Du lịch Bảo tàng ở Hội An

Vừa qua, Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã khai trương, chính thức mở cửa đón khách tham quan Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An tại ngôi nhà cổ (số 46, đường Nguyễn Thái Học, Hội An).

Không gian trưng bày tại Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An trưng bày gần 200 hiện vật gốc và một số hiện vật phục chế, các tư liệu hỗ trợ liên quan đến nghề y truyền thống nói chung và nghề y ở Hội An nói riêng. Với 6 gian trưng bày, Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An tái hiện không gian tiệm bán thuốc Bắc truyền thống với các khu vực trưng bày tủ thuốc, nơi bắt mạch, chẩn trị, nơi chờ đợi của bệnh nhân và khách hàng đến khám bệnh, cảnh bốc thuốc, cảnh phơi và bảo quản thuốc, cảnh chế biến một số loại thuốc… Bên cạnh đó, bảo tàng còn có không gian trưng bày, giới thiệu về nghề y truyền thống của Việt Nam, nghề y truyền thống của Quảng Nam và Hội An cùng phòng thông tin tư liệu gồm nhiều cuốn sách quý về nghề đông y. Bà Lê Thị Tuấn – Trưởng Phòng Quản lý Bảo tàng, Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết: “Trước đây, đối với thương cảng Hội An thì nghề thuốc Bắc là một trong những nghề nổi tiếng và duy trì đến thế kỷ XX và kể cả hiện nay vẫn còn một số hiệu thuốc Bắc đang hành nghề. Để việc tuyên truyền quảng bá nghề truyền thống cũng như để du khách, thế hệ trẻ biết được cái nghề của cha ông chúng ta, với chức năng của mình, Trung tâm QLBTDSVH đã đề xuất với thành phố cho thành lập bảo tàng nghề y này để tuyên truyền quảng bá, bảo tồn nghề truyền thống của ông cha”

Du khách tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Chỉ hơn một tháng đưa vào hoạt động nhưng nhờ tọa lạc tại địa diểm thuận lợi trong khu phố cổ và công tác quảng bá thông tin kịp thời, sâu rộng nên Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An thực sự trở thành điểm “du lịch bảo tàng” hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Thực tế, “du lịch bảo tàng” ở Hội An là sản phẩm đã có từ gần 30 năm trước. Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, công tác thu nhận, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục, học tập và thưởng thức theo khuyến cáo của tổ chức Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) đã được chú trọng và tạo chuyển biến tích cực. Đến đầu những năm 90 thì các bảo tàng chuyên đề ở Hội An được thành lập và được đưa vào tuyến tham quan chính thức trong khu phố cổ.

Với 5 bảo tàng và khu trưng bày đang hoạt động gồm: khu trưng bày Lịch sử – Văn hoá, khu trưng bày truyền thống Cách mạng, bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh và bảo tàng Văn hoá dân gian, Hội An đã tạo được một bản đồ du lịch thu nhỏ, thuận tiện cho du khách khi đến tham quan phố cổ, góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi hình ảnh di sản văn hoá thế giới đến với bè bạn gần xa. Anh Jonathan Kruisselbrink (đến từ Hà Lan) sau khi tham quan bảo tàng Văn hóa dân gian, đã bày tỏ: “Đây là bảo tàng rất thú vị và rất đẹp đối với tôi. Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm bảo tàng này và tôi chắc nghĩ là sẽ quay lại nhiều lần nữa. Chỉ mới vào vài phút ngắn ngủi thôi nhưng tôi nhìn thấy nhiều hình ảnh, cổ vật rất đẹp và được biết nhiều thông tin từ trước đến giờ chưa từng biết. Tôi rất vui vì có cơ hội đến đây, tôi sẽ quay lại và giới thiệu cho bạn bè cùng nhiều người biết đến Hội An”.

Bảo tàng Văn hóa Sa huỳnh là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước- Ảnh: Đỗ Huấn

Cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng bao giờ cũng tạo sức thuyết phục lớn và khách quan đối với người xem, người tham quan tìm hiểu. Điều đó đã tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách gần xa. Chỉ tính trong năm 2018, các điểm bảo tàng, di tích của Trung tâm QLBTDSVH Hội An trực tiếp quản lý đã đón hơn 2 triệu 396 lượt khách tham quan, trong đó phần lớn là khách quốc tế với hơn 2 triệu 50 ngàn lượt. So với năm 2017 lượng khách tham quan tăng khoảng 20%, trong đó khách khách quốc tế tăng 30,8%. Riêng trong quý I năm nay đã đón 722.094 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế là 677.077 lượt, khách Việt Nam là 45.017 lượt. “Các hiện vật, di vật, báu vật, cổ vật là một trong những yếu tố cấu thành di sản vật thể gắn với kiến trúc. Nếu thiếu những di vật, báu vật, cổ vật này thì giá trị kiến trúc giảm đi, cho nên những hiện vật này tác động để người ta nghiên cứu, tìm hiểu. Nó như một vật chứng sống để tìm hiểu thêm về Hội An. Rất may là gắn với các bảo tàng chuyên đề, du khách đến tham quan Hội An rất thuận lợi có thêm trải nghiệm, tìm hiểu các di vật, cổ vật trong các bảo tàng”, ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An nói.

Hội An – vùng đất “hội thuỷ, hội nhân, hội văn” với nhiều tầng nấc văn hoá phong phú là nơi có thể hình thành và phát triển nhiều hơn nữa các bảo tàng chuyên đề – một loại sản phẩm du lịch đặc trưng ở di sản phố cổ. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện đại, loại hình bảo tàng chuyên đề như: dân tộc học, nhân học, cách mạng, nghề nghiệp… là hướng phát triển tiếp tục được chú trọng của Hội An trong tương lai. Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm cho biết thêm: “Cùng với sự phát triển của bảo tàng thế giới hiện nay, người ta đang hướng tới bảo tàng gắn với công chúng, bảo tàng gắn với công nghệ để làm sao tạo cảm nhận cho du khách và cảm hứng với hiện vật. Theo cách truyền thống, bảo tàng chỉ trưng bày những hiện vật theo chủ quan của người làm bảo tàng nhưng bây giờ phải tương tác giữa du khách với bảo tàng. Thông qua hiện vật, người ta có thể góp ý kiến, trao đổi thêm với các nhà bảo tàng”.

Là đô thị thương cảng xưa với tấp nập thuyền buồm các nước đến giao lưu buôn bán, tại sao không thể có một bảo tàng về thuyền buôn ở Hội An trong thời gian tới? Và cũng có thể lắm chứ một bảo tàng nhiếp ảnh Hội An vì nơi đây là nơi hội nhập sớm, phát triển mạnh loại hình nghệ thuật này!… Đó cũng là ý tưởng của những người tâm huyết về văn hoá và du lịch Hội An.

                                                                                                Đỗ Huấn