Ngư dân Hội An phát huy hiệu quả tổ đoàn kết trên biển

Tính đến nay, TP. Hội An đã thành lập 14 tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển với gần 200 thành viên, tập trung ở các địa phương Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Nam, Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Tân Hiệp, Thanh Hà, Cẩm Kim. Việc thành lập các tổ đoàn kết đã giúp hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân Hội An ngày càng phát triển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Hằng năm, sản lượng khai thác hải sản bình quân của ngư dân Hội An đạt 13.500 tấn, trong đó sản lượng có khả năng xuất khẩu chiếm hơn 40%. Trong 3 tháng đầu năm 2021, thời tiết thuận lợi nên sản lượng khai thác thủy sản của ngư dân đạt gần 2.150 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm 2021: Sản lượng khai thác thủy sản của ngư dân Hội An đạt gần 2.150 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ.

Bà Trần Thị Minh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp cho biết, tổ đoàn kết trên biển tại địa phương được hình thành có 23 thành viên đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho ngư dân, vừa hỗ trợ nhau trong cứu hộ, cứu nạn, hạn chế các rủi ro nguy hiểm khi khai thác tại các vùng biển xa bờ, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngư dân Lê Bảy (Xã Tân Hiệp) chia sẻ hiệu quả của tổ đoàn kết nghề câu trên biển.

“BCH Hội còn thường xuyên vận động ngư dân và tổ đoàn kết trên biển trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong nước cũng như quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An”- Bà Minh nói.

Ngoài ra, các thành viên tổ đoàn kết trên biển đã hỗ trợ nhau về vốn sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt, tìm kiếm ngư trường khai thác, thông tin liên lạc, ngăn chặn các hoạt động khai thác hải sản trái phép. 

 “Từ ngày thành lập tổ đoàn kết trên biển, ngư dân xã đảo yên tâm ra khơi bám biển không chỉ bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam mà ngư dân chúng tôi còn giúp đỡ nhau khi gặp rủi ro trên biển”- Ông Lê Bảy – Thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp nói.

Để ngư dân yên tâm bám biển, Hội Nông dân TP. Hội An còn phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Đại và Cù Lao Chàm ký kết chương trình vận động nhân dân khu vực biên giới, biển, đảo đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước gắn với bảo vệ biên giới giai đoạn 2020 – 2025.

Thông qua chương trình ký kết, các cấp hội đã xây dựng nhiều mô hình như: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”; “Bảo vệ an ninh Tổ quốc, “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn”, “Bến bãi an toàn”.

Ông Nguyễn Anh – Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hội An cho biết, các cấp hội đã tuyên truyền ngư dân không vi phạm đánh bắt hải sản bất hợp pháp, đoàn kết giúp đỡ nhau đánh bắt trên biển và “Một ngư dân trên biển cũng là một người bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

“Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là của toàn đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó lấy nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang là nòng cốt và lực lượng biên phòng là chuyên trách. Các cơ quan chức năng tăng cường phổ biến luật định cho ngư dân, tạo môi trường thuận lợi để nhân dân đảm bảo sinh kế, trên cơ sở đó nhân dân mới có điều kiện tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo”- Thượng tá Nguyễn Hữu Quyết – Chính trị viên, Đồn biên phòng Cù Lao Chàm cho hay.

Toàn thành phố hiện có 737 tàu thuyền, trong đó có 54 chiếc tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên đánh bắt ở vùng biển xa bờ. Ngoài việc hỗ trợ hơn 4,6 tỷ đồng cho 29 tàu thuyền của ngư dân theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách cho ngư dân bị tai nạn trong quá trình sản xuất trên biển; TP. Hội An còn phối hợp với Trường Đại học Nha Trang đào tạo bằng thuyền trưởng hạng 4 miễn phí cho ngư dân; xây dựng 01 bến cá ở phường Thanh Hà và 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở Âu thuyền Cù Lao Chàm – xã Tân Hiệp và phường Cẩm Nam.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở Âu thuyền Cù Lao Chàm.

Với những chính sách hỗ trợ của thành phố cùng việc hình thành tổ đoàn kết sản xuất trên biển đã giúp ngư dân Hội An tiếp tục yên tâm vươn khơi bám biển không chỉ để mưu sinh cuộc sống, phát triển kinh tế mà còn góp phần canh giữ vùng lãnh thổ thân yêu của Tổ quốc.

Mỹ Lệ

Nghề trồng rau ở Trà Quế

Sau Tết nguyên đán hằng năm, cứ vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch người dân làng rau Trà Quế long trọng tổ chức Lễ hội cầu bông, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để mọi nhà ăn nên làm ra. Lễ hội cũng là dịp để mọi người truyền dạy, bảo ban lớp cháu con biết giữ gìn, trân quý công lao, phước đức của tổ tiên, ông bà để lại về nghề trồng rau truyền thống nơi vùng cát thanh cảnh, hữu tình này…

Những vườn rau Trà Quế – Cẩm Hà vào vụ xuân đầu năm mới.

Vùng cát làng rau này tuy không xa lắm nhưng dường như nằm cách biệt với vùng nội ô thành phố. Đất Trà Quế không rộng, người không đông. Khu dân cư này được bao bọc bởi đoạn cuối con sông Đế Võng, có đầm Trong và đầm Ngoài là 2 nguồn dự trữ nước cần thiết cho người trồng rau vào mùa nắng nóng. Người dân Trà Quế vẫn thường bảo rằng: “Cát trắng và nước ngầm đã nuôi sống chúng tôi!” bởi rau thì trồng trên cát và luôn phải cần nước tưới. Tưới cho rau cũng lắm công phu. Khi tưới phải rây đều đặn, nhịp nhàng, vừa phải. Nhẹ tay, yếu nước thì không đủ thấm nuôi rau. Mạnh tay, nặng nước thì cát xói, gốc trốc, ngọn hư… Và thế là trở thành “công cốc”!

Ai về Trà Quế thì về

Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh

Buổi mai đi bán củ hành

Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm

Cát trắng có thể làm cho rau Trà Quế tinh khiết, đậm hương nhưng nguồn phân bón mới làm nên mùi thơm riêng biệt, đặc sắc. Rau Trà Quế hoàn toàn không sử dụng phân hóa học và hạn hữu lắm mới dùng thuốc trừ sâu. Sản xuất theo hướng hữu cơ, người dân Trà Quế chỉ dùng rong các loại và phân chuồng để bón cho rau. Các loại rong này có mức phân hủy cao và nhanh, giúp đất tơi xốp, dùng để làm bổi bón lót cho rau, được vớt trên sông Đế Võng hoặc vùng cuối hạ lưu sông Thu Bồn. Những năm gần đây, mặc dù đã phát triển mạnh nghề chăn nuôi nhưng nguồn phân tại chỗ chẳng thấm tháp vào đâu. Người trồng rau Trà Quế cho biết, vì nhu cầu phân bón rất lớn nên họ phải lặn lội tìm mua thêm phân chuồng tận những nơi xa như: Duy Vinh, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), Điện Dương, Điện Nam (thị xã Điện Bàn)… 

Nhờ vậy rau Trà Quế luôn có hương thơm rất đặc trưng. Ăn rau Trà Quế rất dễ nhận ra vị đắng của rau đắng, vị cay nồng của hành hương, hành ca – rô, vị cay the của rau răm, rau quế, vị ngọt của giá đậu các loại… Thật thú vị và ngon miệng biết bao khi trong bữa ăn hằng ngày của gia đình, nhất là trong ba ngày tết có được dĩa rau sống tươi xanh, sạch mát và thơm ngon mang về từ làng rau Trà Quế. Và thử hình dung, nếu trong những tô Cao lầu, mì Quảng, phở… những món ăn quen thuộc của người Hội An, những món đặc sản ở phố cổ mà không có những cọng quế thơm, giá trắng, xà lách, hành hương… thì còn gì là hương vị quê nhà.       

Hiện nay, mỗi ngày người dân làng rau Trà Quế cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm mi-ni ở Đà Nẵng, Quảng Nam và cũng bán ra thị trường tự do, phục vụ tiêu dùng khoảng 4 – 5 tấn rau các loại. Ổn định được giá cả, thu nhập từ nghề trồng rau đã góp phần cải thiện tích cực đời sống người dân ở đây, đồng thời càng thúc đẩy du lịch phát triển. Ông Mai Nhỏ – người trồng rau ở Trà Quế cho rằng, nhờ có sự quan tâm đầu tư của nhà nước, kết hợp phát triển sản xuất rau và dịch vụ du lịch mà đời sống nhân dân ở làng rau đã đổi thay tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.

Kết hợp phát triển sản xuất rau với dịch vụ du lịch, phục vụ du lịch ở Trà Quế, xã Cẩm Hà

Đến Trà Quế trong ngày Lễ hội cầu bông hoặc những dịp hội hè, giỗ tế của cư dân trong làng, chúng ta càng có dịp cảm nhận được ân tình sâu nặng của những người gắn cả cuộc đời với nghề trồng rau “gánh nước 2 gàu chai vai”. Đến như món ăn có tên “Tôm hữu” cũng chứa chan ân tình ấy.Tôm hữu hay còn có tên gọi là “Tam hữu” có nghĩa là ba người bạn gồm: con tôm ở dưới nước, thịt ba chỉ là thành phẩm của vật nuôi trên bờ, rau là sản vật bao đời làm nên tên tuổi của làng. Phải chăng đó là nghĩa tình chan chứa với đất đai, sông nước, vườn rau gắn bó bao đời với dân làng…

Cuộc sống chân chất, mộc mạc và hiếu khách của người dân ở làng nghề truyền thống đặc sắc này cùng với khung cảnh thiên nhiên xanh mát, hữu tình là những điều khiến cho du khách, nhất là khách đến các nước công nghiệp phát triển cảm thấy yêu thích, khoái chí. Trong hành trình tham quan, khám phá di sản văn hóa thế giới Hội An, nhiều du khách trong và ngoài nước đã chọn làng rau Trà Quế là một điểm đến không thể thiếu được để thưởng lãm và trải nghiệm. Tờ nhật báo Le Figaro nổi tiếng và lâu đời của Pháp đã từng bình chọn làng rau Trà Quế là 1 trong 10 điểm không thể bỏ qua nếu du lịch tới Việt Nam và hiện tại nơi đây vẫn là điểm du lịch đầy hấp lực đối với du khách gần xa…

Du lịch cộng đồng ở làng nghề từ đó đã phát triển mạnh trong những năm qua. Lượng khách đến tham quan làng rau tăng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân và địa phương. Bộ mặt làng rau Trà Quế nay đã đổi thay nhiều. Đường làng đã được bê tông hóa, đường nội bộ các vườn rau được lát gạch tinh tươm, sạch đẹp, Nhà cửa, vườn tược được chỉnh trang vuông vức, ngay hàng thẳng lối… Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong định hướng phát triển du lịch của Hội An những năm tới, làng rau Trà Quế được xác định là trọng điểm phát triển du lịch làng nghề, sinh thái và cộng đồng nên được tập trung đầu tư và từng bước nâng tầm chuyên nghiệp trong quản lý, khai thác, tạo uy tín cao về thương hiệu.

UBND thành phố Hội An cũng đã có chủ trương chỉ đạo nghiên cứu phương án bảo tồn giống rau và kỹ thuật trồng trọt để tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy phát triển nghề trồng rau tại làng Trà Quế, giữ vững thương hiệu trên thị trường, đồng thời tiếp tục nâng cấp mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị rau VietGap tại đây để ổn định bền vững, lâu dài.                                                                                                                                          

Đỗ Huấn

Hội An: Phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm sau mưa lũ

Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) TP. Hội An vừa hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm sau đợt mưa lũ kéo dài để bảo vệ đàn vật nuôi, phát triển sản xuất.

 Trung tâm KTNN sẽ hỗ trợ các địa phương phun thuốc tiêu độc khử trùng bảo vệ đàn gia súc, gia cầm- Ảnh: Mỹ Lệ

Trung tâm KTNN đã đề nghị các địa phương cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế lây lan diện rộng; rà soát số lượng gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt chính, đến kỳ tiêm phòng, tổ chức tiêm vét, tiêm phòng bổ sung, đảm bảo đạt tỷ lệ 80% tổng đàn trở lên; tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong công tác tiêm phòng; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức không chấp hành tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định.

Theo kế hoạch (từ ngày 20 – 30/10), Trung tâm sẽ phân bổ 156 lít hóa chất Novacide 10% cho 12 xã, phường (trừ xã đảo Tân Hiệp) để triển khai công tác phun tiêu độc khử trùng môi trường.

Rà soát tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm còn lại- Ảnh: Mỹ Lệ

Ngoài ra, Trung tâm cũng khuyến cáo các địa phương cần vận động người chăn nuôi mua con giống từ các cơ sở có đăng ký chất lượng con giống, thực hiện đầy đủ, đúng quy trình về kiểm dịch động vật theo quy định; báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương và thú y xã, phường xử lý khi nhập gia súc, gia cầm giống hoặc gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân.

Mỹ Lệ

Đào tạo nghề trồng nấm cho nông dân phường Cẩm Châu

Sáng 16.10, tại Khu sinh hoạt Văn hóa khối Sơn Phô II, Hội nông dân phường Cẩm Châu phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân Quảng Nam tổ chức lớp đào tạo nghề trồng và nhân giống nấm cho 35 hội viên nông dân tại địa phương.

Lớp đào tạo nghề trồng nấm cho nông dân phường Cẩm Châu- Ảnh: Mỹ Lệ

Tại đây, các học viên được giới thiệu về một số giống nấm như: nấm rơm, nấm sò, quy trình trồng, chăm sóc và bảo quản nấmvà đặc biệt được tham gia thảo luận, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm. Lớp đào tạo nghề sẽ được tổ chức trong vòng 01 tháng và các học viên được nhận chứng chỉ đào tạo nghề sau khi khóa học kết thúc.

“Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, lớp đào tạo nghề góp phần tạo nên mô hình tự cung tự cấp tại gia đình cho bà con nông dân phường Cẩm Châu. Đồng thời, hoạt động này cũng hỗ trợ kiến thức giúp bà con hội viên mạnh dạn triển khai mô hình trồng nấm sạch, đảm bảo chất lượng để phục vụ sản xuất trên địa bàn”, Ông Nguyễn Quang Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Châu nói.

Mỹ Lệ

Vụ Hè Thu tại Hội An: Năng suất lúa ước đạt 60 tạ/ha

Trên những cánh đồng tại TP. Hội An, nông dân đã thu hoạch trên 70% diện tích vụ lúa vụ Hè Thu, ước năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha, cao hơn so với cùng kỳ. Đối với những diện tích lúa còn lại chưa thu hoạch, sẽ hoàn thành thu hoạch vào những ngày tới đảm bảo trước mùa mưa bão.

Nông dân phấn khởi thu hoạch lúa vụ Hè Thu. Ảnh: Mỹ Lệ

Vụ này, nông dân sử dụng giống chủ lực là TBR225, HT1, BC15 và giống bổ sung là Thiên ưu 8, VN20, Đài thơm 8, Hà phát 3…. với tổng diện tích gieo sạ 342,5 ha. Một số diện tích bỏ vụ do nhỏ lẻ, gần khu dân cư nên thường xuyên bị các đối tượng sâu bệnh gây hại, không chủ động nguồn nước tưới, đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn,…

Ông Phạm Hà – Khối Sơn Phô 1 (P. Cẩm Châu) cho biết, vụ này ông gieo sạ với diện tích 4 sào lúa (tương đương 2.000 m2), sản lượng thu hoạch ước đạt 11 bao lúa tươi/sào. Như các hộ nông dân khác, ông cũng được Hội Nông dân phường hỗ trợ thuốc diệt chuột, song theo ông Phạm Hà, vụ này chuột ít phá hoại hơn và thời tiết ổn định, không có sâu bệnh nhiều so với vụ Đông Xuân.

Trên toàn địa bàn phường Cẩm Châu, nông dân đã thu hoạch hơn 80% diện tích lúa. Đặc biệt, trong vụ Hè Thu này, một số hộ nông dân đã tiến hành cải tạo đất và đưa vào sản xuất đối với một số diện tích đất trước đây bị bỏ vụ cho năng suất cao, như hộ ông Nguyễn Văn Trung, Trang Thanh Tươi và bà Huỳnh Thị Kim Chi (Khối Trường Lệ), hộ ông Nguyễn Hùng (Khối An Mỹ), hộ ông Trần Đức và Bùi Nuôi (Khối Sơn Phô 2)…

Nông dân phấn khởi thu hoạch lúa vụ Hè Thu. Ảnh: Mỹ Lệ

Ông Nguyễn Quang Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Châu cho biết, địa phương đã hỗ trợ hơn 170 kg thuốc diệt chuột sinh hóa giúp bà con an tâm bám ruộng sản xuất. Năng suất lúa vụ này cao hơn vụ năm ngoái khoảng 3 tạ/ha.

Năm nay, nông dân sản xuất vụ Hè Thu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động, song bà con nông dân đã được các cấp hội nông dân hướng dẫn, vận động yên tâm sản xuất, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Để đảm bảo năng suất lúa vụ Hè Thu, bà Trần Thị Hồng Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp nói: “Trung tâm đã hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật đầu vụ, tổ chức tập huấn hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống cho nông dân, dự báo tình hình sâu bệnh, thời tiết khí hậu; hỗ trợ 360 kg thuốc sinh hóa cho các địa phương sản xuất nông nghiệp để nông dân diệt chuột”. Để quản lý tốt tình hình dịch hại trên cây lúa, Trung tâm hướng dẫn nông dân định kỳ 7 ngày/lần kiểm tra đồng ruộng, phát hành thông báo hướng dẫn chăm sóc và quản lý dịch hại trước các giai đoạn quan trọng của cây lúa đến các địa phương để chủ động phòng trừ.

Nhận định và đánh giá về tình hình sản xuất vụ lúa vụ Hè Thu, Phòng Kinh tế thành phố cho rằng đến thời điểm này, vụ Hè Thu đã đạt được nhiều kết quả mặc dù có những điều kiện không thuận lợi so với cùng kỳ song các ngành chuyên môn đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Công tác chỉ đạo, theo dõi sản xuất được thực hiện thường xuyên, những vướng mắc về hạ tầng sản xuất như kênh nương, nước tưới và phòng trừ sâu bệnh được khắc phục kịp thời.

Bà con nông dân gấp rút thu hoạch diện tích lúa còn lại. Ảnh: Mỹ Lệ

Ông Lê Đình Tường – Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố trao đổi thêm, tình hình khô hạn nhiễm mặn xảy ra sớm dẫn đến phần lớn diện tích sản xuất lúa tại xã Cẩm Kim bỏ vụ, một số diện tích lúa phường Cẩm Châu, xã Cẩm Hà bị sặc phèn. Tuy nhiên được sự quan tâm chỉ đạo kỹ thuật của Sở NN-PTNN, các ngành chuyên môn của tỉnh về lịch gieo sạ, cơ cấu giống, nước tưới, biện pháp phòng trừ sâu bệnh và sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự nỗ lực của bà con nông dân nên những khó khăn được khắc phục, đem lại kết quả khả quan đối với vụ Hè Thu.

Theo kế hoạch, đối với những diện tích lúa còn lại, bà con đang gấp rút thu hoạch. Với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, các cấp chính quyền thành phố đang hỗ trợ tối đa cho bà con nông dân nhằm đối phó với cơn bão số 5 đang hình thành trên biển Đông và được dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung.

Mỹ Lệ

Về lại với biển giữa mùa dịch

Một ngày cuối tháng 8, về với vùng biển Cẩm An, tôi đã bắt gặp xu hướng đang tìm cách trở lại với nghề biển để mưu sinh của lớp người trẻ nơi đây, như sinh kế bao đời của cha ông họ: “ra khơi bám biển”.

Các thế hệ gia đình lão ngư Lê Văn Hùng bên ngư cụ truyền thống- Ảnh: Mỹ Lệ

1.Ông Phùng Hết, một lão ngư gần 65 tuổi, Phường Cẩm An (TP. Hội An) với trên 40 năm kinh nghiệm bám biển, là một trong số những người con của làng chài, gần như dành trọn cả đời với biển cả quê hương. Nay, ông không còn gắn bó với nghề do tuổi đã cao nhưng hằng ngày vẫn nhớ biển. Ngày hai buổi, bóng dáng người ngư dân già vẫn in lên bờ cát; ông ngồi bên biển, lục lọi lại đống ngư cụ đã cũ và lộn xộn, vá lại vài mảnh lưới như một cách thỏa nỗi nhớ nghề và tình yêu biển cả trong ông.

Còn với lão ngư Lê Văn Hùng, 51 tuổi cũng tại Phường Cẩm An (TP. Hội An) chia sẻ: “Trước đây tôi làm biển, nhưng do sức khỏe không đảm bảo nữa nên tôi chuyển sang làm nhân viên chăm sóc cây vườn cho cơ sở lưu trú du lịch. Khi dịch bệnh xảy ra, các cơ sở này đóng cửa, tôi quay lại làm biển, đánh bắt bãi ngang để trang trải cuộc sống”. Trong gia đình, còn có 2 người con trai và con gái cũng mất việc làm do dịch bệnh và đã trở lại phụ giúp ông làm nghề biển.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh phường Cẩm An đã thay da đổi thịt; Làng chài ven biển ngày xưa giờ đã được thay thế bởi những công trình du lịch, những khu dân cư đô thị; kéo theo đó nền kinh tế ngư nghiệp cũng chuyển dần sang cơ cấu dịch vụ – du lịch, lớp thanh niên con cháu của những lão ngư như ông Hết, ông Hùng phần nào đã dần thích nghi và tìm kế sinh nhai theo hướng dịch vụ – du lịch. Đại diện cho lớp người này có thể kể đến anh Lê Văn Tùng con trai của lão ngư Lê Văn Hùng. Ngay từ khi ra đời lập nghiệp anh đã chọn cho mình hướng đi theo các công việc của ngành dịch vụ – du lịch, những năm gần đây anh Tùng là nhân viên phục vụ nhà hàng.

Vừa qua, khi “cơn bão” dịch bệnh Covid – 19 ập đến, mảng kinh tế dịch vụ -du lịch thiệt hại nặng nề, kéo theo sự lao đao của những nhân lực trong ngành này. Giữa khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai, anh Tùng chợt nhận ra nền tảng vững chãi của mình là cả một truyền thống lâu đời của lớp lớp người dân làng chài bám biển. Vì vậy, anh đã mạnh dạn trở về truyền thống của gia đình, cùng cha mình vươn khơi bám biển, tìm kiếm cơ hội ổn định cuộc sống trong giai đoạn này.

Lúc này, giá cả thủy sản khai thác tuy có giảm hơn so với thị trường tiêu thụ trước đây do nhiều nhà hàng, khách sạn không đặt hàng, song đây vẫn là nguồn thu nhập chủ yếu giúp người dân “cầm cự” trong mùa dịch.

Anh Lê Văn Tùng (mặc áo vàng) cùng cha chuẩn bị ngư cụ ra khơi- Ảnh: Mỹ Lệ

2.Trước những năm 1975, người dân Cẩm An biết kết hợp nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu với phương châm:

“Ba buồm, hai lái thẳng giăng

Ban ngày đánh cá, tối lăn hốt đồn”.

Sau năm 1975, nhằm ổn định đời sống, nhân dân Cẩm An nhạy bén thích ứng với cuộc sống bằng việc thực hiện phương châm “Chân biển – chân đồng” tức là vừa làm nghề biển, vừa làm nông, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức.Phần lớn người dân mưu sinh bằng nghề biển, theo kiểu “cha truyền con nối”.

Theo ông Nguyễn Hưng – Nguyên Bí thư Thị ủy Hội An, từ sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Cẩm An (xã Cẩm An cũ bao gồm phường Cẩm An, phường Cửa Đại và xã đảo Tân Hiệp) sống nhờ nghề biển; mặc dù nhận thấy mức độ rủi ro của nghề biển quá lớn nhưng đây là kế sinh nhai duy nhất nên vẫn kiên trì bám biển, vừa làm kinh tế vừa giữ gìn biển đảo. Điều đó đã tạo nên một thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghề khai thác thủy hải sản ở Hội An vào những năm 1980 – 1990.

Tuy nhiên, đầu những năm 2000, cùng với công cuộc tái thiết địa phương (chia tách xã Cẩm An thành 02 phường Cẩm An và Cửa Đại), là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên nghề biển dần mai mọt. Lúc này, giá trị kinh tế của nghề biển càng thấp dần và cơ hội tìm kiếm việc làm ở các ngành dịch vụ mở ra. Mặt khác, do tác động của quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch, gần như toàn bộ địa bàn phường được quy hoạch lại và hình thành nên các khu dân cư mới nhằm phát triển theo hướng đô thị… nên một bộ phận không nhỏ cư dân miền biển đã không còn nối nghiệp cha ông, chuyển đổi nghề nghiệp ngay trên chính quê hương mình.

Giờ đây khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phần lớn lao động tại đây bị ảnh hưởng và mất việc làm. Ông Nguyễn Minh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm An cho biết, trong thời điểm khó khăn này, nhiều lao động mất việc làm ở địa phương đã quay lại với nghề biển để mưu sinh, ổn định cuộc sống. Họ vốn là những ngư dân thực thụ, đã ngấm từng vị mặn của biển, từng chống chọi với đầu sóng ngọn gió để tìm kế sinh nhai.

3.Biển vẫn sẽ rộng mở vòng tay để chào đón các lớp thanh niên trong làng quay về. Họ sẽ vượt sóng ra khơi, không chỉ để mưu sinh cuộc sống, phát triển kinh tế mà còn góp phần canh giữ vùng lãnh thổ thân yêu của Tổ quốc.

Rồi đây, trong làng lại nghe tiếng í ới gọi nhau của những người mẹ, người vợ rủ nhau ra biển ngồi ngóng những con thuyền, chiếc thúng của người con, người chồng dần cập bến với ước vọng tôm, cá đầy khoang.

Và xen lẫn trong tiếng sóng vỗ, sẽ lại vang vọng những thanh âm mộc mạc mà thân thuộc của người dân sinh sống trên vùng đất nắng nôi đầy cát nhưng vẫn kiên cường bám biển lao động: “Chạy ra biển ngó thử ba dô chưa”, “Bữa ni trúng không ông”, “Rứa chiều mấy giờ đi lại”,…

Mỹ Lệ

Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An

Giấy phép trang TTĐT: Số 09/GP-Sở TTTT do Sở Thông tin &Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/12/2014

Số 01 A Hoàng Diệu - TP Hội An - Quảng Nam

ĐT: 0235 3861213 - Email: daittthhoian@gmail.com

Bản quyền thuộc về Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Thành phố Hội An. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Đài TT-TH Hội An (http://hoianrt.vn)

Thiết kế bởi: Đài TT - TH TP Hội An.