Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, TP.Hội An đang tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với du lịch, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, nhanh chóng ổn định đời sống người dân.
Là một thành phố có cơ cấu kinh tế du lịch là chủ lực và mũi nhọn nhưng năm 2021 vừa qua, Hội An đã chọn 12 sản phẩm cấp thành phố lập hồ sơ tham gia bình chọn và có đến 4 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh (trong tổng số 20 sản phẩm toàn tỉnh). Trong đó có 1 sản phẩm đạt giải B là bột ngũ cốc Mẹ Mít (cơ sở ngũ cốc Mẹ Mít, xã Cẩm Hà), 1 giải C là sốt thịt bò Pescarolo (của Công ty TNHH Bếp Gấu Trúc, xã Cẩm Thanh) và 2 giải khuyến khích là đèn tre để bàn đa năng (cơ sở TCMN Võ Tấn Tân, xã Cẩm Thanh), bộ bình hoa gốm trang trí tổ ong (cơ sở sản xuất gốm Sơn Thúy, phường Thanh Hà).

Theo Bà Nguyễn Thị Xuân Vui – Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố, đạt được kết quả đó là nhờ thành phố và các cơ sở đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ và thực hiện hiệu quả công tác khuyến công. “Nhờ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh và thành phố bố trí thì mới có điều kiện hỗ trợ cho các chủ cơ sở. Từ đó, các cơ sở đã chuyển hướng sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động, tăng doanh thu gấp đôi”, bà Vui nói.
Từ nguồn kinh phí khuyến công, các cơ sở sản xuất TTCN ở vùng nông thôn thành phố được hỗ trợ máy móc, thiết bị, hướng dẫn thực hiện bao bì, đăng ký nhãn hiệu… để nâng cao năng suất, sản lượng và doanh thu. Trong hoàn cảnh khó khăn và đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm qua, các cơ sở kinh doanh thương mại đã điều chỉnh mục tiêu kinh doanh, khai thác lợi thế công nghệ số, chuyển kinh doanh online phù hợp trong điều kiện dịch bệnh, đạt hiệu quả, nhất là kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa nâng cao sức khỏe. Một số cơ sở đã linh hoạt chuyển đổi sản xuất, thích ứng với thị trường, tạo ra một số sản phẩm mới mang tính đặc trưng của địa phương như: bột ăn dặm rau củ, bột ngũ cốc cao cấp của cơ sở ngũ cốc Mẹ Mít; trà hoa hồng, quật sấy dẻo của cơ sở Phúc Nguyễn; bộ bình hoa gốm trang trí tổ ong, bình gốm hoa nét Việt… đã mang lại hiệu quả khả quan. Chị Trần Thị Tuyết Nhung (cơ sở sản xuất gốm Sơn Thúy, phường Thanh Hà) chia sẻ, dường như khách du lịch tới làng gốm chủ yếu chỉ quan tâm tới trải nghiệm du lịch, các sản phẩm ở làng nghề chưa được nâng cao chất lượng. “Thực sự khả năng phát triển của làng nghề rất cao nhưng bị hạn chế vì quảng bá du lịch nhiều hơn là sản xuất và thương mại. Nên tôi mong được hỗ trợ, đầu tư sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm hơn”, chị Nhung mong muốn.

Với phương châm “thích ứng, linh hoạt, an toàn” trong tình hình mới nhằm ổn định đời sống, duy trì sản xuất kinh doanh của các cơ sở và phòng chống dịch hiệu quả, góp phần phục hồi kinh tế của thành phố, hiện nay TP.Hội An tiếp tục đầu tư hỗ trợ công tác khuyến công, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, tập trung hỗ trợ các cơ sở phát triển, chế biến đa dạng sản phẩm từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: rau, củ, quả, hải sản các loại, các ngành nghề sản xuất hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, các ngành nghề ưu tiên giải quyết nhiều lao động tại địa bàn… Trong đó, công tác xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ được chú trọng hơn để đảm bảo “đầu ra” cho sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân. Chị Nguyễn Thị Phúc (cơ sở sản xuất Phúc Nguyễn, xã Cẩm Hà) đề nghị: “Từ một cơ sở sản xuất nhỏ thì làm thế nào để tạo được uy tín trên thị trường. Chính những cơ sở, doanh nghiệp như Xanh Xanh shop, Quê Vườn là những nơi đưa sản phẩm của chúng tôi đến xa hơn, mọi người biết nhiều hơn. Tôi hy vọng các cấp lãnh đạo có thể tạo những “sân chơi” cho doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi có thể liên kết với những nơi bán hàng để tiếp cận nhiều hơn và giao dịch dễ hơn”.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid còn diễn biến phức tạp, thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động thương mại, bán hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm đặc trưng của Hội An. Trong đó đẩy mạnh việc tư vấn, kết nối, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm online. Để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tìm đầu ra cho sản phẩm, thành phố cũng phối hợp với các ngành liên quan ở tỉnh kết nối thương mại trực tuyến sản phẩm của Hội An với các đại lý phân phối trong và ngoài tỉnh. Ông Lê Quốc Việt – Ban quản lý HTX Dịch vụ – du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành, phường Cẩm An cho rằng, nếu có thể, thành phố nên xây dựng hay phát động chương trình gọi là “made in Hội An” hay là “sản phẩm của Hội An” để người dân ở gần, người dân Hội An, Đà Nẵng hoặc khách du lịch từ khắp nơi khi về dễ tìm mua các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm của vùng miền để làm quà, làm lưu niệm. “Khi phát động chương trình hoặc phong trào gọi là “made in Hội An” thì vừa dễ xây dựng dược thương hiệu sản phẩm Hội An vừa dễ quảng bá, khuyến khích khách du lịch đến đây mua và tiêu thụ những sản phẩm như vậy”, ông Việt trao đổi.
Với những tâm huyết, chia sẻ, đề xuất của các chủ cơ sở sản xuất, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch, kinh doanh sản phẩm OCOP để đưa các sản phẩm mới, các sản phẩm đặc trưng của Hội An, các sản phẩm CNNT tiêu biểu, đảm bảo chất lượng có thêm kênh tiêu thụ. Ngoài các cửa hàng bán hàng đặc hữu của địa phương luôn được củng cố, mở rộng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh và các vùng miền cả nước như Xanh Xanh shop, “Ngôi nhà OCOP Hội An” (OCOP House Hội An), năm nay TP.Hội An sẽ phát triển thêm từ 1 – 2 điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm mới; duy trì và mở rộng không gian hoạt động các chợ phiên sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề… gắn với du lịch; đồng thời xúc tiến việc xây dựng 1 trung tâm OCOP cấp vùng của quốc gia để qua đó khai thác hiệu quả thị trường tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.
ĐỖ HUẤN