Truyền thêm cảm hứng bảo tồn và phát huy nghề gốm Thanh Hà – Hội An

Những ngày qua, hàng nghìn người dân và du khách đã tụ hội về làng gốm truyền thống Thanh Hà – Hội An để tham dự lễ giỗ Tổ (mồng 10 tháng 7) và các hoạt động cộng đồng mang đậm bản sắc của một làng nghề có lịch sử hình thành đã 500 năm qua.

Đông đảo lãnh đạo và nhân dân đến dự Lễ giỗ Tổ nghề gốm Thanh hà năm 2022

Với nghi thức truyền thống, lễ giỗ Tổ được tổ chức trang nghiêm với các lễ rước kiệu Tổ nghề từ khu miếu Thanh Chiếm về khu miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu, sau đó là phần tế lễ, dâng hương tri ân các thế hệ cha ông đã dựng làng lập ấp, gìn giữ, lưu truyền nghề gốm truyền thống và cầu mong quê hương bình an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Công bố và đón nhận danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nghề gốm Thanh Hà – Tp.Hội An”

Cụ Nguyễn Lành – 91 tuổi – Nghệ nhân làng gốm truyền thống Thanh Hà – Tp. Hội An, chi sẻ: “Năm ni tổ chức là quá sáng sủa, có lễ, có hội. Trải qua những cái cực khổ rồi, thấy ấm no, sung sướng”.
Giỗ Tổ nghề gốm Thanh Hà năm nay, ngoài phần lễ còn có phần hội. Bên cạnh các không gian trưng bày, chế tác các sản phẩm gốm, những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa làng nghề như đua thuyền truyền thống trên sông, thi chuốt gốm, thi nặn con thổi, thi đập nồi, nấu cơm niêu, hô hát bài chòi, … thu hút không chỉ bà con làng nghề mà cả cộng đồng trong và ngoài thành phố tham gia.
“Sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch, năm nay địa phương tổ chức lại các hoạt động giỗ Tổ. Ngay khi triển khai kế hoạch thì bà con làng nghề, đặc biệt là các nghệ nhân rất hào hứng. Việc thứ 2 cũng rất tự hào là năm 2019, Bộ VH-TT&DL đã quyết định công nhận làng gốm truyền thống Thanh Hà là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, thể hiện truyền thống bề dày văn hoá trong việc giữ gìn một làng nghề mà các bậc tiền nhân đã lưu truyền. Việc thứ 3, sau khi dịch bệnh bình thường thì du khách đã quay lại làng gốm, tạo khí thế, sinh khí mới cho bà con làng nghề” – Ông Nguyễn Văn Nhật – Chủ tịch UBND phường Thanh Hà, Tp. Hội An, cho biết.

Chế tác sản phẩm gốm

Từ đầu năm 2022 đến nay, du khách đã trở lại với làng gốm Thanh Hà, 6 tháng đầu năm đón 14 nghìn lượt khách, trong đó có 3.500 lượt khách quốc tế. Riêng từ tháng 6 đến nay, lượt khách đến tiếp tục tăng, mỗi ngày có khoảng 350 lượt khách mua vé tham quan trải nghiệm, trong đó chủ yếu là khách Việt Nam và Hàn Quốc. Điều mà du khách thích thú khi đến làng gốm Thanh Hà chính là việc làng nghề vẫn bảo lưu nguyên vẹn phương thức sản xuất truyền thống gắn với sự sáng tạo mới, thích ứng với thị hiếu hiện đại.
Thạc sĩ Phùng Tấn Đông – Nhà nghiên cứu văn hoá Hội An đã trao đổi về sự trao truyền kinh nghiệm sản xuất của người làng gốm Thanh Hà, như sau: “Truyền thống của nghệ nhân làng gốm Thanh Hà lúc nào cũng âm ỉ và tồn tại; kinh nghiệm tay nghề trong nội bộ các nghệ nhân trao truyền rất mạnh. Có thể nói thời kỳ nào làng gốm cũng sản sinh những nghệ nhân có tố chất đặc biệt, vừa kế thừa tài năng của cha ông, vừa cập nhật với yêu cầu thẩm mỹ của cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó, các nghệ nhân trẻ đã làm nên những sản phẩm phục vụ trang trí nội ngoại thất. Có thể nói, du lịch đã làm thăng hoa nghề gốm Thanh Hà và lớp nghệ nhân trẻ tiếp nối được nghề nghiệp của cha ông. Đó là điều đáng quý !”

Hội thi nặn con thổi
Hội thi chuốt gốm

Một sự kiện ý nghĩa, tiếp thêm động lực giữ nghề và phát triển bền vững làng nghề vừa diễn ra là lễ công bố danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nghề gốm Thanh Hà – Tp.Hội An”. Từ năm 2019, Bộ VH-TT&DL đã công nhận danh hiệu này, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên dịp giỗ Tổ nghề gốm năm nay mới tổ chức lễ trao bằng công nhận.
Với danh hiệu là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, làng gốm Thanh Hà đã và đang có những đóng góp quan trọng để Hội An tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO với chủ đề nghề thủ công và văn nghệ dân gian.

Chế tác và trưng bày sản phẩm gốm Thanh Hà


Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND Tp.Hội An, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng, làng gốm Thanh Hà sẽ đóng góp một vai trò cực kỳ quan trọng để tiếp nối mạch nguồn sáng tạo, tiếp nối nền tảng truyền thống, bản sắc để sáng tạo thêm những sản phẩm, thương hiệu mới. Mục tiêu cao cả của việc xây dựng thành phố sáng tạo là mọi làng xã, khu phố của Hội An, trong đó có làng gốm Thanh Hà sẽ là những làng quê thanh bình, nhân dân ấm no, làng gốm sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách.”
Có thể thấy, lễ hội giỗ Tổ và đón nhận danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” đang truyền cảm hứng để cư dân làng gốm truyền thống Thanh Hà – Hội An tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị văn hoá truyền thống, tiếp thêm động lực giữ nghề và phát triển làng nghề bền vững./.

QUỐC HẢI