đến Tịnh xá để được học cách yêu thương, được chia sẻ buồn vui qua những lời tâm tình trực tiếp từ vị trụ trì. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết trong Tịnh xá đã “Nuôi heo đất lòng vàng” từ nhiều năm qua.

Đó là một phong trào khá thiết thực và hiệu quả của phụ nữ địa phương do Ni trưởng đứng ra vận động trong chùa bằng việc làm cụ thể. Mỗi lần đi lễ, các tăng ni, Phật tử tiết kiệm từ 1.000 đến 2.000 bó vào heo đất. Tích tiểu thành đa, tiền quyên góp lâu dần có thể hỗ trợ chị em phụ nữ gặp khó khăn, hoạn nạn và đóng góp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình phụ nữ nghèo khó. Với sự hưởng ứng nhiệt, mỗi dịp đập heo đất, số tiền ủng hộ tuy không nhiều nhưng cũng đủ để vài gia định trang trải miếng cơm, manh áo, có vốn để buôn bán, làm ăn.

 

 

Những hình ảnh về Ni sư trong chuyến đi từ thiện- Ảnh: Quốc Hải

Không chỉ có vậy, hằng năm, Ni trưởng thường vận động các nhà hảo tâm ở thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ từ 200 đến 300 hộ gia đình khó khăn ở thành phố Hội An và các huyện miền núi Quảng Nam đủ điều kiện vui xuân đón tết, bình quân mỗi suất quà cũng từ 300 đến 400 nghìn đồng.

Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Thành phố – Trần Thị Thu Hòa cho biết: “Hội rất vinh dự khi có Ni trưởng là Ủy viên Ban chấp hành. Ni trưởng bao giờ cũng tích cực, nhiệt tình làm tốt vai trò và tham gia vào các phong trào từ thiện. Nhiều chương trình không có trong kế hoạch công tác Hội nhưng vẫn được Ni trưởng đề xuất và trực tiếp vận động thực hiện. Đơn cử như kế hoạch đi thăm và ủng hộ bà con các huyện miền núi Quảng Nam khó khăn không có trong chương trình công tác năm 2015 nhưng Ni sư vẫn đề xuất và vận động kinh phí, quà tặng từ nhiều nguồn để thăm cho kỳ được.”

Cùng với hàng ngàn món quà, phần gạo dành cho phụ nữ, trẻ em nghèo trong thành phố Hội An, 5 năm qua, Ni trưởng và các tăng ni, Phật tử đã cùng Hội Liên Hiệp Phụ Nữ thành phố thực hiện nhiều chuyến công tác về với các huyện miền núi xa xôi ở huyện Đông Giang, Tây Giang để tặng quà bà con khó khăn.

Trực tiếp đi thăm, Ni sư chẳng ngại vất vả, đường xá xa xôi; đầu đội mũ len, áo khoác đơn sơ bên ngoài y tu. Vị nữ tu tuổi không còn trẻ ngồi trong ca-bin hay trên thùng xe tải, miệng lúc nào cũng nở nụ cười hiền chừng đã trở thành hình ảnh thân quen của phụ nữ và trẻ em nghèo xã Bhalê hay các thôn A Đâu, A Lua – xã Giang,… huyện Tây Giang.

Hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn suất gạo, phần quà hỗ trợ đã đến tận tay người nhận. Như dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội 20.10.2012, đoàn công tác đã tặng 100 suất quà với tổng giá trị gần 100 triệu đồng cho bà con xã Bhalê. Hay tin bà con nhiều nơi bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 11, Ni Trưởng đã vận động Phật tử, tăng ni ở thành phố Hồ Chí Minh và sinh viên nước ngoài hỗ trợ 400 suất quà cho một số xã phường tại Hội An và 200 suất cho nhân dân các huyện Quảng Trạch, Quảng Sơn, tỉnh Quảng Bình,…

Ni trưởng thường tâm niệm, Phật tử cũng là công dân, vì vậy phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Và mỗi ngày, được chia sẻ với mọi người là niềm hạnh phúc. Khi cólòng vị tha, từ bi hỷ xả thì hạnh phúc sẽ đến với mình.

Với những hoạt động xã hội của mình, Ni trưởng Thích nữ Ánh Liên luôn được cộng đồng tôn trọng. Thành ủy, UBND thành phố và các ban ngành ở Hội An đã nhiều lần tôn vinh những nghĩa cử của Ni trưởng; Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã tuyên dương là tấm gương tiêu biểu trong việc “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 

Bà Trần Thị Thu Hòa – Phó Chủ Tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ thành phố nói thêm: “Những việc làm của Ni trưởng rất đáng trân trọng, được gần Ni trưởng lúc  nào cũng cảm thấy chân tình và bình an.”

Những ngày này, kinh nhật tụng mùa an cư tháng Bảy vẳng xa khiến khung cảnh phố xá trở nên thanh bình đến lạ. Đó cũng là dịp để chúng tôi nhìn thấy, cảm phục và quý mến vị trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu – Thích nữ Ánh Liên an nhiên cùng Phật tử thực hiện tâm nguyện bằng những việc làm bình dị, ý nghĩa./.

Quốc Hải

Tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia Dân số SKSS – KHH GĐ giai đoạn 2011 – 2015

Chiều qua (21/8), ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố đã chủ trì hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia dân số sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình và kế hoạch hành động về Dân số sức khỏe sinh sản thành phố Hội An giai đoạn 2011 – 2015.

Ông Nguyễn Văn Sơn chủ trì Hội nghị- Ảnh: Lê Hiền

5 năm qua, công tác dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ở Hội An đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo đầy đủ các nội dung chương trình mục tiêu Quốc gia.

Quang cảnh Hội nghị- Ảnh: Lê Hiền

Thành phố đã tổ chức linh hoạt công tác truyền thông chuyển đổi hành vi, đảm bảo hậu cần dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn… Nhờ đó, nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về công tác dân số chuyển biến tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ suất sinh thô, tỷ lệ gia tăng dân dố tự nhiên được duy trì ở mức hợp lý; chất lượng dân số được nâng lên. Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được củng cố và phát triển; sức khỏe sinh sản của người dân từng bước được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, thành phố đã thực hiện hiệu quả đề án kiểm soát dân số vùng biển đảo, từ chỗ chỉ chọn thực thực hiện mô hình thí điểm tại xã Cẩm Thanh, đến năm 2015, Hội An đã nhân rộng thực hiện tại 9 xã phường khác. Các địa phương đã tổ chức khám, siêu âm, xét nghiệm viêm gan B cho gần 700 phụ nữ, cấp trên 21 ngàn viên sắt, kết hợp tuyên truyền tư vấn sàng lọc trước sinh, sơ sinh, sức khỏe sinh sản cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thu hút sự chú ý của nhiều người dân về công tác DS – KHHGĐ. Việc hỗ trợ phòng chống bệnh lây qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn cũng được triển khai trên diện rộng. 5 năm qua, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm bình quân 2,4%, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75%. Hằng năm có hơn 5.000 cặp vợ chồng lựa chọn sử dụng các biện pháp tránh thai mới. Qua công tác phối hợp, các tổ chức như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên và các xã phường đã có nhiều mô hình hay, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của hội viên, cùng thực hiện công tác dân số, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Các tập thể cá nhân được khen thưởng- Ảnh: Lê Hiền

Dịp này, UBND TP đã khen thưởng 7 tập thể và 17 cá nhân có thành tích trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia dân số, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; đồng thời triển khai phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016 -2020.

Lê Hiền

Ghe bầu xứ Quảng

Ghe bầu là những chiếc “thuyền bay trên biển”, làm nên sự sôi động cho ngành thương mại của cha ông ở Hội An – xứ Quảng thuở trước…

1. Không phải ngẫu nhiên mà tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An (số 80 Trần Phú), ngay trước cửa ra vào, du khách đã có thể nhìn thấy mô hình chiếc ghe bầu do nghệ nhân Huỳnh Ry – Kim Bồng thực hiện.

Tại bảo tàng đang trưng bày gần 500 hiện vật gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc Trung Cận Đông, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam…, niên đại từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIX. Hầu hết hiện vật là minh chứng cho vai trò quan trọng của thương cảng Hội An trong mạng lưới mậu dịch gốm sứ hay “con đường tơ lụa” trên biển vào các thế kỷ trước, khi Hội An còn là tụ điểm giao lưu thương mại của các thương thuyền Đông – Tây Á – Âu.

Ông Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: “Ghe bầu là biểu tượng sinh động một thời phồn thịnh của đô thị thương cảng cổ xưa. Theo các nhà nghiên cứu, ngoài các bến dọc dài bãi biển miền Trung, những cánh buồm no gió của ghe bầu đã “bay” từ Kẻ Chợ, Thăng Long ở Bắc kỳ; Đồng Nai, Gia Định ở Nam kỳ đến tận Nam Vang – Campuchia và các quốc gia khu vực Đông Nam Á”.

Đến Hội An vào thế kỷ XVII, Thích Đại Sán, một thiền sư Trung Hoa đã mô tả thương cảng Hội An với “cột buồm như rừng tên xúm xít”. Còn Nguyễn Tuân cũng đã khắc họa vào đầu thế kỷ XX rằng: “Trên mặt sông thực là một cái rừng cột thuyền buồm, mành ghe chi chít dây lèo buồm, dây thừng…”.

Những năm 1930 – 1940, người ta vẫn thấy từng đoàn ghe bầu của các vạn Thanh Châu, Cẩm Phô, Thanh Hà, Sơn Phô, Bàn Thạch, Duy Vinh… giong buồm ra khơi để thực hiện những chuyến hải trình dài ngày. Hàng hóa là sản vật tại chỗ như cau, quế, nón, đường, đồ tre nan, gốm, lâm thổ sản, hải sản… và chở về gạo, muối, lá đệm, đồ sứ… Theo tư liệu hồi cố, vào những năm này, các vạn ghe bầu Hội An có hơn 120 chiếc với trọng tải từ 40 đến 100 tấn mỗi ghe, bình quân mỗi năm, đoàn “thuyền bay” này đã chở gần 34 nghìn tấn hàng hóa các loại.

Đạt được “kỳ tích” đó là nhờ ghe bầu thuộc loại thuyền buồm, đi lại bằng sức gió là chính. Dáng bụng bầu tròn chứa được nhiều hàng hóa. Lái và mũi đều cơ động dễ dàng. Ghe có ba cột với cánh buồm lớn đơn giản, cuốn lại hoặc giương lên đều dễ. Đặc biệt, một tính năng “vượt trội” mà các loại thuyền của phương Tây và cả các nước trong khu vực “không thể sánh được” là khả năng chạy ngược gió nhờ kỹ thuật “chạy vát”.

2. Những làng nghề mộc thủ công truyền thống nổi tiếng nằm cạnh phố cổ Hội An như Trà Quân, Trà Nhiêu, Kim Bồng… từng một thời rộn ràng với các trại đóng ghe bầu.

Thuyền đóng theo mô hình ghe bầu phục vụ du lịch ở Hội An- Ảnh: Quốc Hải

Hôm nay, về lại Kim Bồng, những chiếc “thuyền bay” ấy không còn được đóng nữa nhưng với những người thợ tuổi đời còn khá trẻ, niềm tự hào về nghề của cha ông vẫn còn như nguyên vẹn. Anh Phan Nhu – một chủ cơ sở đóng sửa tàu thuyền nói: “Nhiều kỹ thuật đóng thuyền bây giờ vẫn được chúng tôi kế tục. Dù máy móc bây giờ hiện đại, làm nhanh hơn nhưng kỹ thuật thì không thể khác được. Tôi nghe cha nói làng mình nổi danh từ trước cũng nhờ đóng ghe bầu”. Còn với người thợ cả Đỗ Tài, gần 70 năm gắn bó với nghề đóng sửa tàu thuyền, kinh nghiệm đóng ghe bầu của các thế hệ nghệ nhân đi trước giờ chỉ còn là ký ức xa mờ nhưng vô cùng quý giá. Ông Tài cho biết: “Hồi nớ làng trên, làng dưới, có đến 4 trại đóng tàu với cả trăm thợ ngày đêm ghè đục. Hồi nhỏ, trèo lên cột khoan lỗ dây kéo buồm, tới trưa gió mát quá tôi nằm ngủ luôn trên nớ. Chừ cái nhớ, cái quên chứ nội chuyện khoan cái lỗ bằng khoan tay thôi cũng mất mấy ngày”.

Thời gian chừng đã khiến bao lớp người không khỏi ưu tư. Và khi hết vai trò lịch sử, những chiếc ghe bầu phóng dật cùng những phận người trên biển thuở ấy phải nhường chỗ cho các phương tiện vận tải có tính năng vượt trội hơn hẵn.

Dẫu đã từng xuôi ngược tận những ngọn nguồn, vui cùng những ngọn hải đăng với cánh hải âu xa tắp, hơn nửa thế kỷ qua, những đoàn ghe bầu phố Hội và các miền quê xứ Quảng đã vắng bóng.

Một nhà thơ, từng ngậm ngùi:

“Những chiếc ghe bầu một đời không sinh nở, nằm úp mặt chờ sông…”.

3. Thời gian trước và sau ngày giải phóng, một số nhà nghiên cứu trong và ngoài địa phương đã bước đầu giới thiệu về ghe bầu với mục đích giữ gìn những tri thức dân gian quý báu từ nghề buôn và đóng ghe bầu truyền thống này.

Đến năm 2011, dưới sự bảo trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, một công trình nghiên cứu chuyên sâu về “Ghe bầu trong đời sống văn hóa ở Hội An – Quảng Nam” đã được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An xuất bản với cái nhìn khá đầy đủ về nguồn gốc, tên gọi, đặc điểm, hình dáng, cấu trúc cũng như vai trò của ghe bầu phố Hội trong đời sống văn hóa địa phương.

Ông Trần Văn An cho biết: “Những năm trước, tại các làng quê sông nước Cửa Đại, Cẩm Thanh, nhiều ngư dân đã phát hiện vào trục vớt một số chiếc ghe bầu hay vài chi tiết cấu trúc của ghe bầu dưới lòng sông Cổ Cò, Thu Bồn. Và thật mừng, hình bóng của những chuyến ghe bầu xưa cũ cũng đã dần dần xuất hiện trở lại trên sông Hoài, phố Hội thông qua một số ghe thuyền được đóng theo mô hình. Thậm chí, một số người vì đam mê hay gia đình có ông bà từng theo nghề buôn bằng ghe bầu thuở trước đã cất công tìm kiếm và mua lại những chiếc ghe bầu, thuyền rớ ở khắp nơi trên xứ Quảng”.

Bảy năm rồi, anh Trần Đại lặn lội từ Cửa Đại, Trung Phường qua chợ Bà rồi ngược lên Câu Lâu tìm mua cho được 3 chiếc ghe bầu cũ với giá gần cả trăm triệu đồng. Có người bảo anh “khùng”. Nhưng khi tiếng đàn ghi ta chiều nào cũng vang vọng trên khúc sông Hoài từ những chiếc ghe bầu phục vụ du khách, người ta mới thấy cái “khùng” của anh đáng phải suy ngẫm. Anh Đại chia sẻ: “Ông ngoại tôi kể, tài sản được chia cho ông bà khi lấy nhau là một chiếc ghe bầu. Những mùa cắm sào bến chợ, tôi vẫn còn nghe tiếng bà ru trong nhịp đưa sóng nước. Chừ tôi mua lại ghe bầu về phục vụ du lịch, mừng là du khách rất thích!”.

Trên khúc sông Hoài gần cầu An Hội, chiều nào bến nước cũng dập dìu thi tứ trong tiếng đàn ghi ta từ ghe bầu, thuyền rớ du lịch của anh Đại. Du khách đến với phố cổ Hội An hôm nay cũng có thể du ngoạn trên sông nước bằng chuyến thuyền buồm do Trung tâm VH-TT Hội An tổ chức.

Trần Đại với chiếc ghe bầu tại sông Hoài- Ảnh: Quốc Hải

Mỗi lần bước xuống ghe bầu, bạn sẽ cảm nhận cái chòng chành của thời gian và cả những dấu ấn khó phai mờ về một thời mở cửa giao lưu buôn bán trên biển Đông của các thế hệ cha ông thuở trước.

Chính những dấu ấn xưa cũ ấy đã và đang làm nên nhiều giá trị của phố. Và với niềm hoài nhớ, người phố Hội chừng còn thổn thức với nhịp điệu rộn ràng của bến xưa phố cũ, nơi mà những chuyến ghe bầu cùng với dòng sông đã chở nặng phù sa bồi đắp nên những làng quê trù mật.

Quốc Hải

Sơ kết công tác xây dựng LL dự bị động viên giai đoạn 2010 – 2015

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND thành phố vừa chủ trì hội nghị sơ kết công tác xây dựng đơn vị dự bị động viên, lực lượng dự bị động viên giai đoạn 2010 – 2015 và tổng kết công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2015.

Quang cảnh Hội nghị- Ảnh: Lê Hiền

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 5 năm qua, công tác động viên quân đội của thành phố nói chung và xây dựng đơn vị dự bị động viên, lực lượng dự bị động viên nói riêng cơ bản đạt hiệu quả cao. Thêm vào đó, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác động viên quân đội ngày càng được nâng cao. Thành phố đã tổ chức đăng ký quân nhân dự bị chặt chẽ, thống nhất, với gần 8.500 người. Việc điều tra xác định phương tiện kỹ thuật được tổ chức đúng quy định, nề nếp, đảm bảo chất lượng. 5 năm qua, thành phố đã biên chế, sắp xếp quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật vào các đơn vị dự bị động viên đạt trên 98%. Việc tổ chức huấn luyện quân nhân dự bị được thực hiện thường xuyên, theo định kỳ hàng năm, qua đó nâng cao bản lĩnh, tinh thần, trách nhiệm của lực lượng dự bị động viên, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các cá nhân tập thể được khen thưởng- Ảnh: Lê Hiền

Riêng trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, thành phố làm đúng quy trình, đảm bảo đầy đủ vật chất, phương tiện, tuyển chọn và bàn giao đạt 100% chỉ tiêu trên giao.

Dịp này, UBND Thành phố đã khen thưởng 10 cá nhân và 7 tập thể gồm: Phòng Y tế, Trung tâm VHTT, Ban Chỉ huy Quân sự, nhân dân và cán bộ các xã phường Thanh Hà, Cẩm Châu, Cẩm Nam, Cửa Đại đã có thành tích trong công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ. Ban Chỉ huy Quân sự thành phố cũng khen thưởng 2 tập thể và 4 cá nhân có thành tích trong công tác tuyển quân năm 2015.

Lê Hiền

Hội An: Điều chỉnh phân vùng phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã quyết định điều chỉnh phân vùng phát triển Hội An thành 3 khu vực gồm: đô thị, biển – đảo và làng quê.

Thực tế, đây là sự kế thừa và phát huy từ định hướng phân vùng phát triển đã được xác định từ Đại hội XVI. Trước đây, với sự đầu tư đúng hướng, sự chỉ đạo linh hoạt và kịp thời, vai trò của 5 tiểu vùng kinh tế – xã hội của thành phố thể hiện khá rõ nét. Khu vực đô thị trung tâm tiếp tục giữ vai trò trọng điểm về phát triển kinh tế dịch vụ; hạ tầng đô thị được đầu tư ngày càng hoàn thiện hơn, mở ra không gian phát triển mới của thành phố. Khu vực đô thị cận trung tâm tiếp tục định hình về mặt đô thị theo hướng phát triển công nghiệp sạch, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp sinh thái. Khu vực đô thị bờ biển – ven sông được quy hoạch và từng bước hình thành các khu dân cư mới theo hướng đô thị dịch vụ, phát triển kinh tế biển. Khu vực làng quê đã có những đổi thay đáng kể khi hạ tầng được tiếp tục đầu tư; đặc biệt việc xây dựng xã nông thôn mới ở Cẩm Thanh, Cẩm Hà gắn với chủ trương mở rộng không gian du lịch, phát triển làng nghề, nông nghiệp sạch đã mang lại hiệu quả tích cực. Khu vực Cù Lao Chàm – vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã có sự phát triển đột phá về du lịch, dịch vụ theo hướng gắn kết sinh thái – nhân văn.

Bảo vệ tài nguyên biển, rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái đảo Cù Lao Chàm- Ảnh: Đỗ Huấn

Đồng chí Trần Ánh – PBT thường trực Thành ủy cho biết một số thành tựu quan trọng là: trong 5 năm qua, thành phố đã xây dựng mới và nâng cấp hơn 43km đường với tổng kinh phí 672 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển gắn với du lịch được đầu tư nâng cấp. Một số khu du lịch, khu dân cư, khối hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ. Các công trình cấp thoát nước được chú trọng đầu tư. Hệ thống cây xanh được tăng cường. Mạng lưới điện, bưu chính viễn thông được phát triển ngày càng hoàn chỉnh và hiện đại

Theo điều chỉnh, 3 khu vực phát triển gồm: đô thị, biển – đảo, làng quê trong 5 năm tới phải bảo đảm đúng định hướng thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch, phát triển năng động, giàu bản sắc, hiện đại và bền vững. Khu vực đô thị lấy khu phố cổ làm trung tâm, gồm các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Tân An, Cẩm Châu, Cẩm Nam, Thanh Hà. Khu vực này cần bảo vệ nghiêm ngặt và phát huy tối ưu các giá trị của khu phố cổ, xác định khu phố cổ là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phó; phát triển Tân An, Thanh Hà trở thành những khu đô thị, dịch vụ, chất lượng, hiện đại; kết hợp các yếu tố đặc trưng về sản xuất nông nghiệp, sông nước, cồn bãi, xây dựng Cẩm Nam, Cẩm Châu phát triển theo hướng vừa đô thị vừa làng quê, tổ chức không gian đô thị hài hòa với thiên nhiên và đảm bảo phát triển bền vững. Từ thực tiễn phát triển của phường trung tâm có khu phố cổ, ông Nguyễn Văn Vinh – Bí thư Đảng ủy phường Minh An chia sẻ: “Cần nhận thức đúng đắn rằng, để phát triển Hội An thì cần phải giữ gìn nguyên vẹn khu phố cổ với tư cách là một bảo tàng sống thực sự những đồng thời phải có sự gắn kết vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và các khu vực làng quê của Hội An để tạo nên không gian phát triển rộng lớn hơn, bền vững hơn”.

Khu vực biển – đảo được xác định gồm có các phường Cửa Đại, Cẩm An và xã đảo Tân Hiệp, phát triển theo hướng bảo vệ bền vững môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự xâm thực biển ngày càng mạnh; tăng tỷ trong ngành dịch vụ, du lịch, giảm tỷ trọng nông – ngư nghiệp, phát triển du lịch sinh thái biển đảo. Đầu tư nâng cấp các bãi biển, bờ biển phục vụ du lịch; tranh thủ các nguồn lực, giải quyết căn bản hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng phát triển tuyến du lịch Cù Lao Chàm; hoàn thiện các khu dân cư, chỉnh trang đô thị ven biển, xây dựng khu dân cư sinh thái hải đảo Cù Lao Chàm và khai thác hợp lý tài nguyên biển đảo để phát triển.

Hiện nay, sản phẩm du lịch Cù Lao Chàm chỉ mới hình thành, chưa hoàn thiện, phát sinh nhiều vấn đề về quy mô, loại hình, không gian khai thác… vẫn còn nhiều hạn chế và giá trị thấp so với giá trị tài nguyên có thể khai thác được. Bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng Phòng TM-DL thành phố đề nghị: “Tiếp tục triển khai các chương trình bảo vệ tài nguyên biển, rừng, gắn với phát triển dịch vụ du lịch theo hướng du lịch sinh thái đảo. Nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch đảo nhằm thu hút, phát huy năng lực tại chỗ theo hướng bền vững. Nghiên cứu thu hút đầu tư các điểm tham quan, giới thiệu giá trị Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, các giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng nhằm làm phong phú tuyến tham quan và làm cơ sở tăng giá trị nguồn thu tham quan lâu dài…”.

Còn khu vực làng quê bao gồm các xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim được định hướng xây dựng các làng quê sông nước gắn với các ngành nghề truyền thống như sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làng nghề… trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Quy hoạch không gian phát triển, kiến trúc xây dựng đảm bảo phù hợp, không bị phá vỡ bởi tác động đô thị hóa, phát huy môi trường sinh thái – nhân văn để xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Bảo đảm cảnh quang sinh thái làng quê ở các xã- Ảnh: Đỗ Huấn

Điều chỉnh phân vùng phát triển Hội An thành 3 khu vực gồm: đô thị, biển đảo và làng quê là nhằm mục tiêu vừa bảo tồn nguyên trạng khu phố cổ – di sản văn hóa thế giới, vừa chỉnh trang mở rộng liên hoàn các khu đô thị sinh thái mới, các đô thị biển, các khu vực cảnh quan sinh thái làng quê. 

Đỗ Huấn

Hơn 99 tỷ đồng trùng tu 220 di tích trong khu phố cổ

Hơn 99 tỷ đồng là tổng kinh phí thành phố đã đầu tư trùng tu 220 di tích, bao gồm các hội quán, chùa, đình đền và các ngôi nhà cổ trong quần thể khu đô thị cổ Hội An hơn 15 năm qua. Nhờ vậy, thành phố đã duy trì và tạo nên sức sống của một khu đô thị cổ mang giá trị nổi bật toàn cầu. Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế (tiêu chí 2 của UNESCO) và là điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo (tiêu chí 5).

Nguồn kinh phí đầu tư trùng tu các di tích trong khu phố được huy động một phần từ bán vé tham quan- Ảnh: Đỗ Huấn

Nguồn kinh phí đầu tư này được huy động từ ngân sách nhà nước qua việc bán vé tham quan, nguồn lợi từ tài nguyên yến sào và phần đóng góp của các chủ sở hữu di tích.

Đỗ Huấn

Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An

Giấy phép trang TTĐT: Số 09/GP-Sở TTTT do Sở Thông tin &Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/12/2014

Số 01 A Hoàng Diệu - TP Hội An - Quảng Nam

ĐT: 0235 3861213 - Email: daittthhoian@gmail.com

Bản quyền thuộc về Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Thành phố Hội An. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Đài TT-TH Hội An (http://hoianrt.vn)

Thiết kế bởi: Đài TT - TH TP Hội An.