Nhận lời mời từ Thị trưởng TP.Andong (Hàn Quốc), từ ngày 27/9 đến ngày 6/10 đoàn đại biểu và đoàn nghệ thuật TP.Hội An đã tham gia Lễ hội múa mặt nạ quốc tế Andong tại thành phố Andong.
Đây là lần thứ 2 TP.Hội An tham gia lễ hội này, lần đầu tiên vào năm 2017. Tham gia lễ hội, đội nghệ thuật TP.Hội An mang đến các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, múa dân gian, trình diễn nhạc cụ dân tộc, dân ca bài chòi… mang âm hưởng Việt và lan tỏa vẻ đẹp của cảnh sắc, con người và văn hóa Hội An, Quảng Nam, Việt Nam. Đặc biệt, tiết mục biểu diễn nghệ thuật “Hát Bội” mang chủ đề “Ngũ hành phương Đông” được dàn dựng công phu, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại, đậm chất triết lý văn hóa Á Đông qua phần thể hiện sống động của các nghệ sĩ sẽ giới thiệu đến khán giả loại hình nghệ thuật được xem là mang tính bác học của văn hóa Hội An, Quảng Nam, Việt Nam.
Tham gia lễ hội múa mặt nạ quốc tế Andong là cơ hội để các nghệ sĩ Hội An giao lưu, học hỏi cùng các đội nghệ thuật trên thế giới; đồng thời là dịp để giới thiệu về Hội An như một điểm đến văn hóa – du lịch hấp dẫn. Đây cũng là hoạt động thể hiện nỗ lực và cam kết của Hội An sau khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian, cũng như tăng cường tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế.
TP.Hội An vừa vinh dự được nhận giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31 với hạng mục là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”. Đây là lần thứ V Hội An được nhận giải thưởng này. Giá trị hấp dẫn, thu hút du khách của Hội An không chỉ có khu phố cổ – di sản văn hóa thế giới mà còn ở vẻ đẹp của vùng sinh thái và văn hóa ở các làng quê, làng nghề.
Làng nghề truyền thống, vùng quê sinh thái ở Hội An là tiềm năng du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước từ nhiều năm qua. Sự ra đời, phát triển của các ngành nghề là sự kết nối và giao lưu của quá trình phát triển đô thị thương cảng Hội An xưa và nay.
Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa, khách du lịch nhất là khách phương Tây sống ở các nước phát triển, công nghiệp hóa từ lâu, ít có điều kiện cảm nhận đời sống lao động ở nông thôn, càng hiếm có cơ hội để hiểu biết về hoạt động sản xuất thủ công thời xa xưa nên cuộc sống nơi những làng quê, làng nghề truyền thống với họ là nơi cung cấp những kiến thức sống động về lịch sử văn hoá, rất bổ ích và thú vị. Ở xứ họ, mọi hàng hoá đều được sản xuất hàng loạt với các dây chuyền máy móc nên họ có tâm lý chuộng các sản phẩm thủ công do bàn tay khéo léo của con người làm ra.
Còn với khách trong nước, sự hiểu biết về văn hóa các vùng miền, các di sản nghề và làng nghề là cơ sở để mở rộng và nâng cao hiểu biết về văn hóa Việt Nam, lòng tự hào về quê cha, đất tổ; đồng thời là sự giao lưu, kết nối các mối quan hệ giàu bản sắc dân tộc, đa dạng mối quan hệ giao tiếp trên những hành trình du hý, khám phá. Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tich HHDL tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Hiện nay, hỗ trợ lớn nhất cho du lịch là từ nông nghiệp, ngư nghiệp. Cho nên phải làm thế nào để cố gắng giữ lại nghề của người dân vì du lịch khám phá đời sống văn hóa xã hội rất cần thiết”
Những năm qua, TP.Hội An có chủ trương phát triển du lịch ở những làng quê, làng nghề với nhiều loại hình dịch vụ trên cơ sở phát huy tài nguyên văn hóa và giá trị nhân văn kết hợp khai thác tài nguyên sinh thái. Các tour du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ở Trà Quế – Cẩm Hà, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, sông nước Cẩm Thanh, biển đảo Cù Lao Chàm, trồng lúa, hoa cây cảnh ở Cẩm Châu… được đa dạng hóa với đa dạng loại hình dịch vụ như: lưu trú, mua sắm, ẩm thực, trải nghiệm, khám phá… Ông Mai Kim Phương – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết, định hướng phát triển kinh tế hữu cơ tại làng rau Trà Quế gắn với phát triển du lịch, dịch vụ được thành phố và địa phương hết sức quan tâm. Thành phố cũng đã có đề án phát triển làng nghề Trà Quế. Địa phương cũng đã triển khai mô hình chuỗi liên kết rau hữu cơ VietGap ở Trà Quế và hiện đã dược Trung tâm Kiểm định chất lượng Vùng 3 công nhận làng rau đạt chuẩn VietGap. “Các tour du lịch được tổ chức rất nhiều tại làng rau Trà Quế, đã góp phần nâng cao thu nhập của bà con nông dân”, ông Phương nói.
Một số chuyên gia ngành du lịch chia sẻ, đừng nghĩ rằng nông dân – “nhà quê” là không làm được du lịch mà ngược lại, càng giữ được chất “quê mùa”, đời thực chừng nào thì càng có giá trị chừng ấy. Du khách ở các nước phát triển không thể có những hình ảnh thực tại “đời thật” như vậy, họ đến Việt Nam là muốn hòa nhập, khám phá cuộc sống người dân, nhất là người nông dân, người dân quê “chân lấm tay bùn”. Không ít trong số họ còn ước ao được làm một chút, một ít, hoặc một việc nhỏ nào đó do những “bậc thầy” nông dân thực thụ truyền đạt, chỉ bảo ngay tại chỗ.
Ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, thời gian gần đây các tour du lịch như “Một ngày làm nông dân dân Trà Quế”, “Một ngày làm cư dân sông nước Cẩm Thanh”, “Làm thợ gốm Thanh Hà”, “Cày ruộng cùng nông dân”, các tuyến du lịch khám phá làng quê – sông nước – biển đảo, các loại hình du lịch cộng đồng… đang ngày càng thu hút du khách đến với Hội An bởi những giá trị đời thường ấy, đặc biệt là các du khách đến từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ… “Các hoạt động mang tính trải nghiệm đã mang lại sự thích thú hấp dẫn đối với nhiều du khách”, ông Ánh nói.
Với đặc thù là đô thị thương cảng cổ xưa, làng quê, làng nghề ở Hội An mang trong mình nhiều giá trị văn hoá đắc sắc mà hiếm nơi nào có được. Đó là mối tương quan với “vẻ đẹp không trùng lắp” của quần thể kiến trúc đô thị cổ. Trong bối cảnh gắn bó và đồng hành cùng sự phát triển đô thị sinh thái – văn hoá – du lịch, ruộng vườn, hồ ao, sông nước, biển đảo Hội An… không chỉ là nơi sản xuất, canh tác của người dân mà còn là nơi tổ chức, làm ra các sản phẩm du lịch độc đáo để lôi kéo du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm và khám phá. Tin rằng, nơi ấy cũng là điểm đến bình yên, giàu giá trị của vùng đất có đến 2 di sản: văn hóa và thiên nhiên của thế giới.
Nhận lời mời từ Thị trưởng TP. Andong – Hàn Quốc, từ ngày 27/9 – 6/10/2024. đoàn đại biểu và đoàn nghệ thuật TP. Hội An tham gia Lễ hội múa mặt nạ quốc tế Andong.
Với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, múa dân gian, trình diễn nhạc cụ dân tộc, dân ca bài chòi… mang âm hưởng Việt và lan tỏa vẻ đẹp cảnh sắc, con người và văn hóa Hội An, Quảng Nam, Việt Nam. Đặc biệt là tiết mục “Hát Bội” mang chủ đề “Ngũ hành phương Đông” được dàn dựng công phu, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại, dựa trên nền triết lý văn hóa Á Đông sâu sắc của Đội nghệ thuật TP. Hội An đã thu hút đông đảo người xem.
Năm nay, lễ hội thu hút 34 đội nghệ thuật đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Peru, Ấn độ, Siranka, Indonesia, Dominica, Latvia, Nga, Malaysia, Thái Lan, Poland, Đài loan, Cộng Hòa Síp, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông cổ…
Dịp này, đoàn đại biểu TP. Hội An do ông Tạ Ngọc Quý – Ủy viên BTV -Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy làm trưởng đoàn cùng bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam đã có buổi chào xã giao và làm việc với Tổ chức văn hóa và nghệ thuật mặt nạ quốc tế IMACO.
Hai bên đã trao đổi các nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật dân gian…
Trong chặng đường phát triển du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An có sự hưởng ứng, tham gia của các doanh nghiệp góp phần lan tỏa thông điệp, hình ảnh du lịch xanh, bền vững.
Tại Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng, Silk Sense Hoi An River Resort là một trong những đơn vị tiên phong thực hành du lịch xanh và phát triển bền vững. Trong đó, đơn vị đã nói không với sản phẩm nhựa, xây dựng vườn rau hữu cơ để cung cấp nguyên liệu sạch. Mới đây, Silk Sense Hoi An River Resort đã được chứng nhận từ Tổ chức quốc tế về du lịch bền vững Travelife.
Trước đó, khu nghỉ dưỡng Silk Sense cũng đã được Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cấp chứng nhận là khách sạn nghỉ dưỡng đã thực hiện Tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN năm 2024; Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao tặng danh hiệu “Khách sạn không rác thải nhựa đầu tiên tại Việt Nam” và đạt các giải thưởng toàn cầu World Luxury Awards như Khu nghỉ dưỡng sang trọng bền vững, Khu nghỉ dưỡng sang trọng thân thiện với môi trường. Năm 2022, Silk Sense Hoi An River Resort được UBND tỉnh Quảng Nam trao chứng nhận du lịch xanh.
“Chúng tôi luôn quan tâm đến việc phát triển bền vững và cũng đã nhận thấy được những giá trị mang lại. Trong đó có thể kể đến là giá trị về kinh tế, bảo vệ môi trường, cộng đồng và nguồn nhân lực. Qua đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và giúp định vị Silk Sense là khách sạn xanh”, bà Hà Thị Diệu Viên – Phó Tổng quản lý Silk Sense Hoi An River Resort bày tỏ.
Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam chính thức công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh với sự hỗ trợ xây dựng của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ. Bộ tiêu chí được áp dụng cho khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng sinh thái, điểm du lịch dựa vào cộng đồng, doanh nghiệp lữ hành và điểm tham quan. Tham gia thực hiện bộ tiêu chí, các doanh nghiệp hướng đến sự phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng dịch vụ, sản phẩm, xây dựng thương hiệu bền vững và góp phần bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Mới đây, UBND tỉnh đã trao chứng nhận du lịch xanh theo Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam cho 12 đơn vị, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu. Qua đó, nâng tổng số đơn vị, doanh nghiệp được trao chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam lên con số 25. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tại Hội An như Silk Sense, Almanity Hoi An, Công ty TNHH Du lịch Hoi An Express, Công ty Emic Travel…
Ông Trần Nhật Sơn- Phòng phát triển kinh doanh (Công ty TNHH Du lịch Hoi An Express) trao đổi: “Sau khi được trao chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam, chúng tôi có điều kiện dễ dàng hơn để phục vụ nhóm khách hàng cũng như các công ty trên thế giới yêu cầu về sản phẩm du lịch xanh. Chúng tôi và các đơn vị, doanh nghiệp được trao chứng nhận du lịch xanh giống như là một cộng đồng cùng chung tay phát triển và giới thiệu hình ảnh du lịch xanh Quảng Nam”.
Hiện nay, trên địa bàn TP.Hội An đã có 08 điểm tham quan trong khu phố, 04 khách sạn, 02 khu nghỉ dưỡng, 04 homestay, 03 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế được UBND tỉnh Quảng Nam trao chứng nhận du lịch xanh. Cạnh đó, khách sạn Lasenta Boutique Hotel Hội An nằm trong top 10 khách sạn thân thiện vì môi trường xanh quốc gia, nhà hàng The Field đạt chuẩn Gold Platinum Low – Carbon Tourism Standard (tiêu chuẩn vàng bạch kim về giảm khí thải carbon) của tổ chức Magnus International Thailand.
Nhiều hoạt động, chương trình du lịch xanh được các đơn vị kinh doanh du lịch hưởng ứng thực hiện như du lịch vớt rác trên sông, cơ sở lưu trú giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, chương trình du lịch tham quan các mô hình tuần hoàn rác, mô hình “Ngôi nhà xanh”, mô hình đặt cọc – hoàn trả, mô hình trạm đong đầy tại chợ Hội An…
“Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng sẽ có những chương trình cụ thể để hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia cùng với các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam để cùng đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi mô hình du lịch xanh, bền vững, thúc đẩy thị trường hướng tới du lịch xanh”, ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho biết.
Tại TP.Hội An, thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, phát triển du lịch xanh; tổ chức tọa đàm “Giới thiệu mô hình du lịch xanh, lành mạnh đối với cơ sở lưu trú vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy thực hành du lịch xanh, giảm rác thải nhựa” và tập huấn “Quy trình quản lý và triển khai mô hình du lịch xanh, lành mạnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy thực hành du lịch xanh, giảm rác thải nhựa” với sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ các cơ sở lưu trú du lịch.
Cạnh đó, tổ chức tập huấn, tuyên truyền về kế hoạch phát triển du lịch xanh của thành phố, hướng dẫn thực hành du lịch xanh, lành mạnh cho các homestay tại Cù Lao Chàm; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về thực hành du lịch xanh, du lịch bền vững cho các cửa hàng, cửa hiệu, nhà hàng, quán ăn tại các khu, điểm du lịch…
Lần đầu tiên tại Hội An, khán giả yêu âm nhạc sẽ được thưởng thức trọn vẹn những ca khúc bất hủ của nhóm ABBA huyền thoại vào ngày 8/10 sắp tới.
Trên sân khấu thực cảnh rộng 25.000m2 của Đảo Ký ức Hội An, nhóm Arrival From Sweden sẽ trình diễn các ca khúc của ABBA, đây là nhóm nhạc được ABBA đào tạo và được công nhận là nhóm biểu diễn nhạc ABBA thành công nhất thế giới. Cùng với hơn 70 nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng SPO – Saigon Philharmonic Orchestra, những bản hit nổi tiếng một thời như Dancing Queen, Mamma Mia, SOS,… và đặc biệt, ca khúc Just A Notion do hai thành viên của ABBA, Björn Ulvaeus và Benny Andersson tặng cho Arrival From Sweden, được nhóm phát hành lần đầu năm 1999. Năm 2021, ABBA thể hiện bài hát này, đưa vào album Voyage.
Được biết, nhóm Arrival From Sweden do nhà sản xuất âm nhạc Vicky Zetterberg thành lập năm 1995 tại Thụy Điển, với các thành viên chủ chốt gồm Mark, Sarah, Vicky, Matt, Kev, Steve, Jack. Từ đó đến nay, họ lưu diễn ở 70 quốc gia trên thế giới.
Trên 2 triệu 753 nghìn lượt khách mua vé tham quan các điểm đến tại Hội An trong 9 tháng đầu năm 2024, con số này được UBND TP. Hội An đánh giá là đạt trên 73% kế hoạch và tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tại khu phố cổ Hội An, du khách mua vé tham quan đạt trên 1,3 triệu lượt, chủ yếu là khách quốc tế (1,1 triệu lượt). Đáng chú ý, du khách mua vé tham quan các điểm làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh cũng tăng; trong đó rừng dừa Bảy Mẫu 817 nghìn lượt, chủ yếu là khách quốc tế (600 nghìn lượt).
Riêng khách mua vé tham quan Cù Lao Chàm 214 nghìn lượt, chủ yếu là khách trong nước (152 nghìn lượt)./.
Lễ hội Cổ Cò năm 2024 do UBND phường Cẩm An tổ chức đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân và du khách khi “Đánh thức dòng sông huyền thoại”, nơi hòa quyện giữa cảnh vật với con người.
Chứng kiến không khí nhộn nhịp và đông đảo du khách khắp nơi tụ hội bên dòng dông quê hương, ông Nguyễn Quà, một người dân ở khối phố Tân Thành – Phường Cẩm An bày tỏ: “Tôi vui lắm vì con sông lịch sử của quê mình chừ quá rộn ràng. Bao đời gắn bó với sông nước, biển giã, cứ có lễ hội mà bà con mình thêm việc làm, thêm thu nhập thì vui chi bằng”. Nhiều hoạt động được tổ chức trong Lễ hội Cổ Cò năm 2024 đã hút hàng trăm du khách và người dân tham gia như: Chạy vì sức khỏe cộng đồng, trình diễn Bả trạo Cầu ngư, thiếu nhi vẽ tranh “Làng Chài trong em”, nấu ăn “Bếp Làng Chài”, lắc thúng chai, tiếng hát làng chài (hò khoan, dân ca, dân vũ), đêm hội làng chài…
Cùng với đó là các hoạt động trải nghiệm lắc thúng chai; đánh bắt cá, vãi chài, đan lưới; các trò chơi dân gian (đi cầu khỉ, bịt mắt bắt vịt, đập niêu); chèo thuyền kayak, dù lượn trên sông; tham quan điểm trưng bày “Làng chài xưa và nay”; các hoạt động, sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đáng chú ý, Ban tổ chức lần đầu tiên ra mắt tour tham quan mang tên “Cổ Cò huyền thoại”. Ông Lê Quốc Việt – HTX Làng chài Tân Thành – Cẩm An chia sẻ: “Khi khảo sát chúng tôi nhận thấy rất nhiều tiềm năng không chỉ ở thiên nhiên tươi đẹp mà còn cả yếu tố văn hóa nữa. Cộng đồng cư dân với nếp sống chân chất và cảnh quan nguyên sơ,… hội đủ các yếu tố để làm nên du lịch cộng đồng. Vì thế, chúng tôi muốn đánh thức dòng sông này!”
Tham gia tour, du khách có cơ hội du ngoạn, tham quan, khám phá chương trình trải nghiệm “Cổ Cò huyền thoại” dọc sông Cổ Cò đến xóm Chùa An Bàng bằng thuyền chèo tay để thăm làng chài ven sông với cây đa, giếng đá, đình đá cổ…; lắng nghe những câu chuyện, những điển tích xưa; khám phá những nếp sống, lối sinh hoạt của cư dân bản địa; đạp xe, thả bộ dọc các con đường làng; tham quan các địa điểm văn hóa, lịch sử địa phương; tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, văn nghệ, ẩm thực dân gian … Tham gia chương trình tour, ông John Mark, du khách đến từ nước Úc, chia sẻ: “Thật tuyệt vời, không gian thanh bình của làng quê và sự hiền hòa của người dân là điều khiến tôi vô cùng thích thú với nơi này”. Là một hướng dẫn viên đưa đoàn khách nước ngoài tham gia tour tham quan tour “Cổ Cò huyền thoại” này, anh Dương Thanh Hữu cho cho hay: ”Tnh hài hòa giữa cảnh vật và con người ở đây đang tạo nên nét riêng có của hành trình trên sông Cổ Cò, rất đáng được chiêm ngường và khám phá”.
Theo ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND phường, Cẩm An có khoảng 4km bờ biển và dòng “Lộ Cảnh giang” thơ mộng. Những năm gần đây, Cẩm An được biết đến là điểm du lịch biển nổi tiếng cùng chợ phiên Làng chài Tân Thành. Với mong muốn phát triển cân đối, hài hòa, khai thác hiệu quả tiềm năng giá trị bản địa, Cẩm An đang từng bước khai thác du lịch đường sông để tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho Hội An cũng như sinh kế bền vững cho người dân. Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An nói: “Chúng tôi mong muốn quảng bá tiềm năng du lịch Cẩm An. Lễ hội Cổ Cò năm 2024 và tour “Cổ Cò huyền thoại” – sản phẩm du lịch sinh thái này rất cần sự chung tay đóng góp, đặc biệt với chủ thể là cộng đồng cư dân địa phương và các doanh nghiệp”./.
Tối ngày 5/6, tại Art House Gallery số 2/6 đường Lê Lợi – TP. Hội An đã khai mạc triển lãnh tranh chủ đề “Hiện thực và mơ hoang” của họa sĩ Đặng Văn Tứ.
Với chất liệu sơn dầu, triển lãm có 15 tác phẩm tranh chọn lọc về đề tài Nude. Họa sĩ Đặng Văn Tứ sinh năm 1979, quê ở Thái Bình; tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2001. Tranh của họa sĩ đã triển lãm nhiều nơi trong và ngoài nước.
Tại Công viên Lăng Bà Cồn Động (đường Trường Sa), UBND phường Cẩm An – TP. Hội An vừa tổ chức Lễ hội Cổ Cò năm 2024 với chủ đề “Đánh thức dòng sông huyền thoại”.
Nhiều hoạt động diễn ra từ 6h đến 22h30 như: Hội thi “Chạy vì sức khỏe cộng đồng”; trình diễn Bả Trạo Cầu ngư; hội thi thiếu nhi vẽ tranh “Làng Chài trong em”; hội thi nấu ăn “Bếp Làng Chài”; thi lắc thúng chai; tiếng hát làng chài (hò khoan, hát dân ca, dân vũ); đêm hội làng chài…
Cùng với đó là các hoạt động trải nghiệm lắc thúng chai; đánh bắt cá, vãi chài, đan lưới; các trò chơi dân gian (đi cầu khỉ, bịt mắt bắt vịt, đập niêu); chèo thuyền kayak, dù lượn trên sông; tham quan điểm trưng bày “Làng chài xưa và nay”; các hoạt động, sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ban tổ chức lần đầu tiên ra mắt tour tham quan mang tên “Cổ Cò huyền thoại”. Du khách có cơ hội du ngoạn, tham quan, khám phá chương trình trải nghiệm “Cổ Cò huyền thoại” dọc sông Cổ Cò đến xóm Chùa An Bàng bằng thuyền chèo tay để thăm làng chài ven sông với cây đa, giếng đá, đình đá cổ… lắng nghe những câu chuyện, những điển tích xưa làm nên lịch sử hào hùng, những nếp sống, lối sinh hoạt của cư dân bản địa; đạp xe, thả bộ dọc các con đường làng, tham quan các địa điểm văn hóa, lịch sử địa phương; tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, văn nghệ, ẩm thực dân gian đậm chất Quảng…
TP.Hội An vừa đã được chuyên trang du lịch Escape của Úc ca ngợi là một trong 13 điểm đến tuyệt vời nhất cho kỳ nghỉ tháng 9.
Escape cho biết, du khách Úc đang “đổ xô” đến Việt Nam bởi giá vé máy bay và đồng đô-la Úc giúp tiết kiệm chi phí tại khu vực này. Trong đó, tháng 9 cũng là thời điểm hoàn hảo để ghé thăm Hội An, thánh địa thời trang với các cửa tiệm may đo thiết kế trang phục.
Tháng 9, Hội An bước vào thời điểm giao mùa, thời tiết ban ngày ấm áp, buổi tối mát mẻ, và du khách cũng có thể gặp những cơn mưa nhỏ bất chợt nhưng không kéo dài. Buổi sáng và buổi chiều trời thường khô ráo và có nắng, là lúc thích hợp để du khách khám phá khu phố cổ và các khu vực xung quanh. Đặc biệt, tháng 9 nằm ngoài mùa du lịch, nghĩa là lượng khách đến đây sẽ vắng hơn so với những tháng hè và các kỳ nghỉ lễ.
Hội An cũng nổi tiếng với lễ hội hoa đăng được tổ chức vào những ngày rằm 14, 15 âm lịch hàng tháng. Đến phố Hội vào dịp này, du khách sẽ thấy toàn cảnh phố Hội được thắp sáng lung linh, rực rỡ bởi vô vàn những chiếc đèn lồng đa sắc màu và những chiếc đèn hoa đăng sáng bừng ánh nến.