Sau năm du lịch Quốc gia…

Năm du lịch Quốc gia Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh vừa qua là dịp để Quảng Nam nói chung, đặc biệt là thành phố Hội An nói riêng có nhiều cơ hội mới, phát triển kinh tế văn hóa xã hội, trong đó ngành du lịch là mũi nhọn.

Không gian con đường nghệ thuật và sáng tạo

Năm du lịch quốc gia với chủ đề: Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh đã diễn ra xuyên suốt năm 2022, với hàng loạt các sự kiện, hoạt động lớn, nổi bật và tiêu biểu, trong đó tập trung nhiều nhất là ở địa bàn thành phố Hội An.
Đón nhận sự kiện này trong vai trò là tâm điểm, Hội An đã xây dựng kế hoạch bài bản và tổ chức thực hiện hiệu quả, chu đáo, tạo dấu ấn đậm nét, một lần nữa khẳng định đẳng cấp, tầm cỡ của một thành phố có cách thức tổ chức sự kiện đầy tính chuyện nghiệp, sáng tạo và bản lĩnh, ứng biến linh hoạt.
Nổi bật nhất là từ khi Khai mạc năm du lịch Quốc gia, nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật, các chương trình, sản phẩm du lịch được ra mắt công chúng, để lại những ấn tượng đặc biệt về một Hội An có nền tảng văn hóa và đời sống tinh thần phong phú, đặc sắc, mang đậm bản sắc cộng đồng, vừa lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống nhưng vẫn rạng ngời màu sắc tươi mới của thời đại.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm VHTT – TTTH TP Hội An nhìn nhận: “Phải nói là chúng ta đã có một năm du lịch Quốc gia đầy ấn tượng, với các sự kiện, hoạt động, chương trình vừa quy mô, vừa chuyên nghiệp, chất lượng cao, đậm nét văn hóa Hội An. Đây cũng là động lực, là hứng khởi để bước sang năm 2023 với nhiều ý tưởng sáng tạo, nhiều sáng kiến hơn trong việc duy trì và làm mới các sản phẩm, để các sự kiện ngày càng độc đáo, nâng tầm”

Nghệ nhân Huỳnh Sướng trình nghề tại không gian con đường nghệ thuật và sáng tạo

Đúng như thông tin của bà Trương Thị Ngọc Cẩm chia sẻ, năm 2022, hàng loạt sản phẩm mới đã được ra đời, đánh dấu những ý tưởng sáng tạo độc đáo, phù hợp với vùng đất và con người Hội An. Có thể kể đến như sản phẩm Đêm Hoài Giang, Hội An – Sắc màu của lụa; Tinh hoa Trà Việt, Con đường nghệ thuật và sáng tạo… Những sản phẩm này lần đầu ra mắt công chúng đã được du khách và người dân đón nhận, không chỉ bởi sự đặc sắc, mới lạ mà còn là sản phẩm phù hợp với đặc trưng lịch sử, văn hóa và cả không gian cảnh sắc rất riêng của Hội An, góp phần “ghi điểm” một cách đầy ấn tượng cho Quảng Nam trong năm du lịch mang tầm cỡ quốc gia.
Nghệ nhân Huỳnh Sướng, ở làng mộc Kim Bồng, người có tham gia gian hàng trưng bày và trình nghề tại không gian Con đường nghệ thuật và sáng tạo cho rằng, đây là cơ hội để nghề thủ công Hội An có thêm một không gian mới, đến gần hơn với du khách. Và sau khi năm du lịch quốc gia khép lại, những không gian này nếu được duy trì thường xuyên, chắc chắn sẽ trở thành những sản phẩm hữu hình để nghề thủ công mỹ nghệ của Hội An có thêm tiềm lực phát triển bền vững, tránh nguy cơ mai một, thất truyền. Nghệ nhân nói: “Bà con ở làng nghề cảm thấy rất hạnh phúc khi có một không gian trình nghề và sản phẩm ngay giữa lòng phố cổ Hội An như thế này. Nghề truyền thống của chúng tôi được đến gần với du khách hơn. Sau sự kiện, chúng tôi hy vọng, thành phố tiếp tục duy trì và thêm thắt các hoạt động vào con đường nghệ thuật này, để nét đẹp lao động đời thường trong phố cổ có thể trở thành hoạt động nghệ thuật thực sự, làm say lòng du khách hơn, bên cạnh những thứ mà phố cổ đang có”.
Thành phố Hội An vừa bước ra sau những tác động sâu sắc của 2 năm dịch bệnh nên đương nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định. Và trong năm du lịch quốc gia, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Nam, trong đó có thành phố Hội An đã tăng lên đáng kể. Thị trường du lịch dù đã bước đầu phục hồi nhưng việc mua sắm, chi phí tiêu dùng của du khách vẫn còn dè dặt, hoạt động thương mại dịch vụ còn chưa thực sự bùng nổ, mang lại doanh thu lớn cho ngành du lịch. Vì vậy, năm du lịch quốc gia cũng là cơ hội để thành phố kích cầu, tạo đòn bẩy để kinh tế du lịch dịch vụ có đà phục hồi.

Hội An – Sắc màu của lụa, sản phẩm sẽ được tổ chức cố định phục vụ du khách

Riêng về giá trị nghệ thuật, sản phẩm du lịch, sau mỗi chương trình trong năm du lịch quốc gia tại Hội An, khả năng tiếp biến, sáng tạo từ chất liệu văn hóa bản địa của chính quyền và cư dân bản địa được nhận diện một cách thăng hoa và tỏa sáng hơn, để rồi, Hội An có thêm các sản phẩm mới, tinh túy và đầy màu sắc, song vẫn gần gũi với đời sống cộng đồng. Cũng từ các chương trình đặc sắc trong năm du lịch quốc gia này, Hội An có thêm những kinh nghiệm quý và cả cơ hội để phát triển các sản phẩm du lịch cho chặng đường phía trước.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP Hội An nói: “Qua năm du lịch Quốc gia, chúng ta rút ra những kinh nghiệm gì để ứng dụng vào thực tiễn năm 2023 này? Thứ nhất tổ chức sự kiện sẽ đi theo hướng tạo nên sản phẩm ổn định, không chạy theo sự kiện phục vụ một sự kiện hoặc một chương trình nào đó rồi thôi. Xem đây là một tư tưởng chỉ đạo. Ví dụ cũng là những chương trình cũng ta đã làm gần đây là Đêm Hoài giang, con đường nghệ thuật và sáng tạo, Hội An sắc màu của lụa… thì phải xác định đây là sản phẩm lâu dài, thường xuyên, ổn định. Thứ 2 là phải liên kết nhiều chủ thể cùng sáng tạo ra các sản phẩm, được sử dụng để làm nên sự đa dạng và mới mẻ trong điểm đến. Đó có thê là sản phẩm của Nhân dân, của cộng đồng, của doanh nghiệp, cá nhân nào đó… nhưng chúng ta phải liên kết các chủ thể này làm để hợp thành những sản phẩm chung của Hội An”.
Theo định hướng này của lãnh đạo thành phố, năm du lịch Quốc gia Quảng Nam điểm đến xanh dù vừa khép lại nhưng cũng mở ra nhiều triển vọng và cơ hội lẫn thách thức để Hội An phát triển kinh tế du lịch dịch vụ bền vững. Đó không chỉ là đòn bẫy trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương mà còn khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của chính quyền và cư dân bản địa, để sản phẩm du lịch của Hội An ngày càng được nâng tầm chất lượng, thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa vừa xưa cũ, vừa hiện đại của một thương cảng Hội An trong quá khứ và là di sản văn hóa thế giới đương đại của nhân loại ngày nay.

LÊ HIỀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *