Chỉ có 4/13 xã thuộc diện xây dựng nông thôn mới nên thời gian qua, Hội An đã tập trung cho công tác này và đã đạt được những kết quả khả quan. Song, việc Trung ương bổ sung nội dung tiêu chí 13 trong bộ tiêu chí xã đạt nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, phải có hợp tác xã hoạt động theo đúng luật Hợp tác xã đang tạo những áp lực mới cho các địa phương, gây nguy cơ tụt hạng nông thôn mới.
Hội An xây dựng nông thôn mới, đường giao thông được mở mang tới thôn cùng ngõ hẽm ở xã Cẩm Kim-Ảnh: Lê Hiền
Tụt hạng nông thôn mới…
Triển khai xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2016, xã Cẩm Hà đã đạt 19/19 tiêu chí, cùng với xã Cẩm Thanh trở thành 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở Hội An. Nhờ có chương trình này, Cẩm Hà được đầu tư xây dựng thêm các công trình cở sở hạ tầng, thiết chế công cộng như chợ, đường giao thông, nhà văn hóa thôn, trường học nên diện mạo địa phương có nhiều thay đổi. Các mô hình kinh tế như nuôi gà giống mới, trồng măng tây, sản xuất rau an toàn đã thu đạt hiệu quả cao. Công tác phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân cũng như các tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự và xây dựng hệ thống chính trị cũng được triển khai toàn diện, đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, bước sang năm 2017, khi Trung ương bổ sung và nâng tỷ lệ một số chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, UBND tỉnh ban hành Quyết định 756 về Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017 -2020 thì đến cuối tháng 9 vừa qua, Cẩm Hà “bổng dưng” tụt hạng 5 tiêu chí. Ngoài các tiêu chí mềm, mang tính chất định tính thì riêng tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất (với 2 nội dung: xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững) đang tạo ra những áp lực nhất định đối với Cẩm Hà và cả 3 xã còn lại đang xây dựng nông thôn mới ở Hội An.
Trên thực tế, thời gian qua, khi các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tại một số địa phương tự thấy hoạt động dần kém hiệu quả, bà con xã viên không còn mặn mà với mô hình hợp tác xã, hay nói đúng hơn mô hình hợp tác xã nông nghiệp đã làm tròn sứ mệnh lịch sử, không còn phù hợp với gian đoạn mới, bản thân các HTX cũng đã mong muốn được giải thể. Bước đầu thành phố đã thống nhất giải thể HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp phường Cẩm Châu, tiếp sau đó sẽ xem xét nhu cầu giải thể của các hợp tác xã còn lại.
Đến khi UBND tỉnh ban hành Quyết định Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, giờ đây, các xã lại phải giữ lại các hợp tác xã này. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Hà cũng trong tình thế đó. Gần 40 năm ra đời và hoạt động với nhiều bước thăng trầm, có thời điểm, HTX Cẩm Hà đã phát huy tốt vai trò là điểm tựa của bà con xã viên. Song hiện nay, hoạt động của HTX này chỉ còn ở mức cầm chừng. Các dịch vụ thủy nông thủy lợi gần như ngưng hẳn do nhiều diện tích đất lúa bị sình lầy, nông dân bỏ ruộng. Các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các hồ tôm của HTX trước đây cũng sắp đến hồi kết, khi mà 35 ngàn mét vuông hồ nuôi tới đây sẽ nằm trong vùng giải tỏa trắng để các doanh nghiệp làm du lịch và nạo vét sông Cổ Cò. Việc tập huấn kiến thức, khoa học kỹ thuật sản xuất cho xã viên giờ đây cũng thưa dần, bởi xã viên lớn tuổi, không còn trực tiếp sản xuất như trước đây. Hợp tác xã Cẩm Hà giờ chỉ còn hoạt động chủ yếu là hỗ trợ mua giống cho bà con xã viên, bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, diệt chuột và tìm đầu ra cho rau Trà Quế. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 1 ngàn xã viên của HTX nông nghiệp dịch vụ Cẩm Hà có hộ khẩu ở 3 xã phường Tân An, Cẩm Hà và Thanh Hà đều mong muốn giải thể hợp tác xã. Từ thực trạng này và trước áp lực về tiêu chí nông thôn mới, xã Cẩm Hà cũng đang tính toán các phương án để chia tách, thành lập HTX riêng của Cẩm Hà, không còn liên kết địa bàn như trước đây. Ông Nguyễn Hoang, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp dịch vụ xã Cẩm Hà chia sẻ: “Hoạt động của HTX nông nghiệp xã Cẩm Hà có liên đới giữa xã Cẩm Hà, phường Thanh Hà và phường Tân An. Đến nay cũng do sức lao động của bà con nông dân nên hoạt động của HTX chỉ chừng mực nào đó, bởi ruộng đồng ngày càng ít người sản xuất. Về nông thôn mới phải có HTX, chúng tôi cũng đang đề nghị UBND xã Cẩm Hà và 2 phường nói trên phải chia tách ra để Cẩm Hà thành lập HTX mới. Vì bây giờ Hợp tác xã có cả nghìn hội viên nhưng tất cả đều già cả hết rồi, có nhiều người qua đời rồi. Tài sản để lại cho con cái họ, con cái họ cũng không làm nông nữa, nếu giải thể hoặc chia tách thì tài sản đó sẽ trả lại thôi”.
Xã Cẩm Thanh có nguy cơ rớt nông thôn mới vì tiêu chí tổ chức hoạt động hợp tác xã- Ảnh: Lê Hiền
Băn khoăn của xã mới xây dựng nông thôn mới…
Đối với xã Cẩm Kim, địa phương mới phát động xây dựng nông thôn mới sau Cẩm Hà và Cẩm Thanh, việc thực hiện các tiêu chí mới bổ sung, sửa đổi cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tiêu chí số 13 về mô hình hợp tác xã cũng đã tạo ra những băn khoăn và áp lực đối với địa phương. Dù rằng, lâu nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Cẩm Kim được cho là hoạt động hiệu quả hơn so với các hợp tác xã ở các địa phương khác. Song với những quy định hiện nay, xã Cẩm Kim cho rằng, tất nhiên sẽ gặp những khó khăn khi duy trì và nâng tầm mô hình này. Ông Phan Trọng Nhân, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim phân tích: “Trong thời gian qua, HTX đã gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù bộ máy cũng đã rất là cố gắng. Song vì nhiềulý do, hoạt động của HTX so với yêu cầu của tiêu chí 13 về nông thôn mới thì chưa đạt. Cụ thể hiện nay hoạt động của HTX chủ yếu hỗ trợ và giúp đỡ bà con triển khai kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, còn các dịch vụ đem lại nguồn thu chủ yếu là dịch vụ thủy lợi. Những năm gần đây, lợi nhuận thu từ dịch vụ thủy lợi rất là thấp, không đủ để trang trải dù chỉ có một đồng chí cán bộ HTX, điều đó đã là khó rồi, nói chi đến bộ máy. Chủ yếu phục vụ là chính. Cái thứ hai là bộ máy HTX cũng lớn tuổi mà không có người thay thế. Đây cũng là vấn đề nan giải cho địa phương, dù địa phương thời gian qua đã tập trung phương án, tháo gỡ vấn đề này.”
Ngoài các tiêu chí số 13, đối với xã Cẩm Kim, địa phương cũng gặp một số khó khăn khi thực hiện các tiêu chí mềm, như phải có điểm phục vụ dịch vụ viễn thông công cộng, đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy cập intenet; có điểm phục vụ bưu chính, có thùng thư công cộng… Thực tế hiện nay, các cơ sở dịch vụ intenet và điện thoại công cộng tại địa phương không còn hoạt động do khách không còn nhu cầu sử dụng, nhất là khi các dịch vụ internet tiện dụng, cao cấp 3G, 4G, wifi và điện thoại di động ra đời. Thêm vào đó, bưu điện xã tuy có trụ sở, mặt bằng nhưng ngành bưu điện không còn tổ chức hoạt động bưu chính tại bưu điện xã, chỉ sử dụng làm điểm cấp phát lương hưu hàng tháng. Còn về thùng thư công cộng thì có thể sẽ chọn được điểm đặt nhưng tần suất sử dụng ít, lại không có cán bộ bưu điện phụ trách nên không thiết thực, chỉ mang tính đối phó. Đây cũng là thực trạng chung của hệ thống bưu điện cấp xã hiện nay. Vì vậy trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, một số nội dung đã nghiễm nhiên trở nên không phù hợp với xu hướng phát triển. Theo bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng Phòng KT, Phó Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hội An, trong quá trình thực hiện, Ban sẽ xem xét nội dung các tiêu chí trên cơ sở thực tiễn áp dụng để kiến nghị với Ban Chỉ đạo cấp trên điều chỉnh cho phù hợp. Song trước mắt, các địa phương cũng phải tập trung các giải pháp để thực hiện các tiêu chí NTM, theo lộ trình đến năm 2020, hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở Hội An. “Một chỉ tiêu rất khó thực hiện trong Nông thôn mới hiện nay là tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, yêu cầu phải thành lập HTX. Tuy nhiên khi làm việc với Tân Hiệp và Cẩm Kim thì nảy sinh mấy vấn đề, do đó chúng tôi mạnh dạn đề xuất với thành phố có chủ trương cho tăng cường cán bộ hợp đồng của Phòng xuống 4 địa phương này cùng các địa phương thực hiện. Lương thì vẫn hưởng phòng.4 HTX hiện nay làm ăn thua lỗ, anh em không thể trông chờ nguồn thu nhập từ HTX được. Cái này trong quyết định 46 của tỉnh có cơ chế. Bên cạch đó các địa phương phân công con người trong Ban chấp hành địa phương đó phụ trách mảng này để phối hợp cùng phòng kinh tế hoàn thành chỉ tiêu này”- Bà Vân phân tích:
Như vậy, trước những thay đổi bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Trung ương, các cấp ngành hữu quan cần tập trung hơn nữa để tổ chức thực hiện. Công tác này cần được cả hệ thống chính trị duy trì và thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo lộ trình đến năm 2020, tỉnh đánh giá và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với 4/4 địa phương xây dựng NTM, mang diện mạo mới cho các xã vùng nông thôn của Hội An.
Lê Hiền